Lễ hội đầu năm vốn là một nét đẹp văn hóa tâm linh, được tổ chức với mong muốn mang lại sự bình yên may mắn cho người dân. Thế nhưng, ngay từ những ngày đầu tiên trong mùa lễ hội năm nay, người ta đã phải chứng kiến cảnh đâm, chém nhau.
Lễ hội Đả cầu cướp phết diễn ra hàng năm vào ngày mùng 7 tháng Giêng, tại sân đình Đông Lai (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc), nhằm tưởng nhớ bốn vị tướng quân thuộc chi ba Hùng Vương, là bốn tướng lĩnh được cử về để trấn ải vùng Đông Lai (Bàn Giản) có công dẹp giặc, dẹp loạn và giữ nước.
Người xưa quan niệm nếu ai cướp hoặc sờ được vào quả cầu phết thì sẽ có sức khỏe dồi dào, gặp may mắn, hạnh phúc, sung túc cả năm nhất là sẽ thuận lợi trong việc sinh con trai. Vì thế mà lễ hội luôn hút rất đông người tham gia, nhất là thanh niên trai tráng.
Vác dao truy sát nhau tại lễ hội Đả cầu cướp phết
Năm nay cũng như mọi năm, lễ hội Đả cầu cướp phết diễn ra đúng ngày mùng 7 tháng Giêng tức ngày 25/2. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay ban tổ chức không tung cầu cướp phết tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy, đánh nhau trước, trong và sau lễ hội.
Dù không tổ chức không tung cầu cướp phết, nhưng hàng nghìn thanh niên trai tráng vẫn tập trung trước sân đình. Trong lúc các nghi lễ của lễ hội đang diễn ra, du khách thập phương đang cầu mong cho mình có một năm mới bình an, may mắn thì một tốp thanh niên hò hét om sòm, cầm dao truy sát nhau trong sân đình khiến người tham gia lễ hội hoảng loạn, một khung cảnh bát nháo chưa từng có.
Dù sự việc được các lực lượng an ninh có mặt tại lễ hội kiểm soát ngay sau đó, nhưng hình ảnh đó đã làm xấu đi ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội.
Trước đó một ngày (24/2), tại lễ hội đền Gióng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cũng diễn ra một cảnh tượng khiến người tham gia lễ hội hoảng hốt. Các thanh niên cầm gậy nện nhau hệt như các đàn anh dùng luật rừng xử nhau ở chốn không người. Du khách thập phương được phen hú vía.
Người dân địa phương cho biết, tình trạng thanh niên ẩu đả, đánh nhau trong lễ hội đền Gióng hầu như năm nào cũng diễn ra. Rất nhiều biện pháp an ninh, giáo dục, tuyên truyền đã được triển khai nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn và năm nay các thanh niên vẫn vác gậy đánh nhau ở lễ hội.
Trả lời báo chí Ông Đoàn Văn Sinh, trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn xác nhận vụ việc trên và cho biết, đã có biện pháp rất chặt chẽ, nhưng không hiểu thế nào lại xảy ra sự việc đó.
Thiết nghĩ, việc tới lễ hội đầu năm là để cầu may mắn, tiền tài, bình an chứ không phải để thanh niên xô xát dẫn đến đâm, chém nhau ngay tại lễ hội.