Văn hóa - Du lịch

Kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình  được UNESCO vinh danh

Hải Yến - Quốc Bình 18/06/2023 - 07:52

Tối 17/6, tại Quảng trường Ngọ Môn, TP.Huế, diễn ra chương trình nghệ thuật  “Di sản cố đô - Ký ức & trao truyền” nhằm tôn vinh các di sản nhân kỷ niệm 30 năm (1993 - 2023) Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm (2003 - 2023) Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới.

Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; ông Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam cùng đông đảo lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương; cùng đông đảo du khách và người dân.

m_20230617_30nam1.jpeg
Đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ trao tặng Cờ thi đua cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Chương trình Lễ kỷ niệm nhằm đánh giá toàn diện về những thành tựu và hành trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới ở tỉnh TT-Huế trong những thập niên qua hướng đến hành trình mới phát triển bền vững, đặc biệt tạo điều kiện giao lưu, hợp tác quốc tế trong phát huy giá trị di sản văn hóa của các quốc gia trên thế giới. 

Ngày 11/12/1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế chính thức được ghi vào Danh mục Di sản Thế giới của UNESCO. Đây là Di sản thứ 410 trong Danh mục và là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam được vinh danh. 10 năm sau, ngày 07/11/2003, Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam cũng được UNESCO ghi tên vào Danh mục các Kiệt tác văn hóa Phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, cũng là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của nước ta được công nhận.

m_20230617_30nam4.jpeg
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nhấn mạnh: "Kế thừa và tiếp nối những thành quả to lớn và rất đáng tự hào đó, chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của giá trị văn hóa, sức mạnh con người trong phát triển TT-Huế. Quán triệt Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị để hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, phát triển văn hóa và con người Huế nói riêng, đẩy mạnh sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Cố đô Huế. Bám sát nguyên tắc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa gìn giữ, bảo tồn và phát huy, phát triển; khai thác, phát huy để tạo ra những giá trị kinh tế của di sản văn hóa phải luôn đi đôi với bảo tồn, tôn tạo để phát triển bền vững".

m_20230617_30nam2.jpeg
Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu khai mạc chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, cách đây 30 năm, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO đã công nhận Quần thể di tích Cố đô Huế là Di sản văn hóa thế giới. 10 năm sau, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam tiếp tục được công nhận là Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Đây là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi nhận. Đến nay, Thừa Thiên Huế có 7 di sản được UNESCO vinh danh, trong đó có 5 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác. Chương trình kỷ niệm là dịp để nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, toàn diện về công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của vùng đất Cố đô Huế.

Chương trình kỷ niệm 2 di sản được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới là dịp để tỉnh TT-Huế giới thiệu, tôn vinh và nâng tầm giá trị di sản văn hóa thế giới tại Cố đô Huế; thêm cơ hội giới thiệu về vùng đất giàu giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, về con người Cố đô hiền hòa, thân thiện, thanh lịch và hiếu khách.

m_20230617_30nam3.jpeg
Bà Miki Nozawa, Quyền Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam UNESCO phát biểu tại buổi lễ

Bà Miki Nozawa, Quyền Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định UNESCO trân trọng và đánh giá cao mối quan hệ hợp tác bền chặt với tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua, công tác bảo tồn di tích Cố đô đã được phát huy với tinh thần quyết tâm cao và đạt được nhiều kết quả to lớn. "Sau 30 năm, chúng ta vui mừng chứng kiến sự chuyển mình của khu Di sản Thế giới này với những kết quả vô cùng tích cực sau nhiều dự án đầu tư và tái đầu tư cho công cuộc bảo tồn. Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành một trong những khu di tích được bảo tồn hiệu quả nhất cả về mặt cấu trúc cũng như  các phi vật thể khác. Cố đô Huế chính là một điển hình thành công tại Việt Nam và trong khu vực", Bà Miki Nozawa khẳng định. 

Có thể khẳng định rằng “Quần thể Di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình Huế là tài sản vô giá của quốc gia đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại.

Bảo tồn toàn vẹn di sản văn hóa Cố đô Huế là bảo tồn tài sản văn hóa của dân tộc, góp phần gìn giữ và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa nhân loại”. Đồng thời, chương trình kỷ niệm hướng đến việc tiếp tục thực thi nghiêm túc những cam kết với UNESCO trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để cụ thể hóa các biện pháp triển khai thực hiện, tăng cường hơn nữa hợp tác Việt Nam - UNESCO hướng tới mục tiêu gìn giữ và bảo tồn di sản cho thế hệ mai sau.

Tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã trao tặng danh hiệu Đơn vị xuất sắc Cờ thi đua của Chính phủ cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Một số hình ảnh tại buổi lễ:

le-ky-niem-30n4.jpg
le-ky-niem-30n3.jpg
le-ky-niem-30n.jpg
le-ky-niem-30n2.jpg
le-ky-niem-30n1.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình  được UNESCO vinh danh