Theo các chuyên gia, với việc giảm lãi suất lần này, các ngân hàng đã đưa mặt bằng lãi suất về chỉ từ 4%/năm - mức thấp nhất trong gần 2 năm qua.
Sau đợt giảm lãi suất vào giữa tháng 7/2021, mới đây các ngân hàng lớn tiếp tục giảm lãi suất và bổ sung gói tín dụng lãi suất ưu đãi hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Đợt hỗ trợ lần này tập trung ưu tiên các khách hàng tại các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Trong đó, đáng chú ý là các ngân hàng thuộc nhóm Big 4 (nhóm ngân hàng cổ phần Nhà nước).
Cụ thể, Vietcombank giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Giảm lãi suất tới 0,3%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại các địa bàn tỉnh, thành phố phía Nam khác áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ bao gồm Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.
Tương tự, VietinBank triển khai thêm gói tín dụng lãi suất từ 4%/năm, với quy mô 20.000 tỷ đồng, cho các DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, nâng tổng quy mô tất cả gói hỗ trợ lãi suất lên tới 150.000 tỷ.
BIDV cũng dành 1.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho vay các doanh nghiệp tại 19 tỉnh, thành phía Nam. Nhà băng này giảm thêm 0,5-1,5 điểm %/năm lãi suất cho vay VNĐ đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/7; đồng thời tung gói tín dụng 30.000 tỷ cho vay ngắn hạn với lãi suất thấp hơn 1,5 điểm %. Dự kiến, thu nhập lãi của BIDV giảm khoảng 200 tỷ đồng.
Agribank cũng giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn lãi suất từ 7%/năm trở lên đối với khoản vay tại thời điểm 15/7/2021. Chương trình này sẽ kéo dài đến hết ngày 31/12/2021.
Một số ngân hàng khác cũng tham gia giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là các ngân hàng thuộc khu vực phía Nam như Kienlongbank, HDBank, ACB...
Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng cắt giảm lợi nhuận, đồng loạt giảm lãi suất cho vay với nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thể hiện sự đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt khủng hoảng mà còn giúp chính các ngân hàng bảo toàn được lợi nhuận trong tương lai. Bởi khi các doanh nghiệp không còn đủ khả năng trả nợ, nợ xấu sẽ tăng và trực tiếp làm sụt giảm lợi nhuận của nhà băng.
Với việc nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay khiến mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ trong ngắn hạn, tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2021 khó có thể hạ sâu hơn.
Trong khi đó, lãi suất huy động sẽ không có nhiều thay đổi giai đoạn này. Lãi suất huy động có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ 0,1-0,2%/năm trong nửa cuối năm nay.