Nhằm thực hiện tốt công tác xoá mù chữ, tỉnh Lai Châu đã sử dụng nhiều biện pháp để vận động, hỗ trợ người học.
Tăng cường hoạt động xoá mù chữ
Theo chia sẻ của cô Phạm Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Dào San (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu): “Hàng năm nhà trường đều tổ chức lớp dạy xoá mù chữ cho bà con người đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, các lớp xoá mù chữ của nhà trường đã đạt chuẩn mức độ 2. Hiện, chúng tôi đang mở 3 lớp xoá mù chữ với 60 học viên ở hai điểm bản U Ní Chải và Dền Thàng.
Trong quá trình khai công tác xoá mù chữ, chúng tôi ngoài phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thanh niên, hội phụ nữ còn có thêm sự hỗ trợ của Đoàn kinh tế Quốc phòng 356 để đồng hành trong công tác tuyên truyền, vận động học viên ra lớp do vậy nhận được sự đồng lòng của người dân, các học viên”.
Với quan điểm khó khăn mấy cũng phải bằng mọi cách tuyên truyền, vận động học viên đến lớp, chúng tôi đã đến nhà phân tích cho học viên hiểu được những quyền lợi, giá trị của việc học đến với người dân.
Cô Xuân kể lại: “Một thực tế là nhiều học viên sau khi học xong lớp xoá mù ở mức 1 thì nghỉ và xin đi làm, tuy nhiên khi đến công ty, cơ sở làm việc vì không biết chữ nhiều nên họ đã không nhận. Vì vậy, các học viên đó đã quay trở lại lớp học để học tiếp. Đó cũng là một thuận lợi cho đội ngũ làm công tác xoá mù của chúng tôi”.
Hỗ trợ cho người tham gia dạy và học viên học xoá mù
Theo cô Hoàng Thị Bích Huệ - Trường TH&THCS Nùng Nàn (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu): Hiện nay, nhà trường đang có hai lớp xoá mù với 26 học viên tại hai điểm bản là Xì Miền Khan và Phan Chu Hoa. Nhà trường linh động thời gian và chọn dạy tại điểm bản để học viện giảm bớt thời gian đi lại, tạo điều kiện cho học viên tham gia học thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, khi giảng dạy tại điểm bản sẽ tạo hiệu ứng, vận động người chưa biết chữ đi học nhiều hơn.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải đối mặt khó khăn là người học trong độ tuổi lao động, do đó để duy trì sĩ số cũng như chuyên cần cho các học viên trong quá trình học, chúng tôi cũng thường xuyên đến thăm, động viên những học viên có hoàn cảnh khó khăn hay nghỉ học dài ngày, chúng tôi sẽ tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách tháo gỡ giúp họ. Vì vậy, sĩ số lớp học luôn đảm bảo.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đặc biệt chú trọng đến công tác xoá mù, thường xuyên kiểm tra, giám sát lớp học để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để điều chỉnh”, cô Huệ cho biết.
“Các chế độ cũng như chính sách hỗ trợ cho người tham gia học cũng như giáo viên giảng đang tạo điều hiệu ứng rất tốt để thực hiện công tác xoá mù ở huyện chúng tôi. Đặc biệt, chế độ trợ cấp tiền (150.000/tháng/học viên, theo thời gian học thực tế), dụng cụ học tập, sách bút, vở. Đới với thầy cô dạy tham gia giảng dạy sẽ được hỗ trợ 100.000/tiết.
“Như vậy, người học có thêm động lực, giáo viên cũng có thêm chế độ động viên, tạo thêm thu nhập cải thiện cuộc sống”, cô Huệ nhấn mạnh.