Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc bổ bạn có thể mua dễ dàng ở các hiệu thuốc mà không cần đơn thuốc của bác sĩ. Nhưng sức khỏe của bạn có thể gặp nguy hiểm nếu lạm dụng thuốc bổ.
Lợi bất cập hại
Thuốc bổ nói chung là thuốc được bào chế nhằm cung cấp những chất cơ thể thiếu, nhằm bồi dưỡng cơ thể, tăng cường sức khỏe, giảm mỏi mệt, giúp ăn được, ngủ được…
Bổ sung vitamin sai cách rất nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng. Ảnh minh họa.
Các chuyên gia cảnh báo, mặc dù các loại thực phẩm chức năng và thuốc bổ được quảng cáo là mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho người dùng, nhưng việc sử dụng chúng vượt quá ngưỡng khuyến nghị hàng ngày có thể dẫn đến phản tác dụng.
Ở Mỹ, người ta ước tính hằng năm phải tiêu tốn khoảng 150 tỉ USD để xử lý tai biến do thuốc, có 5 - 20% bệnh nhân nhập viện phải gánh chịu tai biến do thuốc trong suốt thời gian nằm viện, hoặc có khá nhiều người không cứu được, dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) cho biết, một số người vì thiếu hiểu biết nên tự ý truyền thuốc bổ tại nhà. Thậm chí bệnh nhân C.Đ.T (ở Thanh Hóa) đã tử vong vì sốc phản vệ trong khi truyền nước tại một phòng khám tư.
Nhiều bà mẹ trẻ thấy con chậm lớn, còi xương nên ra hiệu thuốc mua Vitamin D và canxi về bổ sung cho trẻ với mong muốn con sẽ tăng chiều cao. Thế nhưng, hệ quả là trẻ bị ngộ độc do sử dụng không đúng liều vì không phải cứ thấy trẻ gầy gò là thiếu Vitamin D hay can xi. Hậu quả chính của ngộ độc Vitamin D là làm tăng canxi máu, dẫn tới chán ăn, buồn nôn và nôn. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, tiểu tiện thường xuyên.
Ai cần dùng thuốc bổ?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu hàng ngày mỗi người có chế độ dinh dưỡng phù hợp, cân bằng thì không sợ cơ thể thiếu vitamin.
Việc dùng thuốc bổ sung vitamin không thể thay thế cho những thức ăn như rau cải, trái cây các loại, thịt cá, trứng… vì đây là những nguồn vitamin tự nhiên rất tốt. Khi đã ăn uống đầy đủ và cân bằng các nhóm thực phẩm mà cơ thể không có tiến triển tốt về sức khoẻ thì nên nhờ bác sĩ tư vấn.
Việc bổ sung vitamin như thế nào là theo chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ, không nên tùy tiện dùng theo cảm tính hoặc theo kinh nghiệm dân gian.
Những đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin cần bổ sung thuốc bổ là người ăn kiêng (người ăn chay trường), người bệnh (nhiễm trùng, bỏng, vừa trải qua phẫu thuật), người cao tuổi, phụ nữ cho con bú, người nghiện rượu, người hút thuốc nhiều… Trẻ em bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, những em bé sau giai đoạn bị bệnh (nhiễm trùng, ho hen, tiêu chảy…) thì cần cung cấp vitamin.
Bổ sung vitamin bằng việc sử dụng thực phẩm hợp lý là cách tốt nhất
Dùng thuốc bổ như thế nào cho đúng?
PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên Dược, trường đại học Y cho biết, dựa vào mục đích sử dụng, có thể tạm định nghĩa thuốc bổ là thuốc bồi dưỡng cơ thể, giảm mệt mỏi, tăng cường sức khoẻ, giúp ăn được, ngủ được, hỗ trợ quá trình trị liệu... Điểm qua các thuốc đang lưu hành trên thị trường dược hiện nay, có thể phân ra nhiều loại, và mỗi loại cần tuân thủ nguyên tắc sử dụng riêng để bảo đảm hiệu quả và an toàn.
Các thuốc bổ sung vitamin, chất khoáng và các chất bổ khác thường được trình bày dạng viên sủi bọt chứa ion natri. Người kiêng muối phải lưu ý vì dùng thuốc nhiều sẽ hấp thu nhiều natri không có lợi, nhất là người đang điều trị bệnh tăng huyết áp, uống thuốc dạng sủi bọt có thể bị tăng vọt huyết áp, gây nguy hiểm.
Rõ ràng, việc sử dụng thuốc bổ “tùy tiện”, không tuân theo chỉ dẫn của thầy thuốc sẽ gây tác hại cho cơ thể. Vì vậy, tìm một liều lượng vitamin hợp lý để cân bằng chế độ dinh dưỡng là rất quan trọng. Ngoài ra, việc bổ sung các dưỡng chất giúp cơ thể khỏe mạnh phải được ưu tiên song song với việc chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao.
Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Văn Hậu, Bệnh viện 103 cho biết, bất cứ thuốc bổ nào đều có khả năng gây tai biến cho người sử dụng nếu dùng không đúng cách, đúng liều. Chính tai biến do thuốc cũng có thể là nguyên nhân gây thương vong rất lớn cho con người. Việc tùy tiện sử dụng thuốc bổ hiện rất tràn lan ở mọi lứa tuổi.
Đa số những người mua thuốc bổ đều không cần qua bác sĩ khám và tư vấn. Họ dùng theo kiểu “được mách”, truyền miệng từ người này qua người khác vì tin rằng đã là thuốc bổ, nhất là thuốc bổ đều không có tác dụng phụ hay độc tố nên có thể yên tâm sử dụng.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi cần sử dụng các loại thuốc gì, người dân cần có sự tư vấn của bác sĩ. Khi đang dùng thuốc, nếu xảy ra các phản ứng bất thường như ngứa, nổi mề đay, khó thở, hoặc cảm thấy rất khó chịu thì ngừng ngay thuốc, đến tái khám ở bác sĩ đã chỉ định thuốc để có xử trí kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Sau đây là những nguyên tắc khi sử dụng thuốc bổ sung vitamin cho cơ thể: - Thứ nhất là lý do sử dụng vitamin phải rõ ràng như do gầy, yếu hay thiếu chất. - Thứ hai phải sử dụng vitamin đúng liều lượng (không quá nhiều, hoặc quá ít..) - Thứ ba là bổ sung vitamin một cách chính xác: theo lứa tuổi, trọng lượng cơ thể… - Thứ tư là thời gian bổ sung vitamin hợp lý. - Thứ năm là tránh sự tương tác của vitamin với các loại thuốc khác. Và cuối cùng là phải sử dụng vitamin theo chỉ định của bác sĩ. |