Ký ủy quyền nhà đất: “Bút sa”, nhà bị mất

Văn Vũ| 07/11/2015 06:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ vì thiếu hiểu biết, không hiếm chủ nhà đã đặt bút ký ủy quyền cho người khác về nhà đất của mình. Hậu quả là họ bị mất nhà một cách tức tưởi…

Trong đơn gửi Báo Công lý, ông Huỳnh Hưng thường trú tại số 79 Hà Tôn Quyền, phường 15, quận 5, TP. Hồ Chí Minh trình bày rằng, vợ chồng ông là chủ sở hữu căn nhà số 182L đường Lê Thị Bạch Cát, phường 11, quận 11, TP. Hồ Chí Minh. Năm 2012, anh của ông là Huỳnh Huệ Thanh có nhu cầu vay vốn ngân hàng làm ăn nhưng không có tài sản thế chấp. Ông Thanh có nhờ vợ chồng ông Hưng cho mượn nhà thế chấp để vay tiền. Do căn nhà chưa có giấy tờ chủ quyền nên ông Thanh đã nhờ luật sư Ngô Đức Trí, Văn phòng Luật sư Lâm Kim Hùng đến để làm hợp thức hóa chủ quyền nhà.

Sau khi hợp thức hóa nhà xong, ông Thanh đề nghị vợ chồng ông Hưng, bà Ngang ra công chứng ủy quyền nhà đất cho ông để vay tiền. Thương anh, vợ chồng ông đồng ý ký ủy quyền cho ông Thanh được thế chấp nhà vay tiền. Khi ký ủy quyền, ông Thanh và công chứng viên giải thích rằng, vợ chồng ông phải ký Hợp đồng ủy quyền theo mẫu là “Bên B được toàn quyền đại diện bên A cho thuê, vay, thế chấp, chuyển nhượng (bán), tặng cho… đối với toàn bộ quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở tọa lạc tại địa chỉ 182L đường Lê Thị Bạch Cát, phường 11, quận 11, TP. Hồ Chí Minh” thì mới vay ngân hàng được. Trường hợp nếu bán nhà thì vợ chồng ông Hưng, bà Ngang phải có mặt cùng ký tên mới bán được nhà. Do thiếu hiểu biết, vợ chồng ông Hưng, bà Ngang đã đồng ý ký hợp đồng ủy quyền theo đúng nội dung trên.

Một thời gian sau, vợ chồng ông Hưng, bà Ngang nhận được giấy triệu tập của Tòa án thông báo là bị đơn trong một vụ kiện tranh chấp hợp đồng mua bán nhà do ông Đỗ Hy khởi kiện. Lúc này, vợ chồng ông Hưng, bà Ngang mới “tá hỏa” là căn nhà của mình đã được bán và sang tên cho người khác.

Ký ủy quyền nhà đất: “Bút sa”, nhà bị mất

Căn nhà số 182L đường Lê Thị Bạch Cát

Sau khi nhận ủy quyền, ông Huỳnh Huệ Thanh đã tự động ký hợp đồng chuyển nhượng căn nhà trên cho ông Đỗ Hy với giá 4 tỷ đồng. Ông Hưng cho biết, các bên mua bán nhà của ông mà không “đả động” gì đến vợ chồng ông, chưa kể giá bán cũng có vấn đề. Căn nhà của vợ chồng ông theo giá thị trường khoảng 6 tỷ đồng, thậm chí, giá của Nhà nước định giá cũng xấp xỉ 5 tỷ đồng nhưng ông Thanh lại bán có 4 tỷ đồng và cũng không giao một đồng tiền bán nhà cho chúng tôi.

Theo ông Hưng trình bày, toàn bộ thủ tục pháp lý liên quan đến ủy quyền và mua bán nhà trên đều do luật sư Ngô Đức Trí “đạo diễn”. Vợ chồng ông đang có nguy cơ mất trắng căn nhà chỉ vì tin tưởng ký ủy quyền cho người anh. Ông Hưng cũng cho biết, trước nguy cơ mất nhà, vợ chồng ông có đơn kêu cứu gửi các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.

Tương tự, trong đơn gửi Báo Công lý, bà Đặng Thị Hằng My thường trú ở thôn 1, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định phản ánh rằng: Ngày 10/6/2014, bà có nhận chuyển nhượng ngôi nhà số 32 Đặng Trần Côn, phường Thị Nại, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định của bà Huỳnh Thị Thu Hiền với giá 1 tỷ đồng. Do quan hệ là dì cháu nên số tiền thanh toán, trả dần trong vòng 5 năm. Theo đó, các bên tiến hành các thủ tục pháp lý “sang tên đổi chủ” nhưng bà Hiền vẫn giữ giấy tờ và quản lý, sử dụng căn nhà.

Ngày 22/12/2014, vợ chồng bà My bị ép ủy quyền cho bà Bùi Thị Thanh Hòa (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định - PV) để “liên hệ các cơ quan chức năng có thẩm quyền lập các thủ tục liên quan đến việc chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở đối với căn nhà 32 Đặng Trần Côn, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định”.

Lập tức, ngày hôm sau, bà Hòa đã ký hợp đồng chuyển nhượng căn nhà trên cho bà Lê Thị Thảo với giá 200 triệu đồng, trong khi đó, giá thị trường của căn nhà này hơn 1 tỷ đồng. Sau khi mua nhà, bà Thảo đã nhanh chóng “sang tên đổi chủ” và quản lý sử dụng căn nhà này.

Những trường hợp nêu trên là những câu chuyện không hiếm trên thực tế hiện nay. Thiết nghĩ, trước khi đặt bút ký ủy quyền về tài sản của mình, chủ nhà cần phải lường trước hậu quả pháp lý đối với chữ ký của mình tránh trường hợp đáng tiếc “bút sa”, nhà bị mất. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ủy quyền nhà đất: “Bút sa”, nhà bị mất