“Làm báo ở chiến trường”: Thước phim tư liệu về thế hệ nhà báo cách mạng

Hưng Toàn| 20/06/2019 10:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong làng báo Việt Nam, nhiều người biết bút danh Cao Kim là của nhà báo Kim Toàn, nguyên TBT Báo Hải Phòng. Trong đời, ông có một chuyện kỳ lạ: Có giấy báo tử gửi từ chiến trường trong những năm chiến tranh khốc liệt khi còn là phóng viên Báo Giải Phóng

Những thước phim tư liệu về làm báo trong chiến tranh

Ký ức của những người trong cuộc chiến năm xưa giữa rừng Trường Sơn, trong lòng địch được nhà báo Cao Kim ghi lại sinh động, nghẹt thở trong cuốn sách “Làm báo ở chiến trường - Chuyện những người trong cuộc”.

“Chiến tranh đã đi qua gần một phần hai thế kỷ. Đã có không biết bao nhiêu tư liệu, cuốn sách, công trình nghiên cứu; những bài báo, tác phẩm văn học nghệ thuật viết về đất nước, con người những năm tháng hào hùng đó. Và cũng còn biết bao nhiêu những bộn bề, những góc khuất tận cùng chiến tranh vẫn chưa thể nào có thể tái hiện đầy đủ và trọn vẹn… Với những người trong cuộc, ký ức về chiến tranh gắn liền với từng giây, từng phút và cả tuổi thanh xuân của họ thì vẫn như thể mới hôm qua, như thể đang tồn tại và hiện hữu, trong đó có thế hệ các nhà báo cách mạng…”. Đây là lời mở đầu cuốn sách “Làm báo ở chiến trường - Chuyện những người trong cuộc” của nhà báo Cao Kim.

Mở cuốn sách ra, nhiều lần, người đọc tưởng như hụt hơi khi được chứng kiến cảnh giáp chiến ác liệt giữa chiến sĩ ta - những nhà báo cách mạng với quân địch có máy bay, tàu chiến, pháo binh yểm trợ giữa bưng sình bên dòng sông Vàm Cỏ. Tiếng súng, tiếng la hét của quân địch như vang lên bên tai.

Hiện lên trên từng trang viết của cựu phóng viên Báo Giải Phóng là sông nước, sình lầy, là những tốp lính địch quần áo rằn ri bặm trợn, hùng hổ lùng sục “Việt cộng”. Là giây phút thót tim, lo lắng khi nhà báo Cao Kim cùng đồng đội vượt khỏi nguy hiểm nơi biên giới Việt Nam - Campuchia.

“Làm báo ở chiến trường”: Thước phim tư liệu về thế hệ nhà báo cách mạng

Nhà báo Cao Kim trong thời gian làm phóng viên Báo Giải Phóng tại Mặt trận Sài Gòn - Gia Định

Những bài học về niềm tin, về sự cẩn trọng trong hoạt động cách mạng được chia sẻ, kể lại qua từng tình huống giúp những thế hệ hôm nay, và cả những người không trực tiếp chứng kiến, chiến đấu nơi chiến trường miền Nam khốc liệt năm ấy hình dung được phần nào lòng quả cảm của chiến sĩ ta trong những năm tháng đấu tranh đầy gian khổ. Để rồi, ai cũng nhận ra nỗi đau đớn và nghị lực kiên cường của những chiến sĩ cách mạng, những người vừa viết báo, vừa cầm súng chiến đấu trực tiếp như nhà báo Cao Kim và nhiều đồng đội của ông. Trong đó có nỗi đau về sự hy sinh anh dũng của nhà báo Sáu Mai, nỗi xót xa trong niềm vui báo tử nhầm của chính nhà báo Cao Kim và nhiều những mất mát khác không thể kể hết.

Có thể ví cuốn sách này như những thước phim tư liệu về làm báo trong chiến tranh. Những tình huống khác nhau, khó khăn và thử thách khác nhau đưa người đọc cùng đi với nhà báo Cao Kim qua nhiều vùng đất, gặp những con người cụ thể trong bối cảnh được mô tả lại thật đến từng chi tiết.

Các câu chuyện trải dọc chiều dài đất nước, khắp các miền, có nông thôn, thành thị, có miền núi và đồng bằng, có báo in, Đài Phát thanh và Thông tấn xã với những nhân vật và những tình huống bất ngờ. Những cuộc gặp bất ngờ như tình huống trong “Người từ trong tủ bước ra” kể về nhà báo Sơn Wênh, phóng viên thuộc bộ phận tiếng Khmer của Đài Phát thanh Giải Phóng và tình đồng chí cảm động với nữ chiến sĩ Hai Dặm.

Hay cuộc gặp giữa hai nhà báo không cùng chiến tuyến, trong đó một người chính là nhà báo Cao Kim và người còn lại là nhà báo An-tô-ni M.Ni-ê-va, lãnh đạo cấp cao của Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) mùa hè năm 1996. Cuộc gặp ấy gợi lại câu chuyện về tờ giấy báo tử được bác sĩ Phạm Tương Lai viết tay ngày10/3/1968 thông báo về sự hy sinh của nhà báo Cao Kim trong trận chống càn tại xã Bình Chánh, huyện Tân Trụ, Phân khu 3, đó cũng là nội dung “Câu chuyện nghĩa tử - nghĩa sinh” mà nhà báo Cao Kim hơn một lần kể lại trong cuốn sách này.

Nhà báo Cao Kim không phải là người hy sinh trong nội dung giấy báo tử năm đó. Trở lại xã Long Định, huyện Cần Đước (ấp Nhứt), thuộc tỉnh Long An sau này, nhà báo Cao Kim thăm lại bác sĩ Phạm Tương Lai (tức Ba Lai) và ngôi mộ có tấm bia gắn tên mình. Hài cốt của liệt sĩ dưới ngôi mộ ấy đã được quy tập về nghĩa trang tại quê nhà liệt sĩ, nhưng tấm bia còn nguyên vẹn với dòng chữ sơn màu đen: “Liệt sĩ Cao Kim, hy sinh ngày 8/3/1968”.

Cán bộ, chiến sĩ, giao liên, người dân cùng làm báo

Điều đặc biệt và cũng là sợi dây xuyên suốt cuốn sách này chính là chủ đề mà nhà báo Cao Kim đặt ra ngay từ tựa đề của cuốn sách “Làm báo ở chiến trường - Chuyện những người trong cuộc”.

“Làm báo ở chiến trường”: Thước phim tư liệu về thế hệ nhà báo cách mạng

 Tập sách “Làm báo ở chiến trường - Chuyện những người trong cuộc” 

Từ ký ức người trong cuộc, người ta nhận ra, trong giai đoạn chiến tranh khói lửa ấy, không chỉ các nhà báo, mà cán bộ, chiến sĩ, giao liên, cả người dân bình thường cùng tham gia làm báo cách mạng. Khó khăn, gian khổ, hiểm nguy không làm những nhà báo - chiến sĩ nản chí. Niềm lạc quan, vững tin vào thành công của cách mạng tạo nên tình đoàn kết của đội ngũ những người làm báo trong chiến tranh, để có được những đêm văn nghệ đón giao thừa trong chiến khu chống Mỹ. Và những ấn phẩm đặc biệt góp phần tăng thêm sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nên những chiến thắng lịch sử đáng tự hào.

Bạn đọc còn có thêm thông tin giá trị về tình đoàn kết, hữu nghị gắn bó giữa những người làm báo cách mạng Việt Nam và Cuba. Với sự hỗ trợ của các bạn, ấn phẩm đặc biệt với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được in thành công từ bản kẽm ảnh Bác Hồ cỡ lớn được các bạn Cuba gửi tới Việt Nam. Cùng với đó là những bản kẽm hình ảnh khác phục vụ nhiều số Báo Giải Phóng thời kỳ đó. Những tờ báo cách mạng xuất bản tại chiến khu được bí mật chuyển vào nội đô, tiếp thêm sức mạnh làm nên chiến thắng mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đặc biệt, trong cuốn sách này, nhà báo Cao Kim dành riêng phần phụ lục giới thiệu về Báo Giải Phóng, cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Bài viết “Báo Giải Phóng - Những năm tháng hào hùng” giới thiệu với người đọc một cách tổng quan về cơ quan ngôn luận của cách mạng miền Nam giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tờ báo xuất bản số đầu đúng kỷ niệm lần thứ tư ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (20/2/1960 - 20/2/1964), với mục tiêu mà Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Nguyễn Hữu Thọ nhấn mạnh: “Bạn đọc Báo Giải Phóng không chỉ là nhân dân vùng giải phóng mà còn ở các vùng ven thành phố và cả nội thành nữa. Làm sao khi đọc Báo Giải Phóng, nhân dân miền Nam được động viên tinh thần yêu nước, tin tưởng ở sức mạnh và thắng lợi của cách mạng, kiên quyết đứng lên đấu tranh chống Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai của Mỹ”.

Xin được mượn lời Tiến sĩ Phạm Thị Trâm để kết lại bài viết này thay lời nhận xét khách quan về cuốn sách “Làm báo ở chiến trường - Chuyện những người trong cuộc” của nhà báo Cao Kim.“Đây là một mảnh ghép ký ức chân thực về chiến tranh, về những nhà báo - những người vừa là đồng đội, vừa là đồng nghiệp của ông trên chiến trường chống Mỹ xâm lược. Những câu chuyện của người trong cuộc bây giờ mới kể chắc chắn sẽ giúp bạn đọc, đặc biệt là các nhà báo trẻ hiểu thêm về sự hy sinh và cống hiến của các thế hệ nhà báo đi trước. Bởi trong những năm tháng nghiệt ngã nhất, thiếu thốn và gian khổ nhất, họ đã làm nên biết bao điều kỳ diệu”. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Làm báo ở chiến trường”: Thước phim tư liệu về thế hệ nhà báo cách mạng