Làn sóng đầu tư vào bất động sản công nghiệp sắp bứt phá

T. Nhi| 27/05/2020 10:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù phần lớn các ngành nghề đều chịu thiệt hại nặng do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng bất động sản công nghiệp hiện không ngừng nóng lên.

Bất chấp dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay, bất động sản công nghiệp Việt Nam được các công ty nghiên cứu nhìn nhận tích cực và đầy triển vọng. Động lực cho ngành này khởi sắc đến từ nhu cầu thuê đất của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Làn sóng đầu tư vào bất động sản công nghiệp sắp bứt phá

Ảnh minh họa

Có 3 lý do để giải thích cho xu thế này. Thứ nhất sự ổn định về kinh tế, với tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế Việt Nam từ 6,5 đến 6,8%, tăng tương đối đều đều trong nhiều năm. Thứ hai là tốc độ đô thị hóa cũng tương đối lớn, hệ thống giao thông phát triển, đặc biệt là lực lượng lao động dồi dào với giá nhân công tương đối rẻ so với các nước trong khu vực.

Thứ ba, Việt Nam được xem như là một trong những nước có thể chế chính trị ổn định nhất trên thế giới tại thời điểm hiện tại. Đây có thể coi là những yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp.

Với việc là một quốc gia hiếm hoi trên thế giới thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19, Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư có thể xúc tiến nhanh việc tìm kiếm cơ hội tại các khu công nghiệp, nhà máy, trung tâm chế xuất…

Hiện nay, nhiều yêu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn tìm kiếm địa điểm tại các khu công nghiệp để rót vốn và tìm cơ hội kinh doanh. Đáng chú ý là có nhiều nhóm đại gia muốn kinh doanh theo quy mô lớn, tham vọng trở thành chủ đầu tư của cả khu công nghiệp với nhu cầu săn lùng những quỹ đất lên đến 500-1.000 ha. Trong khi đó, một bộ phận nhà đầu tư khác đang đổ vốn vào bất động sản công nghiệp là các nhà sản xuất với mục tiêu chủ động mở rộng diện tích nhà xưởng.

Bên cạnh các điểm nóng hút vốn đầu tư bất động sản công nghiệp như TP HCM, Hà Nội, thành phố vệ tinh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng đang được các nhà đầu tư thăm dò quỹ đất làm nhà, xưởng. Đây đều là những tỉnh có vị trí thuận lợi, nguồn lực và nhân công dồi dào, cơ sở hạ tầng đồng bộ và kết nối giao thông hiệu quả cho việc vận chuyển, kho bãi lưu trữ và logistics tới các thành phố lớn.

Một báo cáo từ hãng nghiên cứu CBRE vừa công bố cho thấy, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp tại các thành phố và tỉnh sản xuất lớn của Việt Nam tăng cao. Tại miền Bắc, giá chào thuê từ 65 đến 260 USD/m2/chu kỳ thuê.

Tại các vùng công nghiệp miền Nam, giá chào thuê rơi vào khoảng 80 - 300 USD/m2/chu kỳ thuê. Dù giá thuê đất khu công nghiệp tại Việt Nam tăng mạnh, nhưng với mức giá trung bình 103,5 USD/m2/chu kỳ thuê, Công ty CP Chứng khoán VNDirect đánh giá đây vẫn là mức thấp thứ hai trong các quốc gia khu vực Đông Nam Á, chỉ cao hơn giá thuê đất tại Myanmar.

Để đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc, nhiều chủ đầu tư các khu công nghiệp đang rầm rộ triển khai thêm dự án. Chỉ trong vòng 3 ngày từ 15 đến 17/5/2020, trên địa bàn tỉnh Long An đã có 2 khu công nghiệp được động thổ, gồm: Khu công nghiệp Việt Phát (huyện Thủ Thừa) và Khu công nghiệp Đức Hòa III (huyện Đức Hòa).

Savills nhận định, đã có rất nhiều công ty Mỹ và Nhật Bản dần rời khỏi thị trường Trung Quốc, và Việt Nam là sự lựa chọn hợp lý, rõ ràng nhất ở khu vực Đông Nam Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làn sóng đầu tư vào bất động sản công nghiệp sắp bứt phá