Lạng Sơn là mảnh đất có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch theo bề dày văn hóa truyền thống, gắn với tôn giáo tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh, kinh tế cửa khẩu… Việc khai thác những thế mạnh này sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội, giúp thúc đẩy ngành du lịch, đồng thời phát huy việc bảo tồn những giá trị của các di tích lịch sử đã được xếp hạng.
Trong xu thế phát triển du lịch hiện nay, du lịch văn hoá đang ngày càng hấp dẫn du khách, lượng khách đến với các di tích lịch sử văn hoá, lễ hội, làng nghề truyền thống ngày càng tăng cao. Với thế mạnh là tỉnh miền núi có nhiều những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đa dạng… Lạng Sơn sẽ làm gì để nắm bắt lợi thế, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị lịch sử qua loại hình du lịch? Phóng viên Báo Công lý đã có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lạng Sơn.
PV: Thưa ông, Lạng Sơn là tỉnh có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, qua đó cũng có những di sản văn hóa phi vật thể vô cùng đặc sắc và đa dạng như: Các làn điệu dân ca then, sli, lượn, múa sư tử mèo… Vậy thời gian tới, Sở VHTT&DL có kế hoạch như thế nào để giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống này?
Giám đốc Sở VHTT&DL: Lạng Sơn là nơi hội tụ và sinh sống của các dân tộc như: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông... Bên cạnh hệ thống di sản văn hóa vật thể, Lạng Sơn còn là nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hóa phi vật thể hết sức phong phú và đa dạng. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đó, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu hiện nay.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang tham mưu cho tỉnh triển khai hiệu quả một số nội dung để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương đường lối của Đảng về văn hóa.
Tiếp tục tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nguồn kinh phí Nhà nước, đặc biệt là nguồn kinh phí Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Đồng thời gắn với các nguồn lực xã hội hóa trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Triển khai việc nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trình xếp hạng các cấp nhằm nâng cao các làn điệu dân ca, dân vũ dân tộc để xây dựng và phát triển các câu lạc bộ văn nghệ truyền thống, các phong trào văn hóa, văn nghệ từ tỉnh đến cơ sở. Quan tâm đầu tư, xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại vào quản lý và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
PV: Với lợi thế là tỉnh có những đặc thù của miền núi, có di sản văn hóa phi vật thể, cùng với những địa điểm mang tính chất chứng tích của lịch sử, những địa điểm tâm linh có danh lam thắng cảnh nổi tiếng… Sở VHTT&DL có phương án để phát triển loại hình du lịch kết hợp giữa di sản văn hóa, giá trị lịch sử và tâm linh hay không thưa ông?
Giám đôc Sở VHTT&DL: Theo dòng lịch sử, văn hóa Lạng Sơn được hình thành và phát triển đa dạng gắn với nền văn hóa Mai Pha và nền văn hóa Bắc Sơn rực rỡ, với hệ thống di tích, di chỉ khảo cổ như: Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng, Phai Vệ, Mai Pha... phản ánh sinh động đời sống và sự tiến hóa không ngừng của loài người từ thời tiền sử đến ngày nay.
Theo đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn luôn xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, các mục tiêu phát triển du lịch luôn được xác định trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tập trung chỉ đạo thực hiện.
Trên cơ sở này, Sở VHTT&DL đã tham mưu, triển khai các giải pháp để phát triển các loại hình du lịch, trong đó phát huy lợi thế tài nguyên du lịch văn hóa (di sản văn hóa, giá trị lịch sử, tâm linh). Đồng thời xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh theo quy hoạch không gian phát triển các khu, điểm du lịch đáp ứng các nhu cầu về tâm linh của du khách.
Tiếp tục tập trung nguồn lực để tạo cơ chế huy động sự đầu tư vào các điểm du lịch văn hóa tâm linh theo quy hoạch. Đầu tư cho bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tín ngưỡng tôn giáo và những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với tâm linh, để trở thành yếu tố hấp dẫn đặc sắc của Lạng Sơn nhằm thu hút khách du lịch.
Bên cạnh đó cần phải mở rộng việc nghiên cứu thị trường, xúc tiến quảng bá du lịch văn hóa tâm linh, tạo thành mối liên kết phát triển các loại hình du lịch để trở thành thương hiệu du lịch nổi bật. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ tại các điểm du lịch văn hóa tâm linh nói riêng và nhân lực trong lĩnh vực du lịch nói chung được đảm bảo chất lượng.
PV: Thưa ông, được biết Lạng Sơn là cửa ngõ có các cửa khẩu lớn giao thương hàng hóa XNK qua Trung Quốc. Vậy, theo ông để phát triển được loại hình du lịch kết hợp giữa kinh tế cửa khẩu với thiên nhiên và bản sắc của những di sản văn hóa thì cần phải làm những gì?
Giám đốc Sở VHTT&DL: Tỉnh Lạng Sơn luôn xác định tiềm năng để phát triển du lịch gồm có 5 loại hình như: du lịch sinh thái; du lịch văn hóa; du lịch tâm linh; du lịch mua sắm; du lịch cửa khẩu. Bởi vậy tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và đầu tư những điểm du lịch cộng đồng, sinh thái dựa trên khai thác giá trị văn hóa của từng địa phương.
Bên cạnh đó sẽ tiếp tục tập trung vào các sản phẩm du lịch hiện có và tiếp tục khai thác các sản phẩm mới đa dạng, phong phú có chất lượng hơn, đồng thời thường xuyên cung cấp thông tin về các điểm du lịch, chương trình du lịch, các sản phẩm du lịch mới để giới thiệu, quảng bá đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Một mặt tăng cường nhu cầu trong hợp tác về trao đổi tìm các phương hướng và tạo điều kiện thuận lợi để việc thực hiện và khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch đạt hiệu quả. Phát triển hệ thống các trung tâm mua sắm tại thành phố Lạng Sơn và khu vực kinh tế cửa khẩu. Đẩy mạnh sự chuyên nghiệp các điểm dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi có chất lượng cao nhằm thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.
Hiện tại, tỉnh Lạng Sơn đang tích cực triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu, khi được công nhận đây sẽ là sản phẩm du lịch mới dựa trên giá trị văn hóa gắn với thiên nhiên, đa dạng sinh học... thu hút khách du lịch và đặc biệt kỳ vọng vào lượng khách du lịch quốc tế.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!