Kỳ án 2 ha đất ở bãi hủy bom mìn Đồng Nai: Vẫn chưa giải quyết dứt điểm

Trương Tấn Nghĩa| 05/12/2014 19:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo dự kiến, ngày 28/11/2014 TAND tỉnh Đồng Nai đưa vụ án tranh chấp dân sự giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Mỹ và bị đơn là vợ chồng ông Nguyễn Xuân Phong, hai bên cùng ngụ tại Nhơn Trạch, ra xét xử phúc thẩm.

Tưởng chừng vụ kỳ án này sẽ được giải quyết dứt điểm, nhưng do nguyên đơn xin vắng mặt nên HĐXX đã hoãn phiên tòa…

Chánh án TANDTC kháng nghị tái thẩm

Như Báo Công lý và rất nhiều cơ quan báo chí khác đã phản ánh, vợ chồng ông bà Nguyễn Xuân Phong, Trần Thị Lan ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai nhiều năm khiếu nại về của Bản án dân sự phúc thẩm số 152/DSPT ngày 28/11/2002 của TAND tỉnh Đồng Nai.

Năm 1989, bà Lê Thị Mỹ nhờ ông Nguyễn Thanh Quang, cán bộ địa chính xã Vĩnh Thanh mua giúp 2 ha đất với giá 320.000 đồng và đưa cho ông Quang 100.000 đồng thuê cày đất và mua cây tràm giống. Do bà Mỹ không thanh toán đủ chi phí nên tháng 1/1991 ông Quang sang nhượng đất cho vợ chồng ông Phong, bà Lan.Vợ chồng ông Phong, bà Lan đã cải tạo diện tích đất này để trồng cao su. Đây là bãi phá hủy bom mìn từ hồi chiến tranh, rất nguy hiểm nên ít người lai vãng.

Năm 1992, bà Mỹ yêu cầu VKSND huyện Long Thành giải quyết. Ngày 19/5/1992, tại VKSND huyện Long Thành, Kiểm sát viên Phan Văn Lương đã mời bà Mỹ, ông Quang và vợ chồng ông Phong đến hòa giải. Tại đây, ông Quang đồng ý trả cho bà Mỹ số tiền mua đất, tiền cày cấy, cây giống, tổng cộng là 5,7 chỉ vàng; bà Mỹ chấp nhận cho ông Quang trả dần trong vòng 1 năm. Biên bản hòa giải thành được lập có chữ ký các bên.

Kỳ án 2 ha đất ở bãi hủy bom mìn Đồng Nai: Vẫn chưa giải quyết dứt điểm

Khu đất ở bãi phá hủy bom mìn nay là vườn cao su của vợ chồng ông Phong

 

Như vậy, vụ việc đã được giải quyết dứt điểm, tại một trong các cơ quan tố tụng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Vì vậy, 5 năm sau, ngày 19/4/1997, UBND huyện Nhơn Trạch đã cấp sổ đỏ cho vợ chồng ông Phong, bà Lan đối với 4 ha đất trong đó có  2 ha đất này.

Nhưng do hơn 4 năm mà ông Quang không có điều kiện thanh toán số vàng đã thỏa thuận nên bà Mỹ có đơn tố cáo và Công an huyện khởi tố, tạm giam ông Quang 3 tháng. Sau đó, xác định đây là tranh chấp dân sự nên ông Quang được trả tự do. Đòi tiền ông Quang không được, bà Mỹ quay sang đòi vợ chồng ông Phong, bà Lan và TAND tỉnh Đồng Nai đã xét xử và tuyên Bản án dân sự phúc thẩm số 152/DSPT ngày 28/11/2002 buộc vợ chồng ông Phong phải trả lại 2 ha đất cho bà Mỹ.

Sau tròn 10 năm, ngày 11/10/2012, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã ban hành Quyết định Kháng nghị tái thẩm số 430/KN-DS đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 152/DSPT trên đây. Sau đó Tòa Dân sự TANDTC xét xử tái thẩm, đã ra quyết định hủy bản án dân sự phúc thẩm và cả bản án sơ thẩm; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Đồng Nai xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.

 

Kháng nghị tái thẩm và quyết định tái thẩm trên đây được dư luận đặc biệt quan tâm và đánh giá cao.

Bản án sơ thẩm lần 2 có căn cứ

Ngày 11/7/2014, TAND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm lần 2 đối với vụ án này và phán quyết bác yêu cầu khởi kiện của bà Mỹ đối với vợ chồng ông Phong, bà Lan.

Theo nhận định của chuyên gia pháp lý là ông Đỗ Văn Chỉnh – nguyên Thẩm phán, Trưởng ban Thanh tra TANDTC thì bản án sơ thẩm là đúng đắn và có căn cứ. Thứ nhất là vào năm 1992 Luật Đất đai năm 1987 đang có hiệu lực thi hành. Tại Điều 5 Luật này quy định: “Nghiêm cấm việc mua bán lấn chiếm đất đai…”. Có nghĩa là Nhà nước không công nhận ông Quang mua giúp bà Mỹ 2 ha đất. Do đó, bà Mỹ không thể đòi 2 ha đất của vợ chồng ông Phong.

Thứ hai, đơn khởi kiện vụ án dân sự của bà Mỹ được Tòa án thụ lý có chứng cứ là văn bản ngày 19/5/1992 do VKS huyện Long Thành lập về sự thỏa thuận giữa bà Mỹ với ông Quang. Chứng cứ hợp pháp này chứng minh rằng 2 ha đất mà bà Mỹ yêu cầu Tòa án giải quyết là không có, vì 2 ha đất đó đã được tính thành tiền trong văn bản ngày 19/5/1992 mà bà Mỹ thỏa thuận nhận 5,5 chỉ vàng từ ông Quang. Có nghĩa là giá trị 2 ha đất của bà Mỹ đã được giải quyết xong cách đây 22 năm.

Dư luận tiếp tục quan tâm

Suốt 10 năm qua, rất nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều lần Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và Ủy ban Tư pháp Quốc hội có công văn đề nghị Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC xem xét lại vụ án này để bảo đảm khách quan, công bằng và đúng pháp luật.

Bên lề kỳ họp thứ 8 Quốc hội XIII, trao đổi với PV, một vị đại biểu Quốc hội thuộc Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết: Đây là vụ án khiếu nại bức xúc, kéo dài và các đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm, Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng hai khóa liên tiếp có ý kiến, nên chúng tôi rất mừng khi vụ án được xét xử lại, sau khi có Quyết định kháng nghị tái thẩm của Chánh án TANDTC… Bản án đã được xét xử sơ thẩm, chúng tôi tiếp tục theo dõi diễn biến của vụ án, và tin chắc rằng, bản án phúc thẩm sẽ giải quyết đúng pháp luật, khách quan và công bằng, để củng cố niềm tin của nhân dân vào hệ thống TAND trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ án 2 ha đất ở bãi hủy bom mìn Đồng Nai: Vẫn chưa giải quyết dứt điểm