Trường ĐH Tôn Đức Thắng vừa tự phong giáo sư (GS) cho ông hiệu trưởng và dự định tiếp tục phong phó giáo sư (PGS) cho một số cán bộ, giảng viên trong nhà trường và cả những giảng viên thỉnh giảng khác.
Đây là hoạt động giáo dục chưa từng có ở Viêt Nam, phá vỡ các quy định pháp lý về việc phong học hàm cho các giảng viên đại học. Đành rằng không phải GS, PGS nào được công nhận cũng thật sự xứng đáng nhưng một khi đã là quy định thì không thể tùy tiện thay đổi vịn cớ theo nước ngoài. Và người ta cũng không rõ tiêu chí tự phong học hàm của ĐH Tôn Đức Thắng như thế nào. Đại diện Hội đồng Chức danh GS Nhà nước khẳng định, việc làm này vi phạm quy định chung về việc công nhận chức danh GS, PGS, hoàn toàn không có giá trị pháp lý và vi phạm pháp luật.
Theo quy định hiện hành, việc công nhận chức danh GS phải được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, từ hội đồng cơ sở, hội đồng ngành và cuối cùng phải đến Hội đồng chức danh Nhà nước mới quyết định ứng viên có đủ tiêu chuẩn được công nhận GS, PGS hay không. Đáng chú ý là ngay với những GS, PGS được cơ sở giáo dục nước ngoài công nhận chức danh GS, PGS nếu muốn được công nhận và bổ nhiệm chức danh tương tự tại cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thì cũng phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn, không thấp hơn chất lượng của ứng viên được công nhận và bổ nhiệm ở Việt Nam.
Theo đó, các ứng viên đó cũng bắt buộc phải có đủ số công trình khoa học theo quy định, trong đó có ít nhất một bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có uy tín. Được biết, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã từng đề nghị được thành lập hội đồng chức danh GS cơ sở tại trường, nhưng chưa được phép, vì trường không đáp ứng đủ tiêu chuẩn và chưa có ít nhất 7 GS. PGS là giảng viên cơ hữu đang công tác tại trường.
Trước đó, chính người vừa được Trường ĐH Tôn Đức Thắng tự phong GS đã qua hai lần không đạt tiêu chuẩn chức danh PGS khi xét ở hội đồng chức danh GS ngành, thế mà nay đã được phong chức danh GS. GS Ngô Bảo Châu khi ngỏ lời với báo chí đã cho rằng ĐH Tôn Đức Thắng đã đánh tráo khái niệm chức danh GS. Được biết, theo xu thế giáo dục ĐH, tới đây, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước có thể sẽ bàn đến việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học trong việc xét, công nhận chức danh GS, PGS. Song ngay cả khi thực hiện việc xét, công nhận chức danh GS, PGS tại trường đại học thì trước hết cũng chỉ giao cho các trường đại học lớn đủ tiêu chuẩn về năng lực học thuật, chuyên môn...
Tuy nhiên, ông Vũ An Ninh - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Trường ĐH Tôn Đức Thắng lại chống chế rằng, việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn cho chuyên gia, nhà khoa học của trường được thực hiện dựa trên quyền tự chủ được cho thí điểm bởi Quyết định 158 của Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Ninh, quy chế tự chủ của nhà trường được quy định theo Quyết định 158 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó không quy định các hoạt động tự chủ của nhà trường phải xin ý kiến Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Hiện nay, chúng ta có trên 300 trường đại học, nếu tất cả các trường đều tự phong GS, PGS cho các giảng viên theo cung cách ĐH Tôn Đức Thắng thì ngay lập tức đội ngũ GS, PGS đang giảng dạy đại học từ 3.500 người sẽ trở thành 7.000 người, thỏa mãn nhu cầu GS, PGS trực tiếp giảng dạy đại học. Tuy nhiên, chắc chắn chất lượng không tăng vi đã “hạ điểm chuẩn” GS, PGS.
Không nên để tình trạng tùy tiện “nâng đời” giảng viên đại học bởi việc này sẽ gây lạm phát GS. PGS khiến ĐH Việt Nam thêm thua kém.