Dự án Khu dân cư xã Mỹ Khánh thực hiện góp phần hoàn thiện xây dựng tiêu chí nông thôn mới của TP Long Xuyên và tỉnh An Giang. Tuy nhiên, hiện nay dự án không thể triển khai do nhiều hành vi sai phạm vẫn chưa được làm sáng tỏ và xử lý dứt điểm.
Người dân khẳng định không giao dịch với ông Thanh
Vừa qua, báo Công lý đã đăng tải nhiều bài viết phản ánh sự việc làm giả hồ sơ để chuyển quyền sử dụng đất trái phép gây khó khăn cho dự án nông thôn mới tại xã Mỹ Khánh. Qua tài liệu và tìm hiểu trực tiếp của phóng viên, một số hộ dân có đất tại dự án đã có những trao đổi về sự việc, cụ thể: Theo biên bản lời khai ngày 5/12/2017 tại Công an tỉnh An Giang, ông Nguyễn Văn Bìa (một trong 4 hộ dân có đất thuộc dự án) nêu rõ: “Tôi khẳng định ông Thành là người mua đất không phải ông Phan Ngọc Thanh do ông Thành nhiều lần đến gặp để thương lượng giá mua đất thực hiện dự án. Tôi không hề có mua bán gì với ông Phan Ngọc Thanh”.
Dự án Khu dân cư xã Mỹ Khánh nhằm hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới nhưng đang không thể tiếp tục triển khai
Lý giải về việc ngày 5/1/2016 có hợp đồng chuyển nhượng đất với diện tích 8.2610 m2 cho ông Phan Ngọc Thanh ông Bìa cho rằng: Ngày 30/11/2015, sau nhiều lần thương lượng giá cả, ông Vương Tấn Thành và ông mới thống nhất được phương án bồi thường là 270 triệu đồng/1 công đất ruộng. Đến ngày 4/1/2016, ông Bìa có cùng với ông Thành ra Văn phòng công chứng Nhật Quang để làm thục tục chuyển nhượng đất theo yêu cầu của ông Thành. Khi tiến hành thủ tục chuyển nhượng đất ông Bìa có nhận đúng số tiền đã thỏa thuận với ông Thành, tổng diện tích 8.516 m2 với số tiền 2.229.860.000 đồng.
“Ký xong thì ông Thành có kêu hai người đàn ông (đứng kế bên ông Thành), tôi không quen biết đem tiền đến ngân hàng đếm theo yêu cầu của gia đình. Tại ngân hàng, khi đếm xong tiền thì một trong hai người đàn ông có kêu tôi viết ghi nhận: Tôi Nguyễn Văn Bìa có nhận 2,3 tỷ đồng, theo hợp đồng chuyển nhượng sử dụng đất, người đưa tiền là Phan Ngọc Thanh. Người đàn ông đó cũng không giới thiệu mình tên là Thanh. Tôi không có thắc mắc là bán đất cho ông Thành mà người đưa tiền là ông Thanh vì nghĩ người đàn ông đó viết biên nhận về đưa cho ông Thành là có giao tiền cho tôi nên tôi mới viết, ký biên nhận.” – biên bản lời khai ông Bìa ghi rõ.
Tương tự ông Bìa, ông Trần Văn Dạ, bà Trần Thị Thúy Kiều cũng khẳng định không có bất kỳ giao dịch mua bán tài sản hay thỏa thuận bồi thường chuyển nhượng gì cho ông Phan Ngọc Thanh. Tại biên bản ghi lời khai ngày 4/12/2017, bà Kiều khẳng định: "Đến ngày 5/1/2016 tôi cùng chồng và ba (ông Trần Văn Dạ - PV) đến Văn phòng công chứng Nhật Quang làm thủ tục sang tên chuyển nhượng đất cho ông Thành như đã thỏa thuận. Một lúc sau tôi có nghe ba nói sang tên chuyển nhượng đất cho ông Thanh. Tôi có thắc mắc hỏi tại sao lại sang tên chuyển nhượng đất cho ông Thanh. Lúc này, ông Vương Tấn Thành giải thích là vay tiền của ông Thanh sau khi ông Thành trả tiền cho ông Thanh xong sẽ nhờ gia đình tôi ra Văn phòng công chứng Nhựt Quang hủy hợp đồng chuyển nhượng cho ông Thanh.
Ông Nguyễn Văn Bìa và ông Trần Văn Dạ
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Vạt, Phạm Ngọc Tú cũng đều cho biết chỉ bán đất cho ông Vương Tấn Thành, không hề mua bán, thỏa thuận, quen biết với ông Thanh. Tại công an, ông Phạm Ngọc Tú khẳng định, khi ký hợp đồng xong, ông Tú không có nhận tiền mặt tại Văn phòng công chứng Nhựt Quang mà nhận tiền từ ông Thành tại công ty Tấn Vương.
Sớm làm rõ nhiều tình tiết
Liên quan tới sự việc này, theo ông Vương Tấn Thành, khi thỏa thuận vay tiền thực hiện dự án ông Thanh đặt điều kiện phải bảo đảm thế chấp với việc làm “hợp đồng giả cách” (hợp đồng vay nợ nhưng ký tên dưới dạng sang nhượng bất động sản) chuyển nhượng 5 giấy CNQSDĐ của các hộ dân và sẽ trả lại đất trả tiền theo giao ước. Thế nhưng sau đó, ông Thanh một mặt tách riêng hợp đồng vay tiền để kiện ra tòa đòi trả 6 tỷ. Đồng thời ông Thanh đã lợi dụng vào việc vay tiền để lừa đảo chiếm đoạt đất của dự án khi làm thủ tục nhận chuyển nhượng các giấy CNQSDĐ của các ông bà Bìa, Kiều, Tú, Vạt và yêu cầu bồi thường 8 tỷ đồng mới trả lại sổ đỏ.
Biên bản làm việc giữa ông Thành và ông Minh
Hiện ông Thanh không công nhận hợp đồng vay tiền (có thế chấp đất) giữa hai bên là một dạng “hợp đồng giả cách”. Tuy nhiên, tại văn bản số 168/BC-UBND, UBND TP Long Xuyên khẳng định: Trong quá trình triển khai dự án ngay từ khi liên danh Tấn Vương – Cang Trường tổ chức họp dân để thỏa thuận bồi thường đến việc triển khai san lấp mặt bằng thì UBND xã Mỹ Khánh và TP Long Xuyên không nhận được đơn thư khiếu nại của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Đến tận tháng 10/2016, ông Thanh mới có đơn yêu cầu giải quyết thủ tục cấp đổi GCNQSDĐ và tháng 11/2016 (sau 10 tháng khi chủ đầu tư thi công và xây dựng chợ gần xong) mới có đơn tố cáo.
Đồng thời, theo biên bản làm việc ngày 28/11/2016 do UBND xã Mỹ Khánh lập có chữ ký của ông Nguyễn Văn Minh (nguyên trưởng phòng Tổ chức – Công an tỉnh An Giang đã nghỉ hưu) đại diện cho ông Phan Ngọc Thanh đều thống nhất nội dung làm việc với ông Vương Tấn Thành: Trao đổi về việc vay tiền để chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các hộ dân nằm trong phạm vi thực hiện dự án xây dựng Khu dân cư trung tâm xã Mỹ Khánh.
Tại biên bản này, ông Vương Tấn Thành đã đồng ý trả cho ông Phan Ngọc Thanh 8 tỷ chia làm 3 đợt và yêu cầu ông Minh trao đổi với ông Thanh xác định số tiền vay 6 tỷ và hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất (5) là một. Ông Minh đã thống nhất và đồng ý ký vào biên bản trước sự chứng kiến của lãnh đạo UBND xã Mỹ Khánh. Tiếp đến ngày 21/12/2016, UBND xã Mỹ Khánh tiếp tục mời ông Vương Tấn Thành và ông Nguyễn Văn Minh lên làm việc về việc vay tiền. Ông Minh trình bày theo thỏa thuận ngày 28/11/2016 cho đến ngày 21/12/2016 nhưng ông Thành không thực hiện. Nguyên nhân là bởi ông Thanh không ký hủy hợp đồng vay tiền và không rút đơn khởi kiện.
Căn cứ biên bản này, theo một số luật sư, việc hợp đồng vay nợ giữa hai bên phải được hiểu dưới dạng hợp đồng giả cách. Với việc ký vào hai biên bản thống nhất nội dung làm việc, đồng ý trả số tiền 8 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Minh (đại diện ông Phan Ngọc Thanh) đã vô hình chung thừa nhận việc vay tiền và thế chấp đất là một.
Bên cạnh đó, ông Thanh hoàn toàn không có biên bản thỏa thuận bồi hoàn đất với các hộ dân từ trước thời điểm triển khai dự án như thông lệ. Tòan bộ diện tích 22.937 m2 chỉ được chuyển nhượng trên giấy tờ từ các hộ dân sang tên ông Thanh vào ngày 5/1/2016 trùng ngày với việc làm hợp đồng vay tiền 6 tỷ đồng, ký chuyển quyền 10 sổ đỏ của DNTN Cang Trươngf giữa ông Thanh và ông Thành.
Nhiều hạng mục dự án đang xuống cấp nghiêm trọng
Chính việc ký hợp đồng vay tiền và chuyển nhượng đất cùng 1 ngày (5/1/2016) nên luật sư Vũ Hồng Hoa, Công ty Luật G77 (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Ngày 5/1/2016, ông Thanh ký hợp đồng cho ông Thành vay tiền với mục đích để ông Thành thanh toán tiền chi phí đầu tư dự án. Vì vậy, không thể có việc ông Thành nhiều lần thỏa thuận với dân rồi bán lại với người khác để rồi phải chịu lỗ (100 triệu/công như lời khai của ông Thanh).
Bên cạnh đó, cùng trong ngày, ông Thanh lại ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất thuộc dự án với các hộ dân. Điều này cho thấy thực chất hợp đồng chuyển nhượng đất chỉ nhằm che giấu một giao dịch khác là vay tiền. Do đó, hợp đồng chuyển nhượng đất là vô hiệu, phải hủy bỏ do giả tạo. Đồng thời, sự việc cũng có dấu hiệu của lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì vậy, cơ quan điều tra cần sớm làm rõ hành vi này.
Để sự việc được làm sáng tỏ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang cần sớm chỉ đạo quyết liệt tới các đơn vị điều tra, làm rõ dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không bỏ lọt sai phạm làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư và quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.