Lễ hội đền Cao An Phụ thành di sản phi vật thể quốc gia

Thục Anh (TH)| 02/05/2022 09:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, tỉnh Hải Dương tổ chức lễ công bố quyết định lễ hội đền Cao An Phụ được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội đền Cao An Phụ đã phản ánh lịch sử đấu tranh, phát triển của mảnh đất và con người vùng đất Kinh Môn với nhiều nghi lễ, nghi thức, trò chơi dân gian và nhiều hình thức diễn xướng dân gian mang tính đặc trưng của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ trải qua bao thế hệ được tích hợp, lưu truyền và gìn giữ đến ngày nay (lễ hội truyền thống gồm các nghi lễ mộc dục, cáo yết, rước kiệu, lễ tạ và các hoạt động phần hội như thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, thi đấu thể thao...).

den-cao-an-phu-1.jpg
Đền Cao An Phụ.

An Sinh vương Trần Liễu là tôn thất thuộc Hoàng tộc nhà Trần, anh ruột của Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông (1218 - 1277). Ông được vua Lý Huệ Tông gả công chúa Thuận Thiên. Năm 1228, ông được điều về kinh thành lo việc triều chính và được phong chức Thái úy. Năm 1237, triều đình cắt đất (nay thuộc Hải Dương và Quảng Ninh) cho ông và phong tước An Sinh vương. An Sinh vương giúp vua trấn thủ vùng đông bắc, kiến thiết khu vực này thành vùng giàu có, nên nhiều nơi thờ ông làm thành hoàng. Khi ông tạ thế năm 1251, vua Trần Thái Tông sắc chỉ cho dân lập đền thờ ông trên núi An Phụ.

Vào năm 2016, quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2017 - hệ thống bia Ma nhai động Kính Chủ được công nhận là Bảo vật quốc gia. Năm 2021, quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là khu du lịch cấp tỉnh.

Năm 2022, lễ hội truyền thống đền Cao An Phụ được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội đền Cao An Phụ thành di sản phi vật thể quốc gia