Sáng 5/9, hơn 300 học sinh đồng bào Bru – Vân Kiều xã miền núi Quảng Bình lần đầu tiên được khoác lên mình bộ trang phục truyền thống đi khai giảng. Một nét đẹp văn hóa bản địa được lưu giữ nhờ “những người lái đò” Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy.
Trong ngày tựu trường ấy, không chỉ riêng các em học sinh mà toàn bộ các thầy cô của Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy đều mang trang phục váy áo truyền thống của đồng bào Bru – Vân Kiều dự Lễ khai giảng. Hoạt động nhỏ của “những người lái đò” tại ngôi trường miền biên giới này đã góp phần giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa của đồng bào trong trường học.
Trên đỉnh Trường Sơn chót vót, dọc theo đường Trường Sơn nhánh Tây gần giáp ranh với tỉnh Quảng Trị, con dân của xã biên giới Lâm Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) chủ yếu là người đồng bào Bru – Vân Kiều. Tại ngôi Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Lâm Thủy có 18 lớp với 14 lớp cấp tiểu học và 4 lớp cấp THCS cùng hơn 300 học sinh học tập - đại đa số học sinh nơi đây là đồng bào Bru – Vân Kiều.
Để chuẩn bị cho ngày khai giảng “đặc biệt”, ngay những ngày đầu tháng 9, thầy cô đã sớm có mặt tại trường chỉnh trang trường lớp. Rồi họ chia nhau đến từng bản làng để thông báo cho từng học sinh, những trò ở bản xa đi lại trắc trở thì thầy cô xin phép gia đình đón các cháu ra trường sớm hơn. Bởi, Lễ khai giảng năm nay toàn bộ thầy cô và học trò của trường đều mặc trang phục truyền thống của đồng bào Bru – Vân Kiều, đó là điều đặc biệt mà lần đầu tiên cả thầy và trò Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy thực hiện.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thủy - thầy Nguyễn Văn Vững chia sẻ, việc đưa văn hóa Bru - Vân Kiều vào trường học ở các xã miền núi đã được nghiên cứu và thực hiện. Nhiều nhạc cụ và các giá trị văn hóa bản địa được chắt lọc, giới thiệu, dạy cho học sinh giúp các em hiểu hơn về văn hóa truyền thống. Qua đó sẽ khơi dậy, lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống trong học sinh Bru - Vân Kiều.
Ý tưởng đưa trang phục dân tộc vào trường học thực hiện theo phương thức xã hội hóa từ người quen, các tổ chức từ thiện, doanh nghiệp... do các thầy cô Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy vận động, đóng góp. Đồng thời, xin ý kiến già làng, trưởng bản, các bậc cao niên về thiết kế trang phục truyền thống của đồng bào Vân Kiều.
Thầy Trương Như Thuần, Hiệu trưởng nhà trường tỏ ra khá vui mừng khi những nỗ lực của tập thể giáo viên đang góp phần đưa nét đẹp văn hóa của đồng bào cho các thế hệ mai sau.
Thầy Thuần cho biết: “Các em rất hào hứng và tự hào vì đây là lần đầu tiên được khoác trên mình trang phục truyền thống của dân tộc trong ngày khai giảng. Thầy cô cũng vui mừng khi không chỉ đưa con chữ về với bản mà còn góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa của bà con nơi đây”.
Xúng xính trên mình trang phục truyền thống của dân tộc mình, cháu Cao Thị Yến Nhi học lớp 7, người Khùa của dân tộc BRu – Vân Kiều ở bản Tăng Ký hồ hởi nói: “Em rất vui vì được các thầy cô tặng bộ đồ đẹp đi khai giảng, em sẽ giữ gìn bộ đồ này cẩn thận. Váy áo của người Bru – Vân Kiều bọn em rất đẹp với nhiều màu sắc, hình thù khác nhau và chỉ mặc vào dịp lễ đặc biệt thôi”.
Trong guồng quay của cuộc sống “cơm, áo, gạo, tiền”, nhiều nét văn hóa của đồng bào đang dần bị mai một. Trách nhiệm của nhà trường không chỉ trong việc dạy con chữ mà cần giáo dục học sinh về nét đẹp văn hóa dân tộc. Từ đó giúp học trò người Vân Kiều thêm hiểu, yêu và gìn giữ, phát huy văn hóa của đồng bào mà ba thế hệ đã đúc kết.
Để tương lai, những lớp người Vân Kiều vẫn biết nét đẹp, đặc trưng của trang phục dân tộc mình, vẫn có thể biểu diễn bài cồng chiêng hay những điệu múa dân gian. Đó là lời chia sẻ của thầy Ngô Mậu Tình, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy khi thực hiện đưa văn hóa Bru – Vân Kiều vào trong trường học.