Văn hóa - Du lịch

Lễ hội thác Bản Giốc 2023 độc đáo và đậm đà bản sắc

Nguyễn Liên 06/10/2023 - 15:16

Năm 2023, Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

36da7afccf691d374478.jpg
Thác Bản Giốc thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Lễ hội thác Bản Giốc là hoạt động lễ hội được tổ chức thường niên, năm nay, tỉnh Cao Bằng quyết định nâng cấp Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc từ lễ hội cấp huyện trở thành lễ hội cấp tỉnh.

Lễ hội năm nay có chủ đề "Về miền non nước". Sự kiện nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, vùng đất, con người Cao Bằng nói chung và danh thắng quốc gia thác Bản Giốc nói riêng đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc năm 2023 diễn ra từ ngày 5-9/10 với các hoạt động: lễ rước nước cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa vào ngày 6/10; chương trình khai mạc Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc năm 2023 được tổ chức vào 19h30 ngày 6/10.

nghi_thuc_ruoc_nuoc_duoc_lay_tu_dong_song_quay_son_duoi_chan_thac_ban_gioc_ve_chua_phat_tich_truc_lam_ban_gioc.jpg
Nghi thức rước nước được lấy từ dòng sông Quây Sơn, dưới chân thác Bản Giốc về chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc.

Sáng 6/10, trong khuôn khổ Lễ hội thác Bản Giốc năm 2023, rất đông du khách đã có mặt để tham gia Lễ rước nước thiêng từ Thác Bản Giốc lên điện chính chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, cầu cho quốc thái dân an; cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, ấm no cho người dân.

fe247286016ed5308c7f.jpg
2f0fa2add145051b5c54.jpg
Đông đảo người dân và các du khách đến tham gia Lễ rước nước thiêng.

Cùng với Lễ rước nước cầu quốc thái dân an, tại khu danh thắng Thác Bản Giốc cũng đang diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi khác như: Triển lãm tranh, ảnh non nước Cao Bằng; Trưng bày, giới thiệu các sản vật, đặc sản OCOP địa phương.

Ngoài ra, trong những ngày Lễ hội, du khách sẽ được tham quan, trải nghiệm nhiều hoạt động khác như: Màn biểu diễn nghệ thuật âm thanh, ánh sáng trong đêm khai mạc; trình diễn hát Then với 1.000 nghệ nhân tham gia ngay tại chân thác, trải nghiệm vườn hạt dẻ… cùng các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đua thuyền.

Đặc biệt, chương trình biểu diễn "hát then, đàn tính" lớn nhất Việt Nam với 1.000 nghệ nhân tham gia hứa hẹn sẽ vô cùng đặc sắc và hấp dẫn. Chương trình được tổ chức với mục đích tạo điểm nhấn cho lễ hội, thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc phát triển du lịch ở địa phương, phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng nói chung và Trùng Khánh nói riêng.

1ccad8efe50731596816.jpg
Các nghệ nhân, diễn viên đang tập luyện biểu diễn đàn tính, hát then trong Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc.

Chương trình "hát then, đàn tính" tại Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc diễn ra khoảng 10 phút với chủ đề "Cội nguồn và bản sắc Then - Tính Cao Bằng", gồm các ca khúc: Ánh trăng Bản Giốc, Đường về bản em và Hoa rừng quê em.

Bên cạnh đó, Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc năm 2023 với chủ đề "Về miền non nước" còn diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc, ý nghĩa, như: lễ rước nước cầu quốc thái dân an, mưa thuận, gió hoà; chương trình khai mạc lễ hội; trưng bày, giới thiệu sản vật, đặc sản, ẩm thực và các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian.

Ngoài ra, năm nay, huyện Trùng Khánh cũng tổ chức thêm hoạt động tuần lễ trải nghiệm tại vườn dẻ xóm Bản Khấy, xã Chí Viễn một số vùng lân cận khác".

Lễ hội thác Bản Giốc năm 2023 là dịp để tỉnh Cao Bằng tiếp tục quảng bá tới du khách những danh thắng nổi tiếng như thác Bản Giốc, chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, động Ngườm Ngao, mắt Thần Núi, các khu di tích lịch sử, văn hóa, làng du lịch cộng đồng.

Để tạo điều kiện cho công tác tổ chức lễ hội, quảng bá hình ảnh, thu hút du khách, phục hồi và phát triển du lịch, UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo thực hiện không thu phí đối với du khách tham gia Lễ hội du lịch thác Bản Giốc năm 2023 từ ngày 5-9/10.

Ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Cao Bằng cho biết thêm: "Trên cơ sở sự phát triển của Du lịch Cao Bằng những năm qua đồng thời định hướng du lịch dịch vụ sẽ là khâu đột phá của kinh tế Cao Bằng, nên năm nay chúng tôi quyết định nâng lên lễ hội cấp tỉnh, thay vì cấp huyện như trước. Năm nay ngoài các phần lễ rước nước, một số hoạt động truyền thống thì chúng tôi có một số hoạt động mới. Đó là chương trình nghệ thuật quy mô lớn, bao gồm tiết mục văn nghệ, diễn thực cảnh, biểu diễn ánh sáng bên thác Bản Giốc. Thứ hai đó là biểu diễn hát then, đàn tính với 1.000 người mặc trang phục dân tộc ngay bên thác Bản Giốc để xác lập kỷ lục Việt Nam".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội thác Bản Giốc 2023 độc đáo và đậm đà bản sắc