Cuộc đời của CCB Phạm Văn Hồng, thương binh hạng 2/4, ở xóm 2, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) là câu chuyện về sự cống hiến không ngừng nghỉ cho quê hương, đất nước. Từ những năm tháng chiến đấu vì độc lập, tự do, đến khi rời quân ngũ trở về địa phương, ông vẫn tiếp tục dâng hiến, không chỉ bằng máu xương mà còn bằng cả khối tài sản lớn của mình.
Tại ngôi nhà nhỏ của gia đình CCB Phạm Văn Hồng, câu chuyện về cuộc đời ông không chỉ là những chiến công hào hùng, mà còn là một tấm gương sáng về sự cống hiến không ngừng nghỉ.
Ngược dòng thời gian vào tháng 2/1968, khi mới 22 tuổi, chàng trai Phạm Văn Hồng đã gia nhập đơn vị đại đội 8, tiểu đoàn 5, trung đoàn 24, Sư đoàn 304. Đến năm 1972, để tham gia trận chiến 81 ngày đêm tại thành cổ Quảng Trị, ông đã viết một bức "tâm thư bằng máu" thể hiện quyết tâm chiến đấu không ngừng vì sự độc lập, tự do của Tổ Quốc.
Ông Hồng chia sẻ: “Lý tưởng của tôi là cống hiến cho quê hương và đất nước. Sau hơn 10 năm tham gia chiến đấu tại miền Nam và nước bạn Lào, trở về quê, tôi vẫn nghĩ, mình phải làm tấm gương mẫu mực để con cháu, xóm giềng noi theo”.
Rời quân ngũ trở về quê hương, ở tuổi “xế chiều”, khi người ta thường nghĩ đến sự an nhàn bằng việc tích góp của cải để “phòng thân” thì CCB Phạm Văn Hồng lại hiến tặng hàng trăm mét vuông đất "vàng" để xây dựng nhà văn hóa xóm, khu vui chơi cho bà con. Với ông Hồng, sống là để cống hiến, dù trong chiến tranh hay thời bình, dù trong thanh xuân rực rỡ hay lúc tuổi đã “xế chiều”.
Đến thăm nhà văn hóa xóm 2, xã Phúc Thọ vào một ngày đầu Thu, chúng tôi được chứng kiến sự nhộn nhịp chuẩn bị cho các hoạt động văn nghệ, thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng.
Kể từ khi có nhà văn hóa mới với diện tích rộng rãi, sân bóng chuyền đạt tiêu chuẩn, mọi hoạt động của xóm diễn ra thuận lợi hơn rất nhiều. Công trình này là niềm tự hào của người dân, bởi đây là thành quả của sự chung sức và đóng góp tự nguyện của cộng đồng.
Ông Trương Xuân Long, người dân xóm 2, xã Phúc Thọ cho biết, kể từ khi ông Hồng hiến đất làm nhà văn hóa, các phong trào hoạt động của xóm đã phát triển mạnh mẽ hơn, các hoạt động thể dục thể thao sôi nổi hơn, và tinh thần đoàn kết giữa người dân ngày càng gắn bó.
Bà Chu Thị Tân, cũng là người dân xóm 2, chia sẻ: “Nhờ lòng nhân ái của ông Hồng, khuôn viên nhà văn hóa xóm giờ đây đã rộng rãi và khang trang hơn rất nhiều”.
“Thấy khuôn viên nhà văn hóa xóm bị chật hẹp, bác Hồng đã tự nguyện hiến đất để mở rộng. Hiện tại, nhà văn hóa đã được xây dựng mới, rộng gần 1.000m², tạo điều kiện thuận lợi, thoải mái cho các hoạt động cộng đồng. Người dân rất vui và phấn khởi”, ông Lưu Ngọc Thắng, xóm trưởng xóm 2, cho biết thêm.
Với tâm niệm “Người lính phải gương mẫu trong mọi việc”, CCB Phạm Văn Hồng đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới. Năm 2022, xã Phúc Thọ có kế hoạch xây dựng nhà văn hóa mới và mở rộng sân chơi thể thao, nhưng xóm 2 thiếu quỹ đất.
Ông đã quyết định hiến tặng gần 500m² đất vườn của gia đình, nằm ngay mặt tiền đường liên xã, vào thời điểm giá đất đang tăng cao, “tấc đất, tấc vàng”.
Dù có những ý kiến phản đối và lời dị nghị, ông vẫn kiên quyết thực hiện. Ông Hồng chia sẻ: “Có những người không hiểu và chê bai, nhưng tôi coi đó là điều bình thường. Để thực hiện được những việc lớn, cần phải vượt qua khó khăn”.
Bà Võ Thị Ninh, vợ ông Hồng, cho biết thêm: “Dù có người phản đối, nhưng chúng tôi thấy đây là việc cần làm. Các con đã có cuộc sống ổn định, ông bà cũng đủ sống, nên chúng tôi vui vẻ hiến đất để làm đẹp cho xóm làng”.
Đây là lần thứ hai CCB Phạm Văn Hồng hiến đất. Cách đây 5 năm, khi xóm thiếu sân chơi cho trẻ em, ông đã hiến 400m² đất để xây dựng sân bóng. Ông tâm sự: “Dù giá trị của mảnh đất có lớn, nhưng việc đóng góp cho quê hương là việc cần làm, cũng là cách thể hiện lòng yêu nước”.
Ngày nay, xã Phúc Thọ đã khoác lên mình diện mạo mới với những ngôi nhà khang trang và các công trình cộng đồng sôi động. Trong sự thay đổi đó, đóng góp của CCB Phạm Văn Hồng là một phần quan trọng, minh chứng cho tinh thần xung kích và gương mẫu của người bộ đội cụ Hồ.
Đồng thời, công trình nhà văn hóa xóm 2, xã Phúc Thọ không chỉ ghi dấu nghĩa cử cao đẹp của ông Hồng, mà còn khẳng định sức mạnh của tinh thần đoàn kết và chung sức của tất cả mọi người dân trong xóm. Như Bác Hồ đã từng dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Trong thời gian tới, tấm gương của CCB Phạm Văn Hồng sẽ tiếp tục được lan toả và đó chính là cảm hứng, động lực khẳng định rằng, cống hiến không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui và tự hào, dù trong bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời.