Mỗi năm, cứ đến dịp 30/4, ông Nguyễn Hồng Khai lại lặng lẽ mang hương ra thắp bên tượng đài của 19 người anh hùng trong Trung đội Mai Quốc Ca. Trong khói hương mờ ảo, ký ức thời binh lửa của ông lại hiện về như những thước phim quay chậm...
Những ngày “bão lửa”
Ông Khai SN 1932, trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở thôn An Khê, xã Hải Thương, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã sớm phải chứng kiến những mất mát, đau thương mà người dân quê mình phải gánh chịu bởi chiến tranh. Cũng từ đó, ông bắt đầu thắp cho mình ước mơ sau này lớn lên sẽ làm bộ đội cầm súng chống giặc để giải phóng quê hương. 18 tuổi, ông Khai nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại hầu khắp các chiến trường từ miền Trung đến Tây Nguyên.
Cũng như bao người lính, trong ký ức của ông Khai không bao giờ quên 81 ngày đêm chiến đấu anh dũng kiên cường và bất khuất của hàng ngàn con người mới tuổi mười tám, đôi mươi ở chiến trường Quảng Trị và bên dòng sông Thạch Hãn để giữ từng tấc đất của Tổ quốc. Đã hơn bốn thập kỷ trôi qua, nhưng hình ảnh của thời “bão lửa” đó vẫn in đậm trong tâm trí ông.
Ông Khai kể, khoảng 11 giờ 30 phút ngày 30/3/1972, trận bão lửa - thép với hàng vạn quả đạn pháo của quân ta cấp tập trút xuống các căn cứ quân sự của đối phương tại Động Toàn, khởi đầu cho chiến dịch Trị - Thiên năm 1972, một chiến dịch kéo dài và ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam. Thắng lợi của nó đã mở thông khu giới tuyến, cánh cửa ngăn cách giữa hai miền Nam - Bắc, tạo ra cục diện mới hết sức thuận lợi cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
“Chỉ trong vòng hơn ba mươi ngày, bộ đội ta đã vượt qua sông Bến Hải, phá tan hệ thống phòng thủ chiến lược Mắc - Na - ma - ra, đánh chiếm các căn cứ Tân Lâm, Đầu Mầu, Động Toàn, Quán Ngang, điểm cao 241, 544, v.v... làm chủ đường số 9, tiêu diệt căn cứ Cồn Tiên, đánh tan Dốc Miếu trên đường 1, giải phóng Đông Hà - Ái Tử, khiến địch phải rút khỏi Thị xã Quảng Trị (ngày 1/5/1972) về cố thủ ở phía Nam sông Mỹ Chánh (Thừa Thiên Huế). Toàn tỉnh Quảng Trị được giải phóng vào ngày 2/5/1972”, ông Khai nhớ lại.
Không chịu nổi thất bại vì mất Quảng Trị, mất một hệ thống phòng thủ vào bậc nhất mà đối phương thường cho rằng là "bất khả chiến bại" và áp lực trên bàn đàm phán ở Hội nghị Pa-ri, đối phương tập trung cao độ binh lực, hỏa lực hòng "tái chiếm" những vùng đã mất, mục đích đầu tiên là trở lại sông Thạch Hãn với thị xã Quảng Trị. Cuộc chiến nảy lửa giành giật nhau từng tấc đất đã xảy ra trong suốt thời gian sau đó, kéo dài cho đến khi Hiệp định Pa-ri được ký kết vào đầu năm 1973.
Ông Nguyễn Hồng Khai
Những ngày đặc biệt ác liệt diễn ra từ ngày 28/6 đến ngày 16/9/1972. Đây là một trong số những trận đánh được coi là khốc liệt nhất trong cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, nó diễn ra trên khắp chiều ngang vốn rất chật hẹp của tỉnh Quảng Trị - cả ở phía Đông và Nam sông Thạch Hãn: Từ cánh Đông - duyên hải đến cánh Tây - rừng núi, tập trung cao độ ở khu vực tuyến giữa, chủ yếu là thị xã Quảng Trị.
Trên một phòng tuyến dài tới 50km, biết bao gương chiến đấu kiên cường. Có những Tiểu đội, khẩu đội, Trung đội, Đại đội một ngày đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của địch. Có đại đội cao xạ chiến đấu đến cùng để bảo toàn lực lượng, có Tiểu đoàn tên lửa một ngày bắn rơi một B52 và hai F4, có đồng chí bắn tỉa diệt hàng trăm tên địch, có đồng chí trong một trận đánh bắn tới 14 quả đạn B40, diệt 32 tên địch, có đồng chí bị thương hai, ba lần mà kiên quyết không rời trận địa...
Đấu tranh giành lại thi thể đồng đội
Tham gia nhiều chiến trường, nhiều trận đánh, những có lẽ ký ức về chiến tranh sâu đậm nhất trong ông Khai là hình ảnh những người lính mới tuổi mười tám đôi mươi trong Trung đội Mai Quốc Ca vượt dòng sông Thạch Hãn dưới làn mưa bom bão đạn để mang bộc phá, thọc sâu chiếm giữ và đánh sập cầu Quảng Trị, nhằm cắt đường viện trợ của quân địch.
Ông Khai kể: Đêm mồng 9 rạng sáng ngày 10/4/1972, Trung đội quân giải phóng mang tên trung đội trưởng Mai Quốc Ca gồm 20 chiến sỹ thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 do Đại đội phó Nguyễn Văn Thỏa chỉ huy. Các anh đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau nhưng cùng chung một nhiệm vụ là mang 100kg bộc phá, thọc sâu chiếm giữ và đánh sập cầu Quảng Trị, nhằm cắt đường viện trợ của địch từ phía Nam ra các căn cứ quân sự ở Ái Tử, Đông Hà; tạo điều kiện để các cánh quân của ta tiêu diệt lực lượng mạnh nhất của địch ở chiến trường Quảng Trị. Sợ mục tiêu không được bị lộ cả trung đoàn hành quân lặng lẽ trong đêm.
Rạng sáng ngày 10/4/1972, tiểu đội đầu tiên của Trung đội Mai Quốc Ca xuất kích thì vướng mìn Cờ-lây-mo của địch. Địch hốt hoảng khẩn cấp điều động một lực lượng lớn với ba tiểu đoàn lính tinh nhuệ có máy bay, xe tăng và pháo binh yểm trợ tạo thành một gọng kìm lớn bao vây Trung đội Mai Quốc Ca. Cả trung đội lọt thỏm giữa vòng vậy của địch. Với tinh thần “1 thắng 100", 20 chiến sĩ quân giải phóng đã chiến đấu vô cùng anh dũng, kiên quyết bám trụ, đẩy lùi những đợt tiến công điên cuồng của địch từ nhiều phía. Hết đợt này đến đợt khác, các chiến sĩ của Trung đội Mai Quốc Ca đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng quyết không chịu khuất phục. Quần nhau với giặc suốt từ rạng sáng cho đến quá trưa thì cả 19 anh em trong trung đội hi sinh, còn lại một người bị thương nặng và bị địch bắt.
“Khi tiếng súng ngừng hẳn, địch xếp thi thể các anh nằm thành hàng ngang, phơi nắng để thị uy tinh thần những người dân hướng về cách mạng. Đồng thời, chúng vẫn khép chặt vòng vây không cho bất cứ người dân nào đến mang xác các anh về mai táng. Trước cảnh tượng nhẫn tâm đó, chúng tôi cùng nhiều nông dân ở thôn Nhan Biều, thôn An Đông đấu tranh để giành lại thi thể các anh”, ông Khai nhớ lại.
Tượng đài ghi công 19 liệt sỹ Trung đội Mai Quốc Ca
Cuộc đấu tranh kéo dài suốt một ngày đêm nhưng vẫn không mang lại kết quả. Một phương án hành động táo bạo được vạch ra. Từ mờ sáng ngày 11/4/1972, đông đảo bà con tập trung ngay đầu cầu Quảng Trị, hô vang khẩu hiệu đòi được chôn cất thi thể các anh và tiến thẳng vào nơi thi thể các chiến sỹ. Cuộc giằng co giữa nhân dân và lính ngụy diễn ra hơn năm giờ đồng hồ. Quân địch nổ súng, xô đẩy, dùng báng súng đánh đập nhưng càng đánh đập, bà con kéo tới càng đông. Cuối cùng bà con cũng đưa được thi thể 19 chiến sỹ về mai táng tại mép sông ở bến Nhan Biều, phía Bắc sông Thạch Hãn, nơi dựng tượng đài bây giờ.
Chiến công còn vọng mãi
Người chiến binh còn lại của Trung đội anh hùng Mai Quốc Ca tên là Vũ Quang Thành (SN 1953), trú tại thôn Đồng Minh, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Anh Thành nhập ngũ vào Đại đội 10, Tiểu đoàn 634 thuộc tỉnh đội Thanh Hóa. Sau một thời gian huấn luyện, được điều động vào tăng cường cho Sư đoàn chủ lực 304 đóng quân ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngày 14/9/1971, anh được biên chế vào Trung đội 2, Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.
“Sau khi bị địch bắt, anh Thành được đưa đi chữa trị tại Quân y viện Nguyễn Tri Phương - Huế. Sau đó được đưa vào bệnh viện Duy Tân, Đà Nẵng, để tiếp tục chữa trị trong suốt thời gian 2 tháng. Khi sức khỏe anh bắt đầu bình phục, địch đã chuyển anh từ trại giam Non Nước (Đà Nẵng) vào nhà lao Bạch Đằng để tra xét. Cho đến ngày 10/3/1973, sau Hiệp định Paris được ký kết, anh được trả tự do. Sau năm 1974 anh trở về quê hương và lập gia đình”, ông Khai chia sẻ.
Cùng những hy sinh của Trung đội Mai Quốc Ca, sông Thạch Hãn còn là nghĩa trang không bia mộ của bao chiến sĩ Thành cổ kiêu hùng. Bởi, chiều ngày 16/9/1972, lực lượng của ta được lệnh rút quân ra khỏi thị xã Quảng Trị, một bộ phận thương binh vẫn bị kẹt không thể di chuyển kịp thời dưới các hầm của trạm phẫu thuật. Sau khi chiếm lại được thị xã Quảng trị. Mỹ - Nguỵ đã cho san bằng tất cả khu vực này và chôn vùi trong lòng đất hàng trăm thi thể của các chiến sỹ của quân giải phóng.
Ông Khai Kể: “Thời bấy giờ, trong vùng hạn hẹp, mỗi chiều chỉ từ một đến hai km, địa hình tương đối bằng phẳng đã phải chịu hỏa lực tối đa của không quân và hải quân Mỹ, với kỹ thuật hiện đại. Được sự tiếp sức, chia lửa của quân dân cả nước, các chiến sĩ của nhiều trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh, binh chủng kỹ thuật thuộc nhiều binh đoàn chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương đã chiến đấu dưới sức ép của hàng chục vạn tấn bom đạn, trong điều kiện thiếu thốn trăm bề; bằng tính kỷ luật tuyệt vời, lòng dũng cảm, ý chí ngoan cường và hy sinh vô bờ bến, các chiến sĩ của ta anh dũng chiến đấu, giữ vững trận địa trong thế ba bề bị cô lập trong suốt 81 ngày đêm”.
Dù lịch sử đã lùi xa, nhưng câu chuyện về những người lính như ông Khai, những người lính dũng cảm hiến dâng tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc vẫn sống mãi trong lòng người dân cả nước. Và, 81 ngày đêm bi tráng, hào hùng, ác liệt đó mãi mãi ghi sâu vào tâm thức của mỗi người con nước Việt.