Có lẽ, với mỗi một người con khi xa quê thì Tết đến xuân về đều có chung cảm xúc bồi hồi, hân hoan. Còn đối với tôi, Tết là khoảng lặng để nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu trong đó có tiếng trống đêm giao thừa của ông nội…
Một góc thượng nguồn hồ Thác Bà, Yên Bái quê tôi.
Tôi thấy mình may mắn khi được sinh ra và lớn lên ở vùng núi Tây Bắc, ở đó có khí hậu trong lành, con người hiền hòa thân thiện và đặc biệt là những người thân yêu luôn dang rộng vòng tay chào đón tôi – một đứa con gái đang mải miết với những đam mê của mình ở nơi phồn hoa đô hội.
Đi học và đi làm xa nhà tính đến nay cũng đã được hơn 10 năm. Khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng không phải ngắn, đủ để tôi trưởng thành, mạnh mẽ hơn giữa dòng đời ngược xuôi hối hả. Có lẽ, với những người con xa quê hương thì Tết chính là ngày để trở về. Trở về bên mâm cơm gia đình, cùng trò chuyện và cùng tâm sự với nhau mọi điều của cuộc sống. Còn đối với tôi, Tết lại là một khoảng lặng để tôi nhớ về ký ức ngày bé thơ.
Miền ký ức
Tôi chia sẻ một kỷ niệm nho nhỏ ngày tôi là cô sinh viên năm nhất của trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Khi đó, mọi thứ đối với tôi đều lạ lẫm. Lần đầu tiên tôi được làm quen với các bạn học ở nhiều miền quê và vùng miền đến như vậy. Nhưng, đến dịp Tết là lúc để mọi người có thể chia sẻ cùng nhau những phong tục tập quán nơi mình sinh sống.
Trong đám bạn chơi đó, duy có tôi ở miền núi, còn các bạn ở đồng bằng thì kể đón Tết vô cùng đơn giản, có cả pháo hoa ngày Tết… Khi nghe kể về Tết ở trên miền núi mà tôi đã từng trải qua ai nấy đều mắt chữ A, mồm chữ O vì… lạ.
Khi ấy, tôi có kể với các bạn rằng cảm xúc Tết trong tôi là những ngày còn nhỏ khoảng 7, 8 tuổi cùng những người anh chị em con chú con bác được xuống nhà ông nội để đánh trống, thi nhau đánh trống càng to càng thích. Đó cũng chính là thú vui ngày Tết của những đứa trẻ con như tôi.
Tại sao lại là tiếng trống chứ không phải pháo hoa hay một dụng cụ nào khác?
Tôi giải thích rằng, sở dĩ, dùng trống là bởi ngày nhỏ, trên vùng Tây Bắc quê tôi hoang vu lắm. Thời đó, điện thắp sáng lúc có lúc không, ti vi hay loa phát thanh cũng đều không có. Và mọi người đã nghĩ ra cách là dùng tiếng trống để báo hiệu, như nhà có chuyện buồn cũng đánh trống báo và tiếng trống cũng được ông nội tôi sử dụng để báo hiệu một năm mới sang.
Ngày đó, cứ vào đêm giao thừa, khoảnh khắc đêm giao thừa điểm là ông nội lại đánh rất nhiều tiếng trống để báo cho các con, các cháu một năm mới đã đến rồi, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Còn những đứa trẻ như tôi háo hức đến sáng mùng 1 Tết lắm, chỉ chờ có người xông đất nhà ông nội để chạy xuống đánh trống. Nhưng, không phải ai cũng được ông nội cho đánh trống mà phải là bé ngoan, học giỏi. Có âm thanh trống làm cho không khí xuân ở miền núi thêm rộn ràng hơn. Mỗi lần đánh trống “tùng – cắc – tùng” xong, ông đều gọi chúng tôi lại, lì xì, phát bánh kẹo.
Tuy chỉ giản dị vậy thôi, nhưng tiếng trống chuyển canh đêm giao thừa đã theo tôi suốt cả năm tháng ấu thơ, cứ nghe thấy tiếng trống đêm giao thừa của nội là biết năm mới đã đến.
Chỉ còn những mùa nhớ…
Tiếng trống chuyển giao năm mới của nội đã không còn nữa kể từ ngày nội rời xa con cháu đi về một nơi xa. Tôi nhớ và thương nội thật nhiều, nhớ cả tiếng trống giao thừa của nội. Thế nhưng, giờ đây những kỷ niệm đó chỉ là trong ký ức, trong trí nhớ của tôi.
Đời sống thay đổi, bà con vùng Tây Bắc như ở quê tôi không còn quá vất vả, thiếu thốn. Mọi thứ đã dần được hiện đại hóa, ti vi, loa phát thanh, điện thoại thông minh đã thay thế dần cho thú giải trí thời ấu thơ đó.
Ngày Tết đến, bà con ở bản vẫn hò nhau cùng ăn đụng thịt lợn, cùng lên rừng hái lá dong để gói bánh chưng, hay cùng thức trông nồi bánh chưng… Nhưng có một điều đặc biệt hơn trong đêm giao thừa đó là cả bản tập trung hát hò, đốt lửa trại và cùng múa xòe, nhảy sạp… Duy chỉ có tiếng trống thì không còn xuất hiện nữa.
Mỗi năm, cứ mỗi dịp Tết đến, tôi lại ra mộ ông thắp hương và mời ông về ăn Tết cùng mọi người. Còn chiếc trống mà ông thường dùng báo hiệu xuân về đã được cả gia đình cất giữ cẩn thận như một kỷ niệm thiêng liêng, ý nghĩa của ông.
Chúng tôi cũng đã khôn lớn nhưng chưa bao giờ tôi quên đi nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Giống như câu hát truyền miệng mà bất cứ ai ở quê tôi khi xa nhà đều thuộc: “Tôi đi trong rừng, tôi ngủ trong rừng, xa bản làng xa thị trấn. Rừng ôm tôi, ôm tôi vào lòng, rừng cho tôi, cho tôi cuộc sống. Hạnh phúc như muôn người, hạnh phúc soi sáng cho muôn đời”.
Tuy không được ôm rừng vào lòng như lời bài hát, lại phải sống xa quê, nhưng tôi luôn đau đáu nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn và luôn nhớ về “rừng”, và về những phong tục tập quán được truyền từ đời này sang đời khác.