Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Đề thi mở, công tác chấm mở được đảm bảo

PV| 04/07/2016 21:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay (4/7), thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 hoàn thành môn thi cuối cùng. Đáp án sẽ được Bộ GD-ĐT gửi đến các trường và cụm thi ngay trong tối nay.

Tại buổi họp báo diễn ra chiều nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, kỳ thi THPT quốc gia đã kết thúc tốt đẹp. Sau khi nhận được đáp án, các trường và cụm thi sẽ khẩn trương tiến hành công tác chấm thi.

Ít sai sót xảy ra

Buổi họp báo do Thứ trưởng Bùi Văn Ga chủ trì. Tham dự Chánh văn phòng Hoàng Ngọc Phương, người phát ngôn của Bộ GD&ĐT, Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Mai Văn Trinh cùng đại diện nhiều cơ quan…

Đánh giá tổng quan về kỳ thi THPT quốc gia năm nay, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, do có sự  phối kết hợp chặt chẽ giữa Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT, các trường và địa phương nên công tác thi được chuẩn bị chu đáo.

Năm nay, Bộ đã ban hành quy chế từ sớm, tập hợp phần mềm, tập huấn kỹ nên ít sai sót xảy ra. Chỉ có một số sai sót về CMTND và liên quan môn thi. Đặc biệt, không có sai sót nhiều về điểm ưu tiên.

“Tâm lý chúng ta vẫn còn nghi ngại về tính công bằng của năm đầu tiên, nhưng kỳ thi năm nay đã tạo được niềm tin. Những lo lắng về sự an toàn, nghiêm túc sẽ được xóa bỏ. Chúng ta có đủ điều kiện về cơ sở lý luận thực tiễn để tiếp tục thực hiện kỳ thi trong năm tiếp theo”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.

Do đó, Thứ trưởng cho rằng, kỳ thi năm nay được coi là "phép thử quan trọng" để tiếp tục thực hiện đổi mới kỳ thi THPT quốc gia trong những năm tiếp theo.

Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Đề thi mở, công tác chấm mở được đảm bảo

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại họp báo chiều 4/7

Ngày 20/7, chấm thi xong bài của thí sinh

Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo chuẩn bị đội ngũ chấm thi, yêu cầu đảm bảo kế hoạch chấm thi hết sức khắt khe. Công tác chấm thi yêu cầu đảm bảo khách quan, nghiêm túc. Bộ yêu cầu, đến ngày 20/7, tất cả các cụm thi phải chấm xong bài của thí sinh.

Để tránh hiện tượng quá tải xảy ra như kỳ thi năm 2015, Bộ GD-ĐT sẽ công bố kết quả chấm thi tại tất cả các cụm thi, đảm bảo đường truyền ưu tiên thực hiện thông suốt. Theo đó, Bộ chỉ đạo, sau khi chấm thi xong, các trường, địa phương, trường đại học chủ trì chấm thi gửi kết quả đến Bộ.

Cán bộ chấm thi phải được tập huấn về công tác làm tròn điểm đến hai chữ số, chấm hai vòng độc lập giữa giám thị 1 và giám thị 2. Công tác chấm thi phải được thực hiện tốt, tạo sự công bằng và niềm tin cho xã hội.

Đề thi đảm bảo không đánh đố, có tính phân hóa thí sinh cao

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, công tác ra đề thi được Bộ GD-ĐT thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt từ khâu tuyển chọn người ra đề, soạn thảo, in sao đề thi, vận chuyển và bảo quản đề thi.

Các cán bộ soạn thảo đề thi là giảng viên trường ĐH, CĐ, nghiên cứu viên các Viện Nghiên cứu, giáo viên trường phổ thông. Tất cả nắm vững chương trình THPT, am hiểu về công tác xây dựng ma trận đề thi, có năng lực biên soạn, biên tập câu hỏi thi.

Đề thi đạt được yêu cầu của kỳ thi, không đánh đố, nội dung thuộc chương trình phổ thông chủ yếu lớp 12, vừa sức thí sinh, có tính phân hóa thí sinh cao, đặc biệt là nhóm các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Điều này có thể cải thiện được phổ điểm, giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh thuận lợi, nhất là các trường top trên.

Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, dư luận trong và ngoài ngành giáo dục, đề thi năm nay tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh, khi có nhiều nội dung liên hệ thực tiễn, đồng thời có tính phân hóa cao, đáp ứng được hai mục tiêu của kỳ thi vừa xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ.

Không lộ đề thi Ngữ văn, trích dẫn bài thơ Tiếng Việt chính xác

Cũng trong buổi họp báo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga một lần nữa khẳng định, không có chuyện lộ đề thi môn Ngữ văn. Bộ cũng đã có văn bản trả lời chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng.

“Thông tin thất thiệt về lộ đề thi, đề thi sai từng diễn ra từ những năm trước đây, gây nhiễu loạn tinh thần sĩ tử”, ông nói

Ngay sau khi có nguồn tin lan truyền về vấn đề này, Ban chỉ đạo thi đã có những phương án kịp thời, quyết liệt, nhằm ổn định tâm lý, đảm bảo chất lượng tốt cho việc thí sinh tiếp tục làm bài các môn tiếp theo.

Về câu thơ trích dẫn trong bài thơ Tiếng Việt của tác giả Lưu Quang Vũ đã gây ra những tranh luận trên mạng xã hội cũng như truyền thông, ông Mai Văn Trinh trả lời: “Nguồn ngữ liệu được sử dụng trong đề thi hoàn toàn chính xác, việc tranh luận trong văn học luôn là điều thú vị. Cuốn sách Bộ GD-ĐT đã sử dụng nguồn dữ liệu là Thơ Việt Nam 1945-1985. Đây là cuốn sách gốc, dễ dàng tìm thấy ở tất cả các thư viện trên địa bàn Hà Nội”.

Công tác chấm mở được bảo đảm

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, đề thi trong những năm vừa qua có những bước cải tiến mạnh. Hiện nay, không có thí sinh hoang mang, bất ngờ trước cách ra đề của Bộ GD-ĐT. Học sinh chỉ cần học, ôn luyện các kiến thức trong SGK.

Việc ra đề thi những năm tiếp theo sẽ hướng theo tinh thần phát huy năng lực của thí sinh. Tuy nhiên, “Nếu đổi mới quá nhanh sẽ ảnh hưởng chất lượng làm bài do các em không kịp thích ứng. Mọi thay đổi sẽ được Bộ GD&ĐT cân nhắc kỹ lưỡng”, ông Ga khẳng định.

Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Đề thi mở, công tác chấm mở được đảm bảo

Ông Mai Văn Trinh (bên trái) tại buổi họp báo.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết đã tập huấn chuẩn bị cán bộ giáo viên chấm thi tốt. Năm nay, công tác chấm mở được bảo đảm. Việc ra đề mở cho thí sinh đòi hỏi cán bộ phải chấm theo dạng mở, đảm bảo tính công bằng cho thí sinh.

Học sinh sáng tạo, không sai mục tiêu câu hỏi, không vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục, đều được chấm điểm. Trong quy chế không nói đến việc thưởng hay trừ điểm cho tính sáng tạo của thí sinh. "Đối với một số trường hợp làm bài đặc biệt, chúng tôi sẽ xem xét", ông Trinh nói.

Liên quan đến phương án giảm thiểu rủi ro trong quá trình xét tuyển sau khi có điểm thi, ông Mai Văn Trinh cho biết, việc giảm thời gian đăng ký xét tuyển trong đợt 1 xuống 10 ngày là sự điều chỉnh có cơ sở thực tiễn.

Theo ông, các thí sinh không phải quá hồi hộp trong thời gian chờ đợi xét tuyển, các em nên căn cứ kết quả tuyển sinh các năm trước để cân nhắc nộp hồ sơ. "Bộ đã chuẩn bị và chạy thử phần mềm để phục vụ cho việc đăng ký xét tuyển được đơn giản và nhanh nhất", ông Trinh khẳng định.

Về công tác tổ chức, Bộ GD-ĐT thành lập 14 đoàn thanh, kiểm tra, nhất là khâu coi thi. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các Thứ trưởng đã kiểm tra tại các địa phương, nhất là vùng khó khăn để kịp thời động viên, chỉ đạo.

Năm nay, thí sinh thi tại 63 tỉnh, thành phố nên giảm thiểu ách tắc giao thông. Nhiều địa phương cung cấp suất ăn miễn phí cho sĩ tử.

Năm 2016 là năm toàn quốc có nhiều hội đồng thi THPT quốc gia nhất, tất cả các tỉnh thành đều có cụm thi. Trong đó, Hội đồng thi đại học là 70, hội đồng thi tốt nghiệp 50.

Kỳ thi năm nay có 1.482 điểm thi trên toàn quốc và có tất cả 31.668 phòng thi. Sau 4 ngày thi, các cụm thi đã đình chỉ hàng trăm thí sinh vi phạm quy chế thi.

Có 81.153 giám thị được huy động tham gia kỳ thi. Đặc biệt, tỷ lệ thí sinh dự thi cao, trên 99%. Số học sinh bỏ thi chủ yếu là thí sinh tự do.

Theo dữ liệu được chuyển về từ các hội đồng thi, tổng số thí sinh tự thi THPT quốc gia năm 2016 là 887.396 (giảm 118.258 thí sinh so với năm 2015).

Số thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT là 286.129, đạt 32% (năm 2015 là 28%).

Số thí sinh thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ là 519.497 em (59%), tương đương năm ngoái.

Số thí sinh thi chỉ để xét tuyển sinh ĐH, CĐ là 81.770, đạt 9% (năm 2015 là 13%).

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Đề thi mở, công tác chấm mở được đảm bảo