Tình trạng mua bán sổ BHXH của NLĐ tại tỉnh Bình Dương bắt đầu quay trở lại. Với những chiêu trò mới, các “đầu nậu” tập trung mua sổ BHXH của những công nhân mượn hồ sơ đi làm, không chính chủ và dấu hiệu cho thấy có hành vi lợi dụng chính sách.
Những ngày vừa qua, trên những trang Facebook dành cho công nhân ở tỉnh Bình Dương như: Công Nhân KCN Mỹ Phước Club; Công Nhân KCN Bàu Bàng Group; Nhà Đất Mỹ Phước 1,2,3,4... bỗng xuất hiện dày đặc các đối tượng vào mời chào bán sổ BHXH.
Mới đây, tình trạng mua bán sổ BHXH của NLĐ tại tỉnh Bình Dương lại “sôi động” trở lại.
Đợt rao thu gom sổ BHXH lần này, các “đầu nậu” tung ra chiêu trò mới là chỉ tập trung mua sổ của những NLĐ mượn hồ sơ đi làm, làm hồ sơ giả để đăng ký vào làm việc tại các DN... Có "đầu nậu" còn đưa ra các chương trình “khuyến mãi” để chèo kéo công nhân bán sổ BHXH. Thậm chí, một số đối tượng còn lập tài khoản Facebook giả mạo cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương nhằm thu mua sổ BHXH của người lao động.
Những hành vi này diễn ra nhằm mục đích trục lợi từ BHXH. Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương Lê Minh Lý cho biết, "Đó là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến người lao động và uy tín của cơ quan BHXH tỉnh, nên đề nghị cơ quan Công an vào cuộc làm rõ”.
Ngô Thị Thúy Kiều - kẻ giả mạo BHXH tỉnh Bình Dương, để thu mua sổ BHXH - bị cơ quan công an mời làm việc. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)
Tình trạng này diễn ra là do những năm trước đây, tỉnh Bình Dương thu hút rất nhiều NLĐ khắp cả nước đến làm việc. Tuy nhiên, không ít NLĐ lại không có hồ sơ nhân thân, nhiều người chưa đến tuổi lao động nên phải mượn hồ sơ của anh, chị hoặc em… nhằm mạo danh để được vào công ty làm việc.
Trải qua quá trình dài, nhiều NLĐ đã được DN đóng BHXH với tên và hồ sơ mượn. Hậu quả là vừa làm việc vừa lo nơm nớp việc sau này không giải quyết được quyền lợi chế độ BHXH, BHYT…
Tuy nhiên, rất nhiều NLĐ do “lười”, ngại đối diện các thủ tục hoặc vướng bận công việc… nên đã không thực hiện điều chỉnh hồ sơ BHXH theo tên chính chủ cho mình. Như tại Bình Dương, đến nay qua mạng xã hội Facebook, đã thấy xuất hiện hàng loạt “đầu nậu” cùng đứng ra thu mua sổ BHXH loại này và hàng trăm NLĐ cần bán.
Những lời mời chào mua bán sổ BHXH lại xuất hiện trên mạng xã hội
Để tháo gỡ những vướng mắc này, năm 2016, BHXH Việt Nam đã có văn bản số 880/BHXH-ST hướng dẫn xử lý. Theo đó, người mượn hồ sơ cần đến Sở LĐ-TB&XH tỉnh (nơi làm việc) để trình báo về việc đi mượn hồ sơ của người khác để làm việc, sau đó Sở LĐ-TB&XH sẽ tiến hành kiểm tra, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với người mượn hồ sơ.
Tiếp đến, căn cứ vào biên bản và phiếu nộp phạt vi phạm hành chính, người mượn hồ sơ sẽ mang đến BHXH tỉnh kèm theo các hồ sơ để làm thủ tục hiệu chỉnh hồ sơ BHXH, cấp lại (hoặc cấp mới) sổ BHXH gồm: Tờ khai, giấy khai sinh, chứng minh thư/thẻ căn cước/hộ chiếu, sơ yếu lý lịch khai lại của người mượn hồ sơ (có xác nhận của người SDLĐ); bản xác nhận của người SDLĐ về thời gian NLĐ làm việc tại đơn vị; bản cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật của người cho mượn và người mượn hồ sơ…
Để chấm dứt tình trạng này, chủ yếu vẫn là do ý thức người dân phải tự nâng cao hiểu biết và mức độ cảnh bảo về loại hình tội phạm này.
Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ, qua đó chủ động phòng tránh được tổn thất cho các công nhân từ việc bị lợi dụng để bán rẻ sổ BHXH.