Núi Lầu Chuông (Hòn Nghệ, Kiên Lương, Kiên Giang) có một hang động có lưu giữ dấu ấn ngự của vua Gia Long khi bị quân Tây Sơn truy đuổi đã dừng chân nơi đây làm nơi trú ẩn. Một người dân sống trên đảo Hòn Nghệ đã tình cờ tìm thấy những báu vật của vua Gia Long để lại.
Đi tìm dấu ấn ngự vua Gia Long
Trời tháng 9 đang là mùa mưa, nên để đến được hang vua Gia Long từng trú ẩn quả thật là một thử thách mạo hiểm.
Chúng tôi được sư thầy Thích Minh Công, Chùa Liên Tôn cổ tự vừa làm “hướng dẫn viên”, vừa dẫn đường đến với hang động còn giữ ấn ngự vua Gia Long lưu lại.
Để lên được hang, chúng tôi phải leo lên đỉnh núi Lầu Chuông và vượt qua những cung đường ngoằn nghoèo lên xuống bởi những mỏm đá tai mèo sắc nhọn. Hai bên lối mòn lên hang là những vách đá thẳng đứng, vực sâu thăm thẳm, nếu không cẩn thận sơ sẩy thì hiểm họa khôn lường.
Đi người không đã khó, nhưng chúng tôi phải mang theo máy chụp hình nên lại càng khó khăn hơn khi phải di chuyển qua những hốc đá thẳng đứng, xuống những vực sâu thẳm trong thời tiết ẩm ướt, trơn trượt vào mùa mưa.
Sư thầy Thích Minh Công vẫn bước đi nhẹ nhàng, thoăn thoắt trên triền đá rồi bất chợt ngoái lại phía sau động viên chúng tôi: “Trước giờ mọi người vẫn thường xuyên đi lối này để chiêm ngưỡng cảnh đẹp nơi đây, nhưng vẫn an toàn tuyệt đối bởi đã có Phật độ rồi.
Ở trên đỉnh núi này có thể nhìn thấy toàn cảnh những lồng bè và thuyền đánh cá của ngư dân ở khu vực Bãi Chướng và Bãi Nam trên đảo Hòn Nghệ. Nhưng khi đi về sẽ dễ dàng và đường đi hướng ra biển bằng phẳng hơn”.
Leo bộ khoảng hơn 150m, miệng hang được che phủ một cây cổ thụ lớn xuất hiện trước mắt chúng tôi. Trước miệng hang đã được đặt sẵn cây thang sắt dài khoảng 3m để đi xuống đáy, nơi vua Gia Long từng lưu lại ấn ngự.
Hang tọa lạc sát gần với mặt biển ở độ cao trên 10m tính từ cửa hang. Đáy hang khá bằng phẳng với diện tích khoảng 50m2. Trong hang động tối đen, chúng tôi phải đùng đèn pin điện thoại mới nhìn thấy những không gian bên trong.
Ngay sau bàn thờ vua Gia Long là khối đá lớn mang hình một con voi như trấn giữ cửa. Bên tượng voi, trên vách đá trong hang vẫn còn in hình ấn ngự của vua Gia Long – Nguyễn Ánh thời đó với những nét hoa văn tạo nên hình một con rồng, cùng những hàng chữ nho màu đỏ còn rất rõ.
Phía sau khối đá mang hình con voi là nơi trước đây vua Gia Long cất giữ báu vật khi đặt chân đến đây. Sau này, một người dân địa phương đã tình cờ khám phá ra những di sản này khi đang nằm ẩn sâu trong lòng núi.
Gặp người tìm thấy báu vật
Theo nhiều giai thoại, vào thế kỷ XVIII, lúc bị quân Tây Sơn truy đuổi, vua Gia Long - Nguyễn Ánh đã có lần chạy đến đảo Hòn Nghệ. Hiện rất ít thông tin về thời gian cụ thể khi vua Gia Long đến trú ẩn nơi đây.
Vua Gia Long tên thật là Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh) là con thứ ba của hoàng tử Nguyễn Phúc Luân và là cháu nội của chúa Nguyễn Phúc Khoát.
Ông sinh năm Nhâm Ngọ (1762), mất năm Kỷ Mão (1820). Năm 1777 khi mới 15 tuổi, Nguyễn Ánh đã phải bôn tẩu gian nan trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn. Dù trải qua những năm tháng hết sức khốn cùng và nguy hiểm, song ông vẫn không nản lòng, để rồi làm nên nghiệp lớn thống nhất sơn hà, lên ngôi hoàng đế, lập ra vương triều Nguyễn vào năm 1802.
Người tìm thấy những báu vật vua Gia Long là ông Nguyễn Văn Trí (SN 1951, ấp Bãi Chướng, xã Hòn Ngự, huyện Kiên Lương, Kiên Giang). Ông là cháu nội của sư cô Diệu Thiện – người thành lập Liên Hoa cổ tự (nay đổi tên thành Liên Tôn cổ tự).
Nhà ông Trí nằm ngay chân núi Lầu Chuông. Năm nay, dù tuổi đã ngoài 70 nhưng ông Trí vẫn còn minh mẫn và sức khỏe còn khá tốt.
Ông Nguyễn Văn Trí cho biết: "Bà nội tôi là sư trụ trì Liên Hoa cổ tự từ những năm 1930 đến 1973 thì viên tịch, thời đó bà chỉ tu trong hang chánh điện. Thưở sơ khai ấy, toàn đảo Hòn Nghệ chỉ có 7 hộ dân, chủ yếu sống với nghề đánh bắt thủy hải sản và tăng gia sản xuất bằng nghề trồng rẫy".
Năm 1979, trong một lần lên hang Gia Long chơi, ông Trí tình cờ tìm được bao tiền gần 10kg nằm ẩn sâu dưới lòng đất, phía sau lưng tượng đá voi. Mặc dù những đồng tiền nằm trong hang động hơn trăm năm nhưng vẫn còn nguyên vẹn, sáng loáng, một loại tiền có lỗ giữa hình tròn và một loại có lỗ hình vuông. Trong lúc bới tìm tiền, ông Trí còn tìm thấy chiếc ấm tích cùng 4 chiếc ly màu đen và một lư hương có đường kính khoảng 20cm được chạm khắc công phu. Bốn mặt của lư hương là 4 con sư tử.
“Thời đó tôi không biết những thứ này có giá trị về kinh tế, số tiền cổ kiếm được thì bán ve chai cho một người đàn ông ở thị trấn Kiên Lương. Còn lư hương, ấm tích và 4 chiếc ly màu đen tôi đưa lên trả lại chùa. Vì lúc nội còn sống, bà luôn dặn dò con cháu là những gì thuộc về chùa thì không được lấy và đem về nhà cất giữ mà phải trả lại chùa.
Thế nhưng sau một thời gian, những báu vật này đã bị mất cắp vào khoảng năm 1982, vì chùa thời điểm đó không có người quản lý. Riêng người đàn ông mua số tiền cổ cũng tự dưng đổi đời giàu có nhanh chóng”, ông Nguyễn Văn Trí nhớ lại.
Ngoài ông Trí, vào thời điểm những năm 1979 - 1980 còn có 3 người bạn đồng niên của ông cũng nhặt được một số đồng tiền cổ, nhưng số lượng rất ít.
Ông Trí kể, gia đình tôi cũng mang một phần dòng máu của Nguyễn Ánh - vua Gia Long. Theo như bà nội kể lại, từ lúc vua Gia Long đặt chân đến hòn đảo này, ngài đặt tên là Hòn Ngự và một số hòn đảo khác cũng có tên tương tự. Nhưng lâu dần từ Hòn Ngự đã không còn, qua nhiều đời hòn đảo này người dân gọi quen thành Hòn Nghệ.
Đến nay núi Lầu Chuông là điểm đến lý tưởng, nơi để du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp các xóm nhà người dân và các bãi hướng Đông - Nam của Hòn Nghệ. Đặc biệt, những người thích mạo hiểm có thể khám phá hệ thống hang động vừa thần bí vừa cảnh đẹp kỳ vỹ ở chốn linh thiêng này.