"Kỳ lạ" đấu giá nhà đất thi hành án tại Thanh Trì (Hà Nội)

HOÀNG HẢI| 28/07/2022 17:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 15/7 vừa qua, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã tổ chức cưỡng chế thi hành án đối với đất và tài sản gắn liền trên thửa đất số 63, tờ bản đồ số 13, địa chỉ tại xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì để giao cho người trúng đấu giá.

Thông báo đấu giá thiếu thông tin quan trọng

Thửa đất có diện tích 251m2, tài sản trên đất là ngôi nhà 3 tầng, trước đó thuộc quyền sử dụng của vợ chồng ông Nguyễn Huy Tình và bà Nguyễn Thị Thu Hà; buộc thi hành án trên cơ sở Bản án số 19/2018/DSST ngày 29/11/2018 của TAND huyện Thanh Trì.

anh-1-bai-viet.jpg
Tài sản thi hành án là thửa đất số 63, tờ bản đồ số 13, địa chỉ tại xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.

Theo thông báo trên Cổng thông tin Điện tử Quốc gia về đấu giá tài sản (Bộ Tư pháp), đơn vị tổ chức đấu giá tài sản nói trên là Công ty Đấu giá hợp danh Trường Uy (Công ty Trường Uy), có trụ sở tại phố Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

Ở lần mời đấu giá vào các ngày 5 và 9/1/2021, tài sản thi hành án nói trên có giá khởi điểm là hơn 4,13 tỷ đồng; thời gian tổ chức đấu giá dự kiến vào ngày 28/1/2021. Sau đó, giá khởi điểm được hạ xuống 3,723 tỷ đồng và thông báo trên Cổng thông tin Điện tử Quốc gia về đấu giá tài sản vào các ngày 3 và 6/2/2021; thời gian tổ chức đấu giá vào ngày 22/2/2021.

anh-2-bai-viet.jpg
Theo thông báo đấu giá ngày 6/2/2021, giá khởi điểm tài sản thi hành án là 3,723 tỷ đồng, song kết quả đấu giá sau đó ít ngày, giá trúng chỉ 3,371 tỷ đồng. 

Điểm đáng chú ý là ở cả 4 lần thông báo, Công ty Trường Uy đều không nêu rõ những thông tin quan trọng về tài sản bán đấu giá, như: Giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất đối với tài sản đấu giá và diện tích thửa đất là bao nhiêu, tài sản trên đất là gì?

Thông báo chỉ thể hiện: “Thông tin tài sản: Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Nơi có tài sản: Thửa đất số 63, tờ bản đồ số 13, tại xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Hình thức đấu giá bỏ phiếu gián tiếp theo phương thức trả giá lên…”.

Trong khi điểm 2, Điều 35 Luật Đấu giá tài sản quy định, một trong các thông tin buộc phải niêm yết, là: Tên tài sản hoặc danh mục tài sản, số lượng, chất lượng của tài sản đấu giá; nơi có tài sản đấu giá; giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đấu giá.

Chủ cũ xin mua lại giá gấp rưỡi, chủ mới đòi gấp ba

Theo Thông báo số 712/TB-THA ngày 9/3/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thanh Trì, người trúng đấu giá tài sản thi hành án là nhà, đất thửa số 63, tờ bản đồ số 13 tại xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì là ông Lê Quang Nghĩa, hộ khẩu ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Giá trúng đấu giá chỉ 3,37 tỷ đồng (13,4 triệu đồng/m2, chưa tính tài sản gắn liền với đất), thấp hơn giá khởi điểm 3,723 tỷ đồng được thông báo ngày 6/2/2021 là gần 350 triệu đồng.

anh-3-bai-viet.jpg
Gia đình ông Tình, bà Hà xin chuộc lại tài sản với giá 5,8 tỷ đồng nhưng ông Nghĩa không đồng ý.

Thông báo trên căn cứ vào Thông báo số 0512/20/ĐGT-ĐGTU cùng ngày 9/3/2021 của Công ty Trường Uy, song không thể hiện buổi đấu giá được tổ chức vào ngày nào.

Đây là điểm khá bất thường, bởi theo thông báo mời đấu giá, tài sản thi hành án được đấu giá theo hình thức bỏ phiếu gián tiếp, phương thức trả giá lên, giá trúng đấu giá không thể thấp hơn giá khởi điểm. Nếu giá trả cao nhất mà thấp hơn giá khởi điểm thì đấu giá không thành.

Giả thiết được đặt ra là phiên đấu giá ngày 22/2/2021 không thành vì một lý do nào đó và giá khởi điểm tiếp tục được hạ xuống, thì tới ngày 9/3/2021 cũng chưa thể kịp tổ chức đấu giá để có kết quả như Thông báo số 0512/20/ĐGT-ĐGTU của Công ty Trường Uy.

Bởi theo quy định tại điều 52 Luật Đấu giá tài sản, nếu đấu giá không thành, trong thời hạn 3 ngày, tổ chức đấu giá tài sản trả lại tài sản, giấy tờ liên quan đến tài sản đấu giá cho người có tài sản đấu giá, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Điểm b, Điều 35 Luật Đấu giá tài sản quy định: Đối với tài sản là bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và UBND cấp xã nơi có bất động sản đấu giá ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá.

Như vậy, để có thể mở lại cuộc đấu giá cần tối thiểu 18 ngày. Nếu tính từ ngày 22/2/2021, thì phải tới ngày 12/3/2021 mới có thể tổ chức đấu giá theo quy định, bởi tháng 2 dương lịch chỉ có 28 ngày. Đó là chưa kể tới việc Công ty Trường Uy phải thêm 2 lần thông báo trên Cổng thông tin Điện tử Quốc gia về đấu giá tài sản; thông báo công khai ít nhất 2 lần trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá theo quy định tại Điều 57 Luật Đấu giá tài sản.

Một điểm đáng chú ý nữa là sau khi tài sản thi hành án được bán thành công, với mong muốn được mua lại ngôi nhà của mình, vợ chồng ông Nguyễn Huy Tình và bà Nguyễn Thị Thu Hà đã có đơn gửi tới Chi cục Thi hành án huyện Thanh Trì nhờ kết nối với ông Lê Quang Nghĩa để được chuộc lại với giá 4,8 tỷ đồng, tức gấp gần 1,5 lần giá trúng đấu giá.

Tại buổi giải quyết việc thi hành án ngày 9/6/2022, ông Lê Quang Nghĩa đã từ chối cho vợ chồng ông Tình, bà Hà chuộc lại với giá 4,8 tỷ đồng, bởi theo ông Nghĩa, giá đất thị trường hiện khoảng 50 triệu đồng/m2, tương đương hơn 12,5 tỷ đồng, tức gấp tới 3,7 lần giá trúng đấu giá.

Tiếp đó, ngày 14/7/2022, vợ chồng ông Tình, bà Hà tăng giá chuộc lên 5 tỷ đồng, nếu cố gắng được sẽ trả 5,8 tỷ đồng nhưng ông Nghĩa vẫn bảo lưu quan điểm và chỉ hỗ trợ 1 tỷ đồng khi vợ chồng ông Tình, bà Hà nộp đủ số tiền chuộc lại tài sản với giá 50 triệu đồng/m2.

Phóng viên Báo Công lý đã liên hệ với Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội và Chi cục thi hành án huyện Thanh Trì để làm rõ những điểm kỳ lạ trên và sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Kỳ lạ" đấu giá nhà đất thi hành án tại Thanh Trì (Hà Nội)