Trong suốt chiều dài lịch sử, phương thức hòa giải để giải quyết các tranh chấp luôn tồn tại và là một trong những thiết chế truyền thống, phù hợp với tâm lý, tình cảm và truyền thống trọng tình, trọng đức, trọng văn của người Việt.
Việc triển khai thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án và xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là những bước đi đúng đắn của TANDTC nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử, giảm tải cho Tòa án.
Từ kết quả triển khai thí điểm tại TAND tỉnh Bắc Ninh và nhiều địa phương thấy rằng, để có kết quả thành công và đạt tỷ lệ hòa giải thành cao thì kỹ năng xử lý vụ việc, xử lý thông tin của Hòa giải viên là rất quan trọng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin nêu tổng quan về những kinh nghiệm rút ra từ thực tế đã triển khai.
Đặc thù hòa giải tiền tố tụng
Thông qua thực tiễn thực hiện thí điểm Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án, chúng tôi nhận thấy mô hình Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án có những điểm tiến bộ, ưu việt hơn so với việc hòa giải, đối thoại trong tố tụng, đó là:
Công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được quán triệt tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2020
Hòa giải, đối thoại tại Trung tâm được tiến hành tại thời điểm “tiền tố tụng”, do đó tại thời điểm này, các bên tranh chấp chưa bắt đầu thực hiện các hoạt động tố tụng, đồng thời sự kiện pháp lý ghi nhận việc thụ lý vụ án chưa được thực hiện, điều đó tạo tâm lý thoải mái hơn cho các chủ thể, đặc biệt với bên bị khởi kiện. Thực tiễn chứng minh khi mâu thuẫn đạt đến đỉnh điểm, mà các bên không thể tự mình ngồi lại với nhau thì mới dẫn đến việc khởi kiện ra Tòa; đồng thời, tâm lý nặng nề của người khởi kiện, người bị kiện là đã khởi kiện ra Tòa thì để Tòa án giải quyết, đây chính là yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc hòa giải, đối thoại vụ án.
Chủ thể tiến hành hòa giải, đối thoại là những người có kinh nghiệm hòa giải, đối thoại: Khác biệt lớn nhất giữa Hòa giải viên tại Trung tâm hòa giải, đối thoại so với Thẩm phán chính là nhiệm vụ, quyền hạn của họ. Nhiệm vụ chính của Thẩm phán là giải quyết vụ án. Để giải quyết vụ án, Thẩm phán phải tiến hành các hoạt động tố tụng theo trình tự, thủ tục luật định trong đó có việc hòa giải, đối thoại. Như vậy hòa giải, đối thoại ở đây chỉ là một thủ tục tố tụng được tiến hành trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Đối với Hòa giải viên, nhiệm vụ là hướng tới sự đồng thuận của các bên. Do đó hoạt động duy nhất của các Hòa giải viên chính là việc hòa giải, đối thoại. Đây cũng là kết quả cuối cùng thể hiện qua biên bản hòa giải, đối thoại thành hay không thành. Chất lượng hòa giải, đối thoại được tiến hành bởi chủ thể kiêm nhiệm chắc chắn không thể bằng so với chủ thể chuyên trách, đó là quy luật tất yếu được thực tiễn chứng minh.
Trong quá trình triển khai thực tế, có nhiều kinh nghiệm cần được chia sẻ và có thể nhân rộng góp phần nâng cao chất lượng hòa giải, đối thoại, cụ thể: Khi tiếp nhận đơn, Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án cần nghiên cứu kỹ nội dung đơn khởi kiện để có sự phân công Hòa giải viên, Đối thoại viên cho phù hợp với năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm của họ.
Phải xây dựng hồ sơ và lập kế hoạch hòa giải, đối thoại: Mặc dù thủ tục hòa giải, đối thoại được thực hiện ngoài tố tụng, tuy nhiên để đạt được kết quả như mong đợi thì việc tuân thủ trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại một cách khoa học, logic là điều không thể thiếu, trong đó công việc tiên quyết là việc xây dựng hồ sơ, lập kế hoạch hòa giải, đối thoại. Chỉ khi xác định rõ mấu chốt của tranh chấp, nguyên nhân phát sinh, tình trạng của tranh chấp… (đây được coi là công đoạn tìm nút thắt) thì khi đó, kế hoạch hòa giải, đối thoại mới được xây dựng đúng trọng tâm, nâng cao hiệu quả của công tác này.
Biết lắng nghe và không đứng về một bên nào
Vai trò của Hòa giải viên trong phiên hòa giải, đối thoại giữ yếu tố then chốt cho quá trình thành bại của hòa giải, đối thoại: Hòa giải viên chủ trì phiên hòa giải phải thể hiện rõ vị trí, vai trò của mình. Tại phiên hòa giải, đối thoại, Hòa giải viên, vừa là người trung gian nhưng cũng là người điều đình và đồng thời là người trọng tài.
Hòa giải viên luôn giữ chuẩn mực là người không đứng về một bên nào; biết tăng giảm liều lượng căng thẳng hoặc mềm dẻo, duy trì mức độ trung hoà để đạt được mục đích hoà giải và biết lắng nghe cả hai bên, chắt lọc và gợi ý để đi đến thoả thuận chung.
Một buổi hòa giải tại Tòa án
Đặc biệt, kỹ năng giao tiếp của Hòa giải viên trang bị khi hòa giải, đối thoại rất quan trọng, đó là:
Kỹ năng lắng nghe: Lắng nghe là một kỹ năng cần thiết và quan trọng trong phiên hòa giải, đối thoại. Trong quá trình hòa giải, đối thoại, Hòa giải viên luôn phải tôn trọng ý kiến của các bên đương sự, dành thời gian hợp lý để các bên nói rõ quan điểm của mình và xem điều đó ảnh hưởng đến họ như thế nào; lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các bên; đặt vấn đề để các bên suy nghĩ, bàn bạc để tìm ra những điểm chung, ý kiến trung hòa nhất. Sau đó hỏi từng bên xem họ tự nguyện làm những điều gì để giải quyết mâu thuẫn.
Kỹ năng chắt lọc và tổng hợp: Những thông tin Hòa giải viên tiếp nhận được từ đương sự phải được chắt lọc và tổng hợp đúng với ý định mà họ đã trình bày. Điều này giúp Hòa giải viên lựa chọn phương án giúp họ giải quyết mâu thuẫn một cách có hiệu quả, đạt kết quả tích cực về lợi ích chung của các bên và cũng là mục đích của phiên hòa giải.
Kỹ năng đặt câu hỏi: Hòa giải viên lên kế hoạch hỏi đối với từng bên sao cho phù hợp, hiệu quả. Có nhiều loại câu hỏi mà Hòa giải viên, Đối thoại viên có thể lựa chọn sử dụng như: Câu hỏi đánh giá, câu hỏi gợi ý, câu hỏi gián tiếp, câu hỏi trực tiếp, câu hỏi chuyển tiếp, câu hỏi yêu cầu, câu hỏi đóng, câu hỏi mở… Tùy từng trường hợp, Hòa giải viên, Đối thoại viên phải sắp xếp, lên kế hoạch hỏi bên nào trước, hỏi vấn đề gì trước… sao cho phù hợp với từng tranh chấp, khiếu kiện.
Ngoài ra, các Hòa giải viên, Đối thoại viên phải là những người có tinh thần, trách nhiệm, có tính kiên trì với phương châm “làm hết việc, không làm hết giờ”. Thực tế có những trường hợp nếu có thời gian để lắng nghe, phân tích của chủ thể hòa giải, đối thoại thì các đương sự có thể đã hòa giải, đối thoại được với nhau, nhưng chủ thể hòa giải, đối thoại lại máy móc đã dừng cuộc hòa giải, đối thoại vì hết giờ dẫn đến việc hòa giải, đối thoại không thành.
Đối với án hành chính, khâu đối thoại cần có sự chọn lựa và tiến hành thận trọng.
Qua thực tiễn triển khai thí điểm công tác hòa giải, đối thoại, Ban cán sự Đảng TAND tỉnh Bắc Ninh cũng nghiên cứu tìm hiểu đề ra các biện pháp nâng cao chất lượng đối thoại các vụ án hành chính.
Đó là, đối với những vụ án mà các bên không đồng ý qua Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án và đã đề ra biện pháp động viên các Thẩm phán trực tiếp về địa phương để tổ chức đối thoại tại trụ sở UBND cấp huyện hoặc trụ sở TAND cấp huyện nơi có khiếu kiện, tạo điều kiện cho cả chính quyền và giúp cho người dân đỡ phải đi lại, tiết kiệm được thời gian và chi phí.
Do vậy, các buổi đối thoại đã luôn được tổ chức đúng lịch và có tỷ lệ đối thoại thành cao và bảo đảm được thời hạn xét xử đối với các vụ án hành chính (giải quyết 78/93 vụ bằng 83%; trong đó đối thoại để đương sự rút đơn là 22 vụ, đạt tỷ lệ 30%).
Với những kỹ năng như vậy, khi Luật Hòa giải, đối thoại được Quốc hội ban hành, việc triển khai nhân rộng sẽ đạt kết quả rất cao.