Ngày 15/2, lãnh đạo UBND huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) xác nhận, địa phương có tiến hành bán thanh lý 2 cây gỗ sưa công khai, minh bạch.
Theo phản ánh của người dân thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa), những ngày trước Tết Nguyên đán Canh Tý, họ phát hiện2 cây sưa hàng chục năm tuổi trong Bảo tàng huyện Hoằng Hóa bị đốn hạ. Sau đó có nghe trên loa truyền thanh về việc thông báo bán thanh lý 2 cây sưa này.
Nhà chức trách xác định 2 cây sưa chết trước khi đốn hạ
Sự việc diễn ra suôn sẻ nhưng những ngày gần đây, nhiều luồng thông tin trái chiều về “số phận” hai cây gỗ sưa. Một số ý kiến cho rằng, trước khi bị khai thác, 2 cây sưa vẫn đang còn sống, cành lá sum suê và được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Sưa thuộc loại cây gỗ quý, hiếm cấm khai thác, việc định giá và bán vài chục triệu đồng hai cây sưa này là chưa đúng giá trị thực…
Ghi nhận của PV vào sáng 15/2 tại Bảo tàng huyện Hoằng Hoá, trong góc phải khuôn viên giáp với nhà dân trũng thấp so với mặt đường 50- 70 cm, nước hay bị đọng. Tại đây có 2 hố đào được cho là vị trí 2 cây sưa. Trên nền đất còn khá nhiều cành, nhánh cây đang vứt ngổn ngang.
Các cành cây còn ngổn ngang tại hiện trường
Một người dân sống gần đó cho biết: “Phía sau mấy hộ chúng tôi có một hàng cây, trong đó có 2 cây sưa bằng bắp đùi án ngự trong khuôn viên bảo tàng. Không hiểu lý do gì mà gần đây cây bắt đầu rụng hết lá chỉ còn lại cành khẳng khiu. Nhiều khả năng cây này không ưa nước nên chết dần. Trước Tết thấy cơ quan chức năng thuê người đốn hạ, đưa vào trong kho bảo sợ bị đào trộm. Khi nghe thông báo bán thanh lý nhưng không có nhu cầu nên gia đình tôi không mua hồ sơ”.
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa Lê Sỹ Nghiêm cho hay: “Trước Tết Nguyên đán, bên phía Trung tâm văn hóa có báo cáo có 2 cây sưa trong khuôn viên Bảo tàng huyện Hoằng Hoá chết không rõ nguyên nhân, đề nghị cho tiến hành đốn hạ để chuẩn bị cho thực hiện dự án. Tôi chỉ đạo phòng Tài Chính chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra thực tế. Qua kiểm tra có 02 cây gỗ sưa bị sâu bệnh, héo khô lá từ lâu, thân cây mục. Một cây có đường kính gốc 22cm, phần cành có đường kính 10- 12cm; Cây còn lại có đường kính gốc 15cm, phần cành có đường kình 08- 10 cm. Căn cứ quy định của pháp luật, huyện chỉ đạo đơn vị chức năng lập hồ sơ, định giá để bán công khai cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Việc này là minh bạch, khách quan chứ không có gì khuất tất ở đây”.
Còn ông Hoàng Văn Duy, Phó Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hoằng Hoá trực tiếp giải quyết việc bán tài sản lý giải: Căn cứ vào Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT, ngày 16/11/2018 quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, cụ thể Điều 15. Khai thác rừng trồng thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân: 1. Đối tượng khai thác: Gỗ rừng trồng, gỗ vườn và cây trồng phân tán thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân, bao gồm cả gỗ được trồng theo các chính sách, dự án hỗ trợ của Nhà nước; thực vật rừng ngoài gỗ và dẫn xuất của thực vật rừng. 2. Trình tự thực hiện: Chủ rừng tự quyết định việc khai thác. Sau khai thác, chủ lâm sản lập bảng kê lâm sản.”
Sau khi các phòng ban chuyên môn tổ chức định giá, trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt, ngày 7/2/2020 chúng tôi thông báo bán hồ sơ thanh lý tài sản. Thông báo được phát trên loa truyền thanh và niêm iết công khai tại nơi có tài sản. Mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu thì liên hệ tới mua hồ sơ. Chỉ có 2 cá nhân mua hồ sơ, ngày 10/2/2020 chúng tôi tổ chức bán thanh lý tài sản là 2 cây gỗ sưa với giá 52,5 triệu đồng cho một cá nhân. Trình tự, tủ tục được thực hiện đúng theo hướng dẫn của Nghị định 151/2017/NĐ-CP và Thông tư 144/2017/TT-BTC.