Pháp luật trong hoạt động tín dụng

01/09/2012 08:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau hàng loạt vụ vỡ nợ tín dụng đen xảy ra vừa qua, rồi việc “bầu” Kiên bị bắt làm hàng loạt cổ phiếu các ngân hàng sụt giảm mạnh, các giao dịch diễn ra trong bối cảnh dường như “bất ổn” đã khiến dư luận không khỏi hoang mang, lo lắng.

Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của những “tảng băng chìm”. Đi sâu tìm hiểu mới thấy, hoạt động tín dụng - ngân hàng đang thiếu đi một nền tảng pháp lý rất quan trọng để có thể kiểm soát hiệu quả những “giao dịch nguy hiểm” hiện nay.

Những con số gây “sốc”

 

Cùng với tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và khó khăn trong nước, tình hình tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng trong những năm gần đây diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt là từ năm 2000 đến nay, số vụ án nghiêm trọng xảy ra ngày càng tăng về số vụ và mức độ thiệt hại. Nó đã tác động tiêu cực đến thị trường tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh, gây dư luận xấu trong xã hội.

 

Theo thống kê của VKSNDTC, chỉ tính riêng trong năm 2010-2011, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xác lập án điều tra 69 vụ, khởi tố 40 vụ và 70 cán bộ ngân hàng; tổng số thiệt hại hơn 8.000 tỷ đồng và chỉ mới thu hồi được hơn 2.000 tỷ. Một số vụ lừa đảo nghiêm trọng liên tiếp xảy ra như vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 100 tỷ đồng tại Ngân hàng Công thương chi nhánh Đồng Nai, đã khởi tố 7 bị can là cán bộ ngân hàng về tội “Vi phạm các quy định về cho vay”; Vụ vợ chồng Hồ Minh Hậu, Phạm Thị Ái Loan lừa đảo, chiếm đoạt gần 400 tỷ đồng của 3 ngân hàng là Ngân hàng liên doanh Việt Nga, Vietcombank chi nhánh Bình Dương và Ngân hàng BIDV. 

 

Pháp luật trong hoạt động tín dụng

 

Đặc biệt là vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II - Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam gây thiệt hại ước tính 1.600 tỷ đồng, đã khởi tố 5 bị can, trong đó có 5 cán bộ ngân hàng. Hay vụ Huỳnh Thị Huyền Như, quyền Trưởng phòng giao dịch Ngân hàng Viettinbank chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh lừa đảo, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của hơn 33 DN và 20 cá nhân (thực chất đây là vụ vỡ nợ tín dụng đen kiểu mới lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam và 3.600 tỷ đồng là con số thiệt hại, còn tổng số tiền các đối tượng đã huy động trong vụ án này lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng và vụ án này vẫn đang trong giai đoạn điều tra).

 

Bên cạnh những hành vi phạm tội từ tín dụng “chính danh” như trên thì hàng loạt các vụ vỡ nợ với quy mô lên đến hàng nghìn tỷ đồng, liên tiếp xảy ra thời gian qua cũng cho thấy một thực trạng đáng báo động của thị trường tài chính, tiền tệ phi chính thức này. 

 

Tín dụng “đen” đã và đang tồn tại trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đời sống xã hội dưới nhiều hình thức công khai, phổ biến như: Cầm cố, cho vay lãi suất cao, vay nóng, vay không cần thế chấp… từ các hiệu cầm đồ với lãi suất cao từ 3-8 lần lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Sự nguy hiểm và tác động tiêu cực của các hình thức vay và cho vay nặng lãi ngoài hệ thống tài chính chính thức tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro lớn. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý và chế tài hiệu quả để xử lý các hình thức này vẫn còn bỏ ngỏ.

 

Phải “cắt đuôi” cơ chế “sân sau”

 

Qua đánh giá, tổng kết các hoạt động đấu tranh phòng chống các tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng cho thấy, các dạng vi phạm trong lĩnh vực này chủ yếu gồm 2 loại, đó là nhóm cán bộ ngân hàng và nhóm đối tượng ngoài ngân hàng. Những nhóm đối tượng này thường chủ động phạm tội hoặc bị mua chuộc, lôi kéo dẫn đến hành vi phạm tội hoặc dùng thủ đoạn lừa đảo nhưng đều có sự thông đồng cấu kết, tiếp tay của cán bộ ngân hàng như tạo dựng các hồ sơ giả, giấy tờ giả, giả mạo chữ ký khách hàng gửi tiền tiết kiệm để tham ô, lừa đảo… đặc biệt là hành vi làm giả giấy rút tiền, mạo tên khách hàng gửi tiền tiết kiệm để rút một phần tiền từ ngân hàng.

 

Theo ông Nông Xuân Trường, Phó Trưởng phòng 1, Vụ 1 VKSNDTC, những vụ án nổi cộm, mới xảy ra gần đây cho thấy là do cán bộ ngân hàng đã sử dụng các DN tư nhân “sân sau” để thực hiện các hành vi tham ô, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhằm chiếm đoạt tiền của tổ chức ngân hàng và Nhà nước. Điển hình như tham nhũng tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển (Chi nhánh Đắc Lăk) sai phạm 1.000 tỷ đồng; Vụ Công ty An Khang Cần Thơ chiết khấu chứng từ giả chiếm đoạt gần 300 tỷ đồng của Ngân hàng Công thương và nhiều ngân hàng khác… Điều đáng quan ngại là trong tổng số 22 vụ án lớn trong hoạt động tín dụng, tài chính - ngân hàng có thiệt hại lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, trên 3.000 lượng vàng nhưng mới chỉ thu hồi được gần 2.000 tỷ đồng và việc phát hiện lại chủ yếu qua đơn thư tố cáo chứ không do công tác thanh tra, kiểm toán trong nội bộ của ngân hàng.

 

Qua những vụ lừa đảo, thất thoát tài sản liên quan tới các ngân hàng cho thấy, dù là nhân viên ngân hàng thực hiện hay thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng phần lớn đều do những lỗ hổng trong nghiệp vụ của các ngân hàng. Thậm chí, nhiều trường hợp xảy ra do sự tiếp tay, mách nước của cán bộ ngân hàng móc nối với các đối tượng bên ngoài để thực hiện hàng vi phạm tội. Mặt khác, môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt được coi là một trong những tác nhân chính đẩy cán bộ ngân hàng vào vòng tội phạm. 

 

Tuy nhiên, bên cạnh việc để xảy ra những vi phạm trong thời gian qua một phần là do công tác phát hiện và xử lý tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng còn yếu kém. Cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này cũng như việc thanh tra, kiểm tra, giám sát còn sơ hở và dễ bị lợi dụng. Nếu Thanh tra Ngân hàng đã không phát hiện kịp và xử lý nghiêm những vi phạm của các ngân hàng và các đối tượng ngoài xã hội… thì mấu chốt vấn đề là thiếu các quy định của pháp luật điều chỉnh, hướng dẫn việc xử lý các hành vi vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này. Ví dụ: Quy định cho vay thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc thế nào là lỗi cố ý, vô ý của cán bộ ngân hàng trong và ngoài quốc doanh theo các tội danh khác nhau; Chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là “có tính chất chuyên bóc lột”, tỷ lệ lãi suất bao nhiêu thì bằng “10 lần lãi suất mà pháp luật quy định”… Mặt khác, BLHS hiện hành chỉ có 1 điều quy định xử lý vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, trong khi còn rất nhiều các hoạt động nghiệp vụ khác như đầu tư, chuyển tiền thanh toán, bảo lãnh… 

 

Vì vậy, để có thể ngăn chặn những nguy cơ rủi ro từ thị trường tài chính hiện nay, bên cạnh việc “siết chặt” các hoạt động quản lý thì cần phải hoàn thiện BLHS đối với một số tội phạm về thuế, tài chính - kế toán; Bổ sung vào BLHS các quy định về tội phạm lĩnh vực đầu tư, chuyển tiền, bảo lãnh, thanh toán trong hoạt động các tổ chức tín dụng. Đồng thời, hướng dẫn và làm rõ các quy định liên quan đến các hình thức cho vay nặng lãi - tín dụng đen. 

 

Mai Thoa

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Pháp luật trong hoạt động tín dụng