Lần đầu tiên công bố bút phê của các Hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn

21/09/2013 22:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 20-9, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I khai mạc Triển lãm “Bút phê của các Hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn (1802-1945)” với 150 tài liệu qua 10 đời vua.

Thông qua những Bút phê này sẽ góp phần cung cấp thêm những thông tin về tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của các Hoàng đế qua từng thời kỳ lịch sử, qua đó góp phần tìm hiểu chế độ văn thư triều Nguyễn nói riêng cũng như văn hóa lịch sử, mỹ thuật nói chung.

Lần đầu tiên công bố bút phê của các Hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn

Nhiều lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương đã tham dự buổi triển lãm.

Châu bản triều Nguyễn là một loại hình tài liệu Hán - Nôm thuộc diện qúy hiếm đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ). Đây là những văn bản hành chính của triều Nguyễn do các cơ quan chính quyền từ Trung ương đến địa phương soạn thảo và thông qua Hoàng đế “ngự lãm”, “ngự phê” bằng mực son để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết những vấn đề về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội... Vì vậy có thể coi Châu bản là kho lưu trữ tài liệu văn thư hành chính của vương triều Nguyễn.

Các loại văn bản trên Châu bản triều Nguyễn bao gồm dụ, chiếu, chỉ, thân, bản kê, tấu, sớ, bản dịch văn bản ngoại giao và các dạng công văn khác. Bút phê của các Hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn có 6 loại gồm: châu điểm, châu phê, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải. Các hình thức Ngự phê này là một trong những đặc trưng độc đáo của Châu bản.

Châu điểm là một nét son được chấm lên đầu văn bản hoặc một vấn đề thể hiện sự đồng ý của nhà vua; Châu phê là một đoạn, một câu hay một vài chữ do đích thân nhà vua viết, có thể ở đầu, ở cuối hoặc chen vào giữa các dòng trên văn bản thể hiện quan điểm hoặc cho ý kiến chỉ đạo; Châu khuyên là vòng son được nhà vua khuyên lên điều khoản, tên người hoặc vấn đề được nhà vua chấp thuận; Châu mạt là nét son được phẩy lên tên người hoặc vấn đề nào đó thể hiện sự lựa chọn hoặc không chấp thuận của nhà vua; Châu sổ là nét son được gạch sổ trực tiếp lên những chỗ cần sửa chữa hoặc không được chấp thuận; Châu cải là chữ, câu, đoạn viết bên cạnh những chữ đã sổ bỏ nhằm sửa lại hoặc thể hiện quan điểm của nhà vua.

Lần đầu tiên công bố bút phê của các Hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn

Đây là lần đầu tiên dấu tích bút phê của các vị vua của triều Nguyễn được trưng bày.

Nội dung và hình thức Châu bản cũng phản ánh rõ đặc điểm bút phê của từng Hoàng đế qua từng triều đại. Đối với thời vua Gia Long thì trong Châu bản, văn bản lưu bút tích của Hoàng đế Gia Long không nhiều, chủ yếu là trên văn bản có nội dung về các vị thuốc của Ngự Y Viện tấu lên, kê khai dân số của trường duyệt tuyển địa phương tấu lên. Qua những chi tiết phê duyệt cụ thể lên từng tên dân đinh trong bản kê cho thấy, Hoàng đế Gia Long rất quan tâm tới việc tuyển binh lính dùng trong quân đội dù đất nước đã thống nhất.

Trong triều vua Minh Mạng (Minh Mệnh) bút phê của Hoàng đế Minh Mệnh trên Châu bản rất phong phú, đầy đủ các loại châu phê, châu điểm, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải. Nội dung phê duyệt của ông tập trung chỉ đạo các chính sách khuyến nông nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, hy vọng đạt đến cảnh dân an, nước thịnh.

Với triều Thiệu Trị bút phê trên Châu bản với những hình thức như: châu phê, châu điểm, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải. Nội dung ngự phê của ông chú trọng vào các lĩnh vực văn hóa, chính trị, quân đội, nông nghiệp và đê điều. Hoàng đế Thiệu Trị còn là một người thích thơ, bản tính đằm thắm, nên lời phê của ông dung hòa, nhẹ nhàng.

Lần đầu tiên công bố bút phê của các Hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn

Các hình thức ngự phê của Hoàng đế trên Châu bản.

Đối với triều Tự Đức bút phê của Hoàng đế được thể hiện trên Châu bản với các hình thức châu phê, châu điểm, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải. Từ nội dung vua phê về những vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, tư tưởng, phong tục tập quán, bang giao v.v. đã cho chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về bối cảnh lịch sử, kinh tế - xã hội, chính trị, ngoại giao của nước ta cuối thế kỷ XIX.

Qua đời vua Kiến Phúc bút phê được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I chỉ có duy nhất 1 tập, nên không lựa chọn được nhiều văn bản bút phê của vua giới thiệu đến công chúng. Triều vua Đồng Khánh thì không có thực quyền nên nội dung lời phê của Hoàng đế chủ yếu về chi tiêu trong hoàng cung, chi lương và thăng bổ quan lại.

Triều vua Thành Thái thì quan tâm, tập trung ngự phê chủ yếu trên các lĩnh vực như: văn hoá, giáo dục, thăng bổ quan lại, binh biền, đặc biệt là giáo dục. Nội dung ngự phê của vua thể hiện sự quan tâm đến sĩ số học sinh ở trường Quốc Tử Giám, nội quy của trường Tôn học, thăng bổ quan viên hay tình hình thí sinh ở trường thi các tỉnh.

Với triều Duy Tân bút phê trên Châu bản tập trung ở các hình thức châu điểm, châu phê, châu khuyên với nội dung chủ yếu ở các lĩnh vực như văn hoá, giáo dục, thăng bổ quan lại…Qua lời phê, có thể nhận thấy ông đặc biệt quan tâm đến việc học hành, thi cử ở trường thi các tỉnh và khắc in sách chính sử.

Triều vua Khải Định bút phê chủ yếu về các vấn đề tổ chức tế lễ, diễn kịch, thăng bổ và thưởng phạt quan lại.

Đối với triều vua cuối cùng Bảo Đại bút ngự phê trên Châu bản bằng 3 loại văn tự Việt, Pháp, Hán và sử dụng các hình thức phê như châu điểm, châu phê, châu cải, châu sổ. Ngự phê của vua Bảo Đại tập trung chủ yếu trên các văn bản có nội dung phản ánh các việc kinh tế, thưởng phạt quan lại, tế lễ, ngoại giao.

Hiển Nguyện

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lần đầu tiên công bố bút phê của các Hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn