Sau 11 năm triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Ngày Pháp luật), công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống nhân dân, qua đó góp phần nâng cao ý thức pháp luật của người dân trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Đổi mới và đa dạng các hình thức tuyên truyền
Ngày 9 /11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật để tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Xác định, công tác PBGGPL là nhiệm vụ quan trọng gắn liền với hoạt động xét xử của hệ thống Tòa án, trong những năm qua, Lãnh đạo TANDTC đã chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được các đơn vị trong hệ thống TAND triển khai tích cực, bằng nhiều hình thức hình thức như thông qua hoạt động xét xử; hòa giải đối thoại; hoạt động tiếp công dân; công khai các bản án, quyết định của Tòa án và phát triển án lệ…. Các hình thức tổ chức tuyên truyền được đổi mới thường xuyên, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ và nhân dân.
Thông qua hoạt động xét xử, các quy định của pháp luật đến với người dân cụ thể, dễ hiểu, qua đó nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên, tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân.
Bên cạnh việc xét xử các vụ án tại trụ sở Tòa án, các TAND còn tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa xét xử lưu động tại địa bàn nơi xảy ra vụ án. Hoạt động này luôn mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân.
Đối với công tác tác hòa giải, đối thoại, các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực được các Hòa giải viên, Đối thoại viên phổ biến đến các đương sự trong từng vụ án. Mặt khác, thông qua việc hòa giải, đối thoại, người tiến hành hòa giải, đối thoại còn có thể giải thích, nâng cao nhận thức pháp luật cho các bên, giúp việc thi hành pháp luật được thuận lợi.
Bên cạnh đó, người dân còn được tiếp cận pháp luật thông qua việc công khai các bản án, quyết định của Tòa án và phát triển án lệ được đăng tải công khai. Đặc biệt, đối với các án lệ, những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể hoặc những quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau sẽ được phân tích, giải thích trong một vụ việc cụ thể, vì vậy việc tiếp cận các quy định của pháp luật sẽ cụ thể và dễ hiểu hơn.
Tại Bộ Công an, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn coi trọng, quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về ANTT.
Theo báo cáo của Bộ Công an, việc tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Cụ thể, từ tháng 11/2022 đến nay, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức hơn 150 hội nghị phổ biến, quán triệt, tập huấn chuyên sâu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ANTT cho 6.230 lượt cán bộ, chiến sĩ; tổ chức 72 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 3.000 lượt cán bộ, chiến sĩ; tổ chức gần 2.273 cuộc sinh hoạt đơn vị phổ biến cho 65.876 lượt cán bộ, chiến sĩ về các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật; sao gửi gần 1.800 văn bản, tài liệu về pháp luật; biên soạn, in ấn, cấp phát 2.329 cuốn sách, tài liệu pháp luật đến các đơn vị, địa phương thuộc quyền để tổ chức triển khai thực hiện.
Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm đã tổ chức phổ biến, quán triệt cho nhân dân các thông tin, kiến thức, tư vấn về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực cộng tác, giúp đỡ, hỗ trợ lực lượng CAND đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, Công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đối tượng đặc thù được Công an các đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo. Nổi bật là mô hình “Tủ sách hướng thiện” để phạm nhân đọc báo và mượn đọc các loại sách, truyện đã được xây dựng, duy trì và tiếp tục phát huy hiệu quả.
Đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền pháp luật cho người dân vùng sâu, vùng xa
Thời gian qua, các cơ quan Ban, ngành đoàn thể đã ban hành nhiều Chương trình, Kế hoạch, Hướng dẫn triển khai tổ chức đổi mới, sáng tạo nhiều cách làm hay để việc tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật trở nên thiết thực hơn, gần gũi hơn với đời sống xã hội.
Qua đó, việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, lan tỏa mạnh mẽ, có thể kể đến như các cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Dân sự năm 2015”; sự kiện “Ngày hội Pháp luật”; “Tuần lễ tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí”, “Phiên tòa giả định”. Bên cạnh đó, nhiều hội thảo, tọa đàm, hội nghị về phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai sâu rộng tại nhiều Bộ, ban, ngành và các địa phương.
Tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch hưởng ứng Ngày Pháp luật với chủ đề “Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường công tác truyền thông, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, đẩy mạnh cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh, xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Việc hưởng ứng Ngày Pháp luật được tổ chức gắn với tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; Tổng kết cuộc thi hòa giải viên giỏi trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 và tích cực tham gia cuộc thi hòa giải viên giỏi toàn quốc, cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn thành phố.
Còn tại TP. HCM, nhiều mô hình phổ biến pháp luật tiếp tục phát huy hiệu quả như: “Mô hình phổ biến và giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật hỗn hợp” kết hợp lồng ghép hoạt động sân chơi, biểu diễn tiểu phẩm, phiên tòa giả định, trợ giúp pháp lý; “Tìm hiểu quy định pháp luật về đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật” thông qua hình thức thi trực tuyến…
Một số chuyên gia pháp lý nhìn nhận, sau hơn 11 năm triển khai, tinh thần Ngày Pháp luật đã và đang được lan tỏa, thẩm thấu sâu hơn trong đời sống xã hội, góp phần trực tiếp vào công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và qua đó góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ở các thành phố lớn, công tác tuyên truyền, PBGDPL được thực hiện nghiêm túc và triển khai có hiệu quả, song ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật còn gặp nhiều khó khăn.
Do hạn chế nhận thức về pháp luật nên nhiều người không chấp hành, có những hành vi chống đối, cản trở người thi hành công vụ, thậm chí chống người thi hành công vụ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Ngoài ra, cũng không ít trường hợp người dân bị xâm hại về quyền lợi mà không biết áp dụng pháp luật để đòi hỏi, yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật bảo vệ quyền lợi cho mình hoặc có những trường hợp đưa ra những yêu cầu không có căn cứ pháp lý, gây ra những tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ, từ thực tiễn hành nghề luật sư, ông đã tham gia nhiều vụ án tranh chấp dân sự rất căng thẳng phát sinh trong đời sống xã hội dẫn đến các mối quan hệ hàng xóm, láng giềng bị rạn nứt, anh chị em trong gia đình mất hòa khí, dẫn đến đối đầu.
Thậm chí những vụ án mạng xảy ra do lòng tham, sự ích kỷ và thiếu hiểu biết pháp luật. Đó là những vụ việc rất đau lòng chỉ vì người dân thiếu hiểu biết pháp luật, do công tác tuyên truyền, PBGDPL chưa hiệu quả..
Chỉ ra những tồn tại này, Bộ Công an cho rằng hình thức PBGDPL tuy có nhiều đổi mới song vẫn chưa theo kịp tình hình thực tiễn, nhất là cấp cơ sở. Mặt khác, hình thức PBGDPL hiện nay chủ yếu vẫn là tuyên truyền miệng, qua phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ gấp, tờ rơi… nên chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Một số hình thức PBGDPL khác thu hút được đông đảo người tham gia, như: câu lạc bộ, hội thi nhưng ít có điều kiện tổ chức do kinh phí hạn hẹp.
Đặc biệt, việc tuyên truyền, PBGDPL trong nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn còn nhiều hạn chế do trình độ dân trí một số nơi còn thấp, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các chuyên gia cho rằng người đứng đầu mỗi đơn vị phải có nhận thức đúng, đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của Ngày Pháp luật. Cùng với đó, công tác triển khai thực hiện Ngày Pháp luật phải được thực hiện một cách khoa học, sáng tạo có sức hấp dẫn, thu hút sự quan tâm và lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dân vùng sâu, vùng xa.