Lạng Sơn: Nỗ lực gỡ vướng trong công tác giảm nghèo

Việt Bắc| 12/09/2021 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lạng Sơn cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác giảm nghèo của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, do đó, Tỉnh ủy đã đề ra mục tiêu chung là phấn đấu thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tối đa tái nghèo và phát sinh nghèo

Còn tồn đọng nhiều hạn chế

Ngày 9/9 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Đoàn – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lạng Sơn đã ký, ban hành Nghị quyết số 47/NQ-TU về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Tại Nghị quyết này, ông Đoàn cho biết, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong những năm qua được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội quan tâm thực hiện đồng bộ, tích cực, góp phần thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững.

Kết quả, sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU, ngày 02/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, tỉnh Lạng Sơn đã đạt và vượt 7/8 mục tiêu Nghị quyết đề ra, riêng chỉ tiêu 80% hộ nghèo có nhà tiêu hợp vệ sinh chưa đạt; tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đã giảm từ 25,95% xuống còn 7,88%, bình quân giảm 3,61%/năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo của tỉnh còn một số hạn chế. Chẳng hạn như, việc đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất chưa hiệu quả, do đa số người nghèo còn thiếu kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật sản xuất, thiếu vốn và kinh nghiệm làm ăn. Một số nơi còn giữ tập quán canh tác cũ, lạc hậu. Nhiều hộ gia đình sản xuất, chăn nuôi nhỏ, lẻ, manh mún.

Không chỉ vậy, sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi chưa tìm được đầu ra, chưa tạo được sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, chưa hình thành chuỗi liên kết giá trị nên hiệu quả thoát nghèo gắn với hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế bền vững cho người nghèo còn thấp. Việc xây dựng, áp dụng chuẩn nghèo, bình xét, công nhận hộ nghèo ở một số địa bàn còn hạn chế, vẫn còn hiện tượng xác nhận hộ nghèo chưa thực sự chính xác, khách quan.

anh-ong-nguyen-quoc-doan.jpg
Ông Nguyễn Quốc Đoàn - Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn

Theo ông Đoàn, những hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: một số nơi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát việc thực hiện thoát nghèo; chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác giảm nghèo. Công tác tuyên truyền có lúc, có nơi chưa thường xuyên, hiệu quả. Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phương thức thực hiện chưa sát với điều kiện cụ thể của từng địa bàn.

“Một số cơ chế, chính sách đầu tư phát triển đã hướng vào trợ giúp các huyện nghèo, xã khó khăn nhưng chưa trọng tâm, trọng điểm, còn phân tán, dàn trải. Một bộ phận người dân nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của giảm nghèo, chưa chủ động, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng. Công tác sơ kết, tổng kết, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả còn hạn chế”, ông Đoàn cho biết.

Cần thực hiện hiệu quả việc giảm nghèo đa chiều

Trước thực trạng trên, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn cho biết, Nghị quyết đã đề ra mục tiêu chung là thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tối đa tái nghèo và phát sinh nghèo. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất để người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các nguồn lực và các dịch vụ xã hội cơ bản để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện hơn nữa trong công tác giảm nghèo để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo. Giải quyết cơ bản về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới, mà trước hết là hạ tầng thiết yếu. Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở phù hợp quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân.

Theo quan điểm của Tỉnh ủy Lạng Sơn, công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể và đồng bộ của chính quyền, sự phối hợp tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện, trên cơ sở tạo điều kiện, khích lệ, truyền cảm hứng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý chí, khát vọng tự lực vươn lên thoát nghèo và phấn đấu làm giàu.

Ngoài ra, Tỉnh ủy Lạng Sơn cũng rất chú trọng quan điểm ưu tiên nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu: quốc gia giảm nghèo bền vững, quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tích hợp với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2030.

“Tập trung phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp cho người nghèo. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo và các xã, thôn, đặc biệt khó khăn, phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và huy động tối đa nguồn lực trong Nhân dân để thực hiện công tác giảm nghèo”, ông Nguyễn Quốc Đoàn nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn: Nỗ lực gỡ vướng trong công tác giảm nghèo