Vấn đề quan tâm

Lấy ý kiến dự thảo tài xế xe ôm phải có thẻ hành nghề

Trang Nhi 02/12/2024 - 07:09

Trong thời gian tới, tài xế xe ôm có thể phải mang theo 'thẻ hoạt động vận chuyển' đúng theo quy định bên cạnh GPLX, CCCD,...

UBND thành phố Hà Nội hiện đang lấy ý kiến của người dân về Dự thảo quy định việc sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn. Dự thảo quy định dự kiến được xem xét ban hành trong năm 2024, có hiệu lực ngay khi được ký.

xe-om.jpg
Đề xuất tài xế xe ôm phải có thẻ hành nghề.

Theo Dự thảo nêu trên, với người điều khiển các phương tiện trên để chở khách (còn gọi là xe ôm) hay hàng hóa phải đăng ký với UBND cấp phường, xã, thị trấn để xác nhận đóng dấu vào Thẻ hoạt động vận chuyển. Thẻ hoạt động vận chuyển này sẽ do tổ chức, cá nhân tự in theo mẫu.

Cũng theo Dự thảo, người chạy xe ôm hay chở hàng khi hoạt động phải mang theo các giấy tờ như giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy phép lái xe (điều khiển xe mô tô hai bánh), giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực, giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân còn hiệu lực, thẻ hoạt động vận chuyển đúng theo quy định.

Nội dung Dự thảo cũng nêu, ngoài việc đóng dấu xác nhận thẻ hoạt động và lập danh sách đơn vị vận tải, người điều khiển phương tiện, UBND xã, phường, thị trấn còn được giao bố trí vị trí đón trả khách cho xe ôm và xếp dỡ hàng hóa cho xe gắn máy, xe thô sơ tham gia kinh doanh.

UBND thành phố Hà Nội cũng khuyến khích cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ tham gia, thành lập các tổ chức (hợp tác xã, hội nghề nghiệp) để giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động.

Trước đó, vào năm 2019, ngành giao thông Hà Nội từng đề xuất cấp thẻ hành nghề cho xe ôm.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, những quy định trên (dự kiến áp dụng từ 1/1/2021) sẽ giúp tạo nếp sống, thói quen đi lại văn minh, hiện đại cho người thủ đô, nâng cao chất lượng dịch vụ của các loại hình vận tải bằng xe thô sơ, môtô theo hướng an toàn, giảm tai nạn, ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên sau đó quy định đã không được thực hiện.

Nhiều ý kiến lại đồng tình với đề xuất này bởi vừa thuận tiện cho cơ quan quản lý, vừa giúp người dân yên tâm hơn khi sử dụng dịch vụ.

Và việc đeo thẻ gần như là một giấy chứng nhận cho việc đã được chính quyền xác nhận. Khách hàng sẽ yên tâm hơn trong việc thuê vận chuyển.

Ngoài ra, khi đeo thẻ, người lái xe ôm cũng sẽ có thêm tinh thần làm việc chuyên nghiệp hơn và xe ôm chính thức trở thành một nghề được chính quyền công nhận.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc bắt tài xế xe ôm đeo thẻ sẽ gây ra nhiều phiền hà, bất cập, nhất là trong thời đại 4.0, có nhiều cách khác hợp lý hơn, thuận tiện hơn như khi đặt xe qua ứng dụng, người thuê có thể thấy rõ thông tin của tài xế...

Nhìn chung, dù nhận được sự ủng hộ của người dân thì vấn đề này vẫn cần có thêm một lộ trình phù hợp, linh hoạt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy ý kiến dự thảo tài xế xe ôm phải có thẻ hành nghề