Văn hóa - Du lịch

Lễ hội Dinh Bà và huyền tích về Bà Chiêm Sơn

Hải Nam 20/02/2024 14:58

Chuyện về Bà Chiêm Sơn gắn liền với tín ngưỡng dân gian đã được lưu truyền bao đời, tác động tích cực đến đời sống văn hóa tinh thần của dân làng trong việc tôn thờ những điều tốt đẹp.

Cùng với các lễ hội dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền tại huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), huyền tích Bà Chiêm Sơn góp phần làm phong phú cả về di sản văn hóa vật thể lẫn phi vật thể.

Huyền tích Bà Chiêm Sơn

Tên gọi Chiêm Sơn đã có từ xa xưa, kể từ khi các cư dân đầu tiên theo vua Lê Thánh Tông khai canh vùng đất mới. Theo dòng chảy thời gian, cùng với việc xây dựng làng xóm, nhà thờ tộc họ..., để thờ cúng Thành hoàng bổn xứ, những tiền nhân có công khai phá vùng đất mới; dân làng Chiêm Sơn còn lập dinh (miếu) thờ Nữ thần bổn mạng, mà nhân dân địa phương quen gọi là Dinh Bà Chiêm Sơn.

Có nhiều câu chuyện huyền bí về nguồn gốc của Bà Chiêm Sơn. Theo Quảng Nam xã chí, hiện đang được lưu trữ tại Viện Hán Nôm: tương truyền cốt Thái Dương phu nhân hóa đá tự nhiên nổi lên tại bến Tây An, nơi rừng cấm tổng Mậu Hòa (nay là xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Người dân các làng cho rằng đây là một “hòn đá thiêng” là “Bà Đá” nên đến chuyển về làng mình thờ cúng. Tuy nhiên, hòn đá dù không lớn lắm nhưng lại nặng vô cùng không sao nhấc nổi.

img_20240220_092417(1).jpg
Bà Chiêm Sơn với những huyền tích bí ẩn trở thành Nữ thần bổn mạng với cư dân quanh vùng.

Nghe chuyện lạ, tám người chăn trâu làng Chiêm Sơn nhân đêm trăng sáng rủ nhau khiêng hòn đá về thờ ở ngôi chùa trong làng. Họ đưa được Bà Đá về, khi qua ngọn đồi Chiêm Sơn thì dây buộc bị đứt, Bà Đá rơi xuống không cách gì có thể nâng lên lại được. Trong làng lúc này xuất hiện một câu bé nhập đồng, mặt đỏ tươi phán rằng đây là vị thần hộ mệnh của dân làng. Bà tự xưng là Bô Bô Thái Dương phu nhân, Bà chọn vị trí này vì không muốn thờ chung với các vị Phật. Dân làng nghe vậy mà góp công, góp của dựng lên ngôi miếu nhỏ để thờ Bà.

Đền thờ Bà nằm trên một ngọn đồi thấp, thường được gọi là Dinh Bà. Chính điện thờ một pho tượng nữ thần cao khoảng 1m làm bằng đá sa thạch, tai dài, đầu đội mũ, chân xếp bằng, mặc áo choàng vai, xung quanh vương miện có 7 đầu rắn thần. Ngày trước, trước Dinh Bà còn có một tượng voi (Ganesa), một tượng cù (Makara) bằng đá là những linh vật trong tín ngưỡng người Chăm.

Người làng Chiêm Sơn có đức tin Bà Đá là vị phúc thần phù trợ và tạo phúc, là vị Nữ thần bổn mạng của dân làng. Sự linh nghiệm của Bà Chiêm Sơn còn được tô thêm màu huyền thoại và lưu truyền trong dân gian với câu chuyện vua Minh Mệnh đi kinh lý Quảng Nam, lúc đoàn xa giá đi ngang qua trước đền, ngựa nhà vua cưỡi bỗng lồng lên rồi vùng chạy. Vua lệnh cho dân làng phải quay hướng Dinh Bà ra phía sau để tránh con đường, kể từ đó ngôi miếu được xây dựng lại và quay hướng ra cánh đồng, nhìn về phía núi cho đến ngày nay…

Chính sự linh thiêng và uy lực của Bà Đá, ngày mùng 8 tháng 6 năm Duy Tân thứ hai (1908), bà được vua sắc phong Thái Dương phu nhân, đến năm Khải Định thứ chín tặng mỹ hiệu: Trinh uyển Dực bảo Trung hưng Thái Dương phu nhân tôn thần. Hằng năm, vào ngày 12 tháng Giêng, dân làng Chiêm Sơn và các vùng lân cận tổ chức lễ Bà rất trang nghiêm, theo đúng nghi lễ truyền thống dân gian và tín ngưỡng thờ mẫu của cư dân vùng lúa nước.

Đặc sắc lễ hội Dinh Bà

Lễ hội Bà Chiêm Sơn được tổ chức vào ba ngày 10, 11 và 12 tháng Giêng (Âm lịch), trong đó ngày 12 là chính lễ. Lễ vật cúng tế gồm cơm, thịt heo và trái cây, ngoài ra bắt buộc phải có một con cua đồng, một nhánh tỏi, một cây cải và một con chồn. Những người dâng lễ tại Dinh Bà là các vị cao niên và có uy tín trong làng, trước lễ phải chay tịnh thanh khiết. Tất cả đều mặc khăn đen áo dài, riêng vị chủ tế phải mặc áo dài thụng tay rộng màu thiên thanh, quần dài lụa trắng và đi chân trần.

Được biết, trước ngày lễ phải tiến hành lễ Mộc dục tắm cho tượng bằng nước được nấu bằng lá cây và hoa thơm. Vào tối ngày 11, dân làng Chiêm Sơn làm Lễ Túc yến để dâng lễ vật, mời Bà về dự. Lễ vật gồm mâm cơm, hoa quả và luôn phải có bánh tráng nướng. Lễ Đại tế diễn ra vào lúc nửa đêm, thời điểm chuyển giao giữa ngày 11 và ngày 12. Đây là nghi thức Đại tế cổ truyền ở làng Chiêm Sơn, diễn ra với 20 lần xướng cùng với tiếng chiêng trống hòa với nhạc lễ trang nghiêm.

img_20240220_085257(1).jpg
Ông Nguyễn Công Lợi - Phó ban Tổ chức Lễ hội Bà Chiêm Sơn cho biết đang hoàn thiện các thủ tục để đưa lễ hội Bà Chiêm Sơn trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sáng ngày 12 là Lễ Rước sắc từ Bến Giá bên bờ sông Thu Bồn về Dinh Bà. Đi đầu đám rước là đội múa lân sư, đến đội chiêng, trống cái, theo sau là bát âm, kiệu nông sản và kiệu sắc do 16 trai tráng trong làng khiêng, rồi đến đoàn lính phù giá và toàn thể nhân dân trong làng cùng khách thập phương. Theo lệ cũ, sau khi rước sắc, dân làng làm lễ tuyên sắc để tưởng nhớ công đức của Bà. Sau lễ, toàn bộ vật cúng tế đều đem chia cho dân làng và bắt buộc phải ăn hết trong ngày.

Ông Nguyễn Công Lợi - Phó ban Tổ chức lễ hội Bà Chiêm Sơn cho biết, để chuẩn bị cho lễ hội, những ngày trước tết Nguyên đán, công tác tuyên truyền trực quan, truyền thanh lưu động được triển khai trên khắp trục đường chính trên địa bàn huyện Duy Xuyên.

Cùng với đó, người dân ra quân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm nhằm tạo ấn tượng với du khách đến trẩy hội. Phân công nhiệm vụ, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc theo nội dung, chương trình kế hoạch đã đề ra, đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Trong khi đó, phần hội với nhiều hoạt động như thi đấu bóng chuyền, hô hát bài Chòi... trưng bày và bán các sản vật của quê hương…

Lễ hội Bà Chiêm Sơn đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh của cộng đồng làng xã ở xứ Quảng, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, hằn sâu trong tâm thức, trong nếp nghĩ và ước vọng sống của người dân. Thông qua lễ hội, sự đoàn kết gắn bó của cộng đồng làng xã thêm thắm thiết, đồng thời gửi gắm những ước vọng về một năm mới an lành, hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội Dinh Bà và huyền tích về Bà Chiêm Sơn