Thanh tra, kiểm tra giúp môi trường kinh doanh được minh bạch, ổn định, cải thiện, công bằng hơn khi kịp thời phát hiện, xử phạt những doanh nghiệp vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng việc này sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, khó kiểm soát tham nhũng…
Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại buổi Hội thảo- Tọa đàm về công tác thanh tra, kiểm tra tạo điều kiện cho doanh nghiệp do Viện Nghiên cứu Thanh tra và Phòng, chống tham nhũng (RIICP) tổ chức. Những ý kiến đóng góp về vấn đề này là rất cần thiết tại thời điểm hiện nay đang trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Phòng chống tham nhũng( PCTN).
Vẫn thiếu sự phối hợp liên ngành tranh tra
Hội thảo là dịp để các bên đánh giá, nhìn nhận về thực trạng công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hiện nay, qua đó, nêu lên những chuyển biến tích cực từ công tác thanh tra, kiểm tra để đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; cùng nhau tìm ra giải pháp tốt nhất để thúc đẩy, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ (TTCP), năm 2018, toàn ngành đã triển khai 7.166 cuộc thanh tra hành chính và 219.796 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 33 nghìn tỷ đồng, hơn 33,9 nghìn ha đất, đã kiến nghị thu hồi hơn 29,7 nghìn tỷ đồng và 1.007 ha đất (đã thu hồi được 16.656 tỷ đồng và 345 ha đất). TTCP đã tập trung ban hành kết luận một số cuộc thanh tra, kiểm tra do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Thanh tra dự án TCT Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của AVG; công tác cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam; việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn; kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến khiếu nại của công dân về khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.Hồ Chí Minh…
Số liệu khảo sát của VCCI điều tra năm 2017 cũng cho thấy: Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh kiểm tra từ 2 lần trở lên mỗi năm vẫn lên đến 39,8%. Trong nhóm những doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra nhiều lần năm 2017, có 13% doanh nghiệp cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các đoàn kiểm tra.
Quang cảnh buổi hội thảo
Cũng theo khảo sát của VCCI, các cơ quan thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhiều nhất trong năm 2017 là cơ quan thuế, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cơ quan quản lý thị trường. Theo đó, có đến 43% số doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra về thuế, 30% về an toàn phòng, chống cháy nổ và 20% về quản lý thị trường. Nhiều doanh nghiệp được hỏi ý kiến cho biết họ chưa bao giờ tiếp một đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành nào. Các cơ quan có chức năng thanh, kiểm tra vẫn đi riêng, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian.
TS Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng RIICP cho biết, thời gian qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; đây cũng là mục tiêu tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp được xác định là nhiệm vụ trọng tâm mà chương trình hành động của Chính phủ đề ra. Việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra phải đảm bảo khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lặp, giảm thiểu phiền hà cho doanh nghiệp.
Để thực hiện mục tiêu này, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Sau hơn một năm thực hiện, Chỉ thị đã có tác động đến nhận thức của toàn xã hội về công tác thanh tra, kiểm tra, được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ. Kết quả bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên cũng có những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục.
Theo TS Vũ Đình Ánh, việc lạm dụng thanh tra, kiểm tra sẽ gây tổn hại cho môi trường kinh doanh chung, thay vì bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh. Vì thanh tra, kiểm tra là một hoạt động quản lý Nhà nước cần thiết để giám sát và bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh đúng pháp luật. Dù vậy, hoạt động này cần bảo đảm các nguyên tắc không trùng lặp, chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan và đặc biệt là không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Hầu như các doanh nghiệp đều sợ thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra môi trường; phòng cháy, chữa cháy. Do vậy, làm thế nào đó để trong thời gian tới, thanh tra là bạn của doanh nghiệp, tạo điệu kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Không nên lạm dụng việc thanh tra
Đại diện các doanh nghiệp đã đề cập đến những khúc mắc trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra; đó là những ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp nhưng không được các cơ quan thanh tra, kiểm tra trả lời, giải quyết dứt điểm, gây ảnh hưởng đến uy tín, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hầu hết các ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, thanh tra, kiểm tra giúp môi trường kinh doanh được minh bạch, ổn định, cải thiện, công bằng hơn khi kịp thời phát hiện, xử phạt những doanh nghiệp vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu lạm dụng việc thanh, kiểm tra lại làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, làm thế nào để công tác thanh tra, kiểm tra vẫn được đảm bảo và hoạt động của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng tiêu cực, đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định là nhiệm vụ đòi hỏi các bộ, ngành, đơn vị quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và toàn xã hội tập trung thảo luận, tìm ra các giải pháp phù hợp.
Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cũng đánh giá, công tác thanh tra, kiểm tra cũng đã có những đóng góp tích cực thời gian qua. Nhưng vẫn có nhiều tồn tại cần phải hoàn thiện, toàn ngành cần phải làm rõ nguyên nhân để tìm ra giải pháp thay đổi. Hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cần phải khắc phục theo hướng cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; tránh việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đây không phải lần đầu tiên có những cuộc hội thảo đề cập đến những bất cập của công tác thanh tra gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Trong một cuộc hội thảo lấy ý kiến về các điều kiện kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, một CEO của một chuỗi thực phẩm sạch tại Hà Nội đã cho biết: Trong 20 ngày ông đã tiếp khoảng 7 đoàn thanh, kiểm tra; phải lập một bộ phận riêng gồm ba người để đón tiếp. Vị này cũng bức xúc phải thốt lên rằng: Hàng ngày có nhan nhản những cặp vợ chồng đèo nhau bằng xe gắn máy, ngồi trên con heo chở từ nông thôn về thành phố xả thịt bán ngay trước cửa thềm nhà phố mà không có bất kỳ sự kiểm dịch nào trong khi cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh nghiêm chỉnh thì lại khổ sở vì bị kiểm tra.
Vậy nên, các ý kiến đều cho rằng, thanh tra, kiểm tra giúp môi trường kinh doanh được minh bạch, ổn định. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá việc thanh, kiểm tra lại làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, làm thế nào để công tác thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả mà hoạt động của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng tiêu cực, đảm bảo môi trường kinh doanh phát triển ổn định là mong đợi của doanh nghiệp cũng như quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.