Giao thông

Kỳ vọng phát triển giao thông đô thị theo định hướng TOD

Mai Thoa 10/11/2023 - 07:44

Hôm nay (10/11), dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức được trình ra Quốc hội. Một trong những chính sách mới quan trọng trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), đang được nhiều người dân quan tâm.

Vậy phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng sẽ góp phần thay đổi bộ mặt đô thị Thủ đô như thế nào?

Áp dụng mô hình TOD cho đường sắt đô thị

Ông Nguyễn Công Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, thành viên Tổ Biên tập dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 410km. Sau 12 năm thực hiện Quy hoạch, Hà Nội mới vận hành và khai thác được 13km đường sắt đô thị (tuyến Cát Linh - Hà Đông).

Quyết định số 519/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2016 phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 519/QĐ-TTg) đặt mục tiêu thành phố Hà Nội phải ưu tiên phát triển vận tải đường sắt đô thị đến 2030 chiếm 25%-30% và sau 2030 là từ 35%-40% ở khu vực đô thị trung tâm. Yêu cầu này đòi hỏi Luật Thủ đô (sửa đổi) phải có giải pháp đột phá, đặc thù để thực hiện được các mục tiêu quy hoạch nêu trên.

duong-sat-d0-thi.jpg
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội đoạn trên cao dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn 1 cuối năm 2022.

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội gần đây về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông đường sắt và sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư vận tải đường sắt, nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đến năm 2023 là hơn 39.500 tỷ đồng để đầu tư 4 dự án và nếu đầu tư cho các tuyến đường sắt đô thị còn lại đến năm 2045 (căn cứ theo Quyết định số 519/QĐ-TTg) thì cần khoảng 321.484 tỷ đồng (tương đương 13.31 tỷ USD).

Để có thể có thêm nguồn vốn để đầu tư cho các tuyến đường sắt còn lại, một giải pháp chính sách của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là triển khai các Dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (Dự án TOD).

Dự án TOD là một giải pháp có thể mang lại nguồn lực đầu tư từ xã hội thông qua việc khai thác quỹ đất ở các vùng phụ cận của tuyến đường sắt, không gian ngầm và không gian trên cao ở các nhà ga của tuyến đường.

Cũng theo ông Nguyễn Công Anh, điểm đặc biệt là Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chỉ lựa chọn quy định Dự án TOD áp dụng cho đường sắt đô thị mà không áp dụng sang các loại hình giao thông khác như đường bộ là phù hợp với nhu cầu phát triển của Thủ đô cũng như tính phức tạp của một dự án đường sắt đô thị đòi hỏi phải có cơ chế đặc thù. Đối với đường bộ, mô hình phát triển TOD đã và đang được áp dụng từ nhiều năm nay trong công tác quy hoạch mà không cần phải áp dụng cơ chế Dự án TOD.

Lấy giao thông làm đích hướng

Góp ý vào dự án Luật, ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho hay, ở Việt Nam, mô hình TOD có thể là mới, nhưng chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm ở các quốc gia phát triển như Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Anh… Bản chất mô hình TOD được hiểu là lấy giao thông làm đích hướng, nhưng trong 30 năm qua, giao thông của nước ta lại bị định hướng.

Tại Hà Nội, khi mở rộng một con đường, mở một tuyến đường sắt đô thị luôn phải “len lỏi” trong các khu đô thị đã được hình thành, tốn rất nhiều nguồn lực để mở một con đường, chi phí giải phóng mặt bằng vô cùng lớn, Nhà nước không thu lại được lợi ích khi mở đường mà chỉ đạt được mục đích đó là “có con đường”. Các hộ dân đang ở trong ngõ ngách được chuyển ra mặt đường thì họ được hưởng lợi ích từ việc mở đường.

hieu20231109181346.png
Ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội.

Do vậy, ông Lê Trung Hiếu cho hay, đưa nội dung TOD và Luật Thủ đô là rất cần thiết, đặc biệt dành cho đường sắt đô thị. Đây được đánh giá là một nguồn lực rất quan trọng để nhà nước có thể thu hồi giá trị thặng dư từ đất và dùng chính nguồn này để đầu tư các công trình giao thông khối lượng lớn.

Ông Lê Trung Hiếu cũng nhìn nhận, quy định về sử dụng không gian ngầm được đưa vào khá rõ trong dự thảo Luật Thủ đô (Điều 21). Sau này không chỉ có đường sắt đô thị là đi ngầm mà các công trình giao thông trong nội đô cũng có thể đi ngầm, như thế sẽ tiếp tục gia tăng giá trị thặng dư về sử dụng đất. Đặc biệt, sẽ giúp bảo vệ cảnh quan, nhất là trong 4 quận nội đô lịch sử. Như vậy là đạt được rất nhiều mục tiêu kép, vừa thu được nguồn lực, vừa đảm bảo công bằng xã hội, vừa tạo ra giá trị thặng dư, vừa bảo vệ cảnh quan.

Cần lưu ý tới quy hoạch

Cùng góp ý vào dự án Luật, TS Lê Đình Vinh, Giám đốc công ty Luật Vietthink nhấn mạnh, quy hoạch là linh hồn của một đô thị. Quy hoạch tốt không chỉ giúp đô thị đó văn minh, hiện đại, trật tự mà còn mở ra không gian phát triển, tạo tiền đề thu hút nguồn lực phát triển. Nếu quy hoạch không tốt sẽ khó tạo ra giá trị thặng dư, kìm hãm sự phát triển trong tương lai.

ong-le-dinh-vinh20231109181412.jpg
TS Lê Đình Vinh, Giám đốc công ty Luật Vietthink.

Theo TS Lê Đình Vinh, câu chuyện đường sắt đô thị của Hà Nội vừa qua là câu chuyện của vấn đề quy hoạch. Chúng ta đã làm hai tuyến đường sắt đô thị nhưng không gắn chặt với quy hoạch, chỉnh trang, tái thiết đô thị mà chỉ mới giải quyết nhu cầu trước mắt là vấn đề đi lại nên chưa đạt hiệu quả.

Vì vậy, trong việc phát triển TOD tới đây, cần lưu ý tới quy hoạch. Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này hoàn toàn có thể đưa ra các tiêu chí có liên quan đến công tác quy hoạch về dự án TOD như: Phải có sự quy hoạch đồng bộ của các dự án thành phần; quy hoạch đồng bộ các không gian liên quan; bố trí được nguồn lực để triển khai đồng bộ các dự án thành phần; lựa chọn được nhà đầu tư để triển khai đồng bộ các dự án thành phần trong dự án TOD; các nhà đầu tư cam kết triển khai đồng bộ các dự án này...

Còn theo TS Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam, khi áp dụng mô hình TOD, ngoài những lợi ích như ông Lê Trung Hiếu đã nêu, nếu triển khai tốt cơ chế TOD gắn với tái thiết đô thị sẽ mang lại lợi ích rất lớn, đặc biệt là khu đô thị có không gian nén rất lớn nhưng lại không có cơ sở hạ tầng để hỗ trợ.

le-duy-binh20231109181348.jpg
TS Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam.

Về mặt kinh tế, khi sử dụng đúng cơ chế TOD và khai thác được các nguồn lực, chúng ta sẽ bớt nguồn lực vay vốn từ ngân sách, nguồn vốn ODA, tổ chức tín dụng tài chính quốc tế. Khi đó, nguồn lực từ ngân sách nhà nước có thể tạo ra một dư địa mới để phát triển Thủ đô như về lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục, văn hóa… Khi tự chủ được về tài chính, chắc chắn chúng ta sẽ tự chủ được về công nghệ. Đây cũng là cơ hội để chúng ta xây dựng được ngành công nghiệp hỗ trợ cho đường sắt đô thị…

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012), sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng phát triển giao thông đô thị theo định hướng TOD