Đời sống

Kỷ niệm 60 năm di tích lịch sử bãi biển Lộ Diêu

Đức Hồ 30/10/2024 - 17:53

Ngày 30/10, tại thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm di tích lịch sử Bãi biển Lộ Diêu - nơi cập bến tàu không số chi viện vũ khí vào khu V (01/11/1964 - 01/11/2024).

Vào 4 giờ sáng ngày 01/11/1964, tàu không số (số hiệu 401) do ông Phạm Vạn làm thuyền trưởng mang 30 tấn vũ khí và 6 tấn chất nổ cập bến Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn.

Đến 8 giờ sáng hôm sau, bộ đội địa phương, dân quân du kích và người dân Lộ Diêu đã chôn giấu xong số vũ khí tàu 401 mang vào bến Lộ Diêu. Sau đó, tàu 401 bị mắc cạn và hư hỏng nặng không thể khắc phục được, chỉ huy tàu đã quyết định đặt kíp nổ đốt hủy tàu để xóa dấu vết, đồng thời cho loan tin tàu cá của dân bị sóng đánh dạt vào bờ bốc cháy. Thuyền trưởng Phạm Vạn và báo vụ ở lại trên tàu đã hy sinh cùng tàu.

6e83fdc0-60c7-496f-bc99-fb2d8db60241.jpeg
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí Thư Tỉnh ủy Bình Định tặng quà ông Lê Nốt, cán bộ trên tàu 401.

Tàu không số cập bến Lộ Diêu là con tàu đầu tiên mở bến khu V, là con tàu duy nhất cập bến vùng biển Bình Định. Với sự thông minh, mưu trí của cán bộ chiến sĩ, tàu không số đã vượt qua bão tố, phối hợp chặt chẽ với lực lượng cán bộ, chiến sĩ và người dân địa phương, nhất là 2 thôn Lộ Diêu, Phú Thứ, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa tàu cập bến an toàn, góp phần vào những chiến công vang dội trên khắp chiến trường. Di tích Bãi biển Lộ Diêu, nơi cập bến tàu không số là di tích cấp tỉnh được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng năm 2005.

Trong 2 năm 2018 - 2019, Quân chủng Hải Quân phối hợp với tỉnh Bình Định thực hiện điều chỉnh, mở rộng quy hoạch di tích “Bến tàu không số Lộ Diêu” từ hơn 6.800m2 lên 15.000m2, tương xứng với tầm vóc là một khu di tích.

c68b4930-106f-42d7-9f4f-0f8d4234a499.jpeg
Di tích Bãi biển Lộ Diêu, nơi cập bến tàu không số.

Theo ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, di tích Bãi biển Lộ Diêu là nơi cập bến tàu không số chi viện vũ khí vào khu V trở thành một địa chỉ đỏ, có giá trị giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về truyền thống lịch sử đấu tranh của dân tộc.

Những chiến công hiển hách của những đoàn tàu không số năm xưa là bài học lịch sử vô cùng quý báu đối với tuổi trẻ, khơi dậy lòng tự hào, cổ vũ tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí tự lực, tự cường, nâng cao ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ, xung kích trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới; xứng đáng với những hy sinh lớn lao của các thế hệ cha anh năm xưa.

33cf267b-4c8d-4f52-87b2-e43c6c2c6eb5.jpeg
Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị UBND thị xã Hoài Nhơn, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của thị xã tiếp tục tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động và có những giải pháp cụ thể, thiết thực để xây dựng nơi đây trở thành địa điểm giáo dục truyền thống Cách mạng, điểm tham quan về nguồn hấp dẫn nhằm tôn tạo, phát huy giá trị của di tích.

633c93cc-eb81-41dc-bc7b-04fc490f980f.jpeg
Đại tá Phạm Minh Chiến, Chính ủy Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải Quân.

“Địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, đặc biệt là trên các nền tảng số, góp phần lan tỏa mạnh mẽ giá trị, ý nghĩa lịch sử của di tích tới tuổi trẻ và đồng bào, chiến sĩ cả nước”, ông Lâm Hải Giang nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 60 năm di tích lịch sử bãi biển Lộ Diêu