Lễ hội Cầu ngư là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống mang đậm tính tâm linh, thể hiện sự tôn kính của ngư dân đối với biển cả và thần linh. Đây là dịp để những người con của biển cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng và những chuyến ra khơi bình an, tôm cá đầy khoang.
Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội Cầu ngư
Lễ hội Cầu ngư được hình thành từ khoảng thế kỷ 14, thời Hậu Lê, là một nghi thức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân miền biển.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đến năm 1994, UBND huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An, đã tiến hành phục dựng lại các hoạt động truyền thống của lễ hội tại xã Sơn Hải và các địa phương ven biển khác.
Lễ hội thể hiện lòng biết ơn của ngư dân đối với biển cả và các vị thần đã che chở, bảo vệ họ trong những chuyến vươn khơi. Hàng năm, vào đầu tháng Giêng âm lịch, các xã ven biển như Văn Hải, Thuận Long, Phú Nghĩa lại nô nức tổ chức lễ hội với các nghi thức cúng tế, rước kiệu, cầu mong cho một năm đánh bắt thuận lợi, tránh được thiên tai và sóng gió.
Lễ hội Cầu ngư được tổ chức với những nghi lễ đặc biệt trang trọng. Ngư dân dâng lên thần linh những lễ vật đặc trưng của biển như cá, mực, tôm, cua, cùng với bánh chưng, bánh dày, hoa quả và rượu. Các nghi thức cúng tế được thực hiện trong không khí linh thiêng, thể hiện lòng biết ơn đối với biển cả đã nuôi sống bao thế hệ ngư dân.
Trong những khoảnh khắc quan trọng của lễ hội, mọi người cùng nhau thắp nén hương, cầu xin thần linh phù hộ cho những chuyến ra khơi bình an, tôm cá đầy khoang.
Tại xã Văn Hải, lễ hội thường diễn ra vào ngày 12 và 13 tháng Giêng tại Đền Thơi, ngôi đền cổ gần 700 năm tuổi hướng mặt ra biển. Đây là nơi thờ Tứ vị Thành Nương và các vị thần sông nước như Sát Hải Đại Vương.
Theo ông Hoàng Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hải, lễ hội được tổ chức với hai phần chính: phần lễ bao gồm lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ cầu ngư, lễ đại tế, lễ tạ tại các điểm rước kiệu; phần hội là các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian và lễ rước kiệu trang trọng.
Những chiếc kiệu được trang hoàng lộng lẫy, tượng trưng cho các vị thần biển, được đưa đến Đền để tiến hành lễ cúng, tạo nên một khung cảnh thiêng liêng và đầy màu sắc.
Hoạt động vui chơi và gìn giữ nét đẹp truyền thống
Sau phần nghi lễ trang nghiêm, lễ hội bước vào những hoạt động vui chơi sôi động, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Những trò chơi dân gian như kéo co, đua thuyền được tổ chức ngay trên bãi biển, tạo nên không khí náo nhiệt và gắn kết cộng đồng. Đặc biệt, cuộc thi đua thuyền truyền thống mang đến hình ảnh sống động của những thanh niên vạm vỡ điều khiển mái chèo điêu luyện, những con thuyền lướt trên mặt biển trong tiếng hò reo cổ vũ. Không chỉ thể hiện sức mạnh và sự khéo léo, cuộc thi còn khẳng định tinh thần đoàn kết, hợp tác giữa các ngư dân.
Tại xã Phú Nghĩa, lễ hội diễn ra vào ngày 13 và 14 tháng Giêng tại Đền Chính, nơi thờ Tứ vị Thánh Nương từ thời vua Tự Đức. Đây là dịp để ngư dân dâng lễ, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Lễ hội thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham dự. Chị Nguyễn Thị Ngọc, một người dân thôn Phong Tiến, cho biết, lễ hội không chỉ là dịp để bày tỏ lòng tôn kính với thần linh mà còn là cơ hội để cộng đồng ngư dân thắt chặt tình đoàn kết, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện về nghề biển, những khó khăn và hy vọng cho một năm khai thác mới đầy thuận lợi.
Có thể nói, lễ hội Cầu ngư ở Quỳnh Lưu không chỉ là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc mà còn là biểu tượng của tinh thần gắn kết, niềm tin vào thiên nhiên và tín ngưỡng dân gian.
Đây là một truyền thống quý báu, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa biển, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn và ý chí kiên cường của người dân vùng biển.