Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Nên cấm vì biến tướng gây nhiều hệ quả xấu cho xã hội

Ngọc Mai| 26/05/2020 20:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều ĐBQH cho rằng, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm, nhiều hệ quả xấu, thậm chí đe dọa đến tính mạng con người.

Chiều 26/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày nêu rõ: Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến các cơ quan của Quốc hội và Báo cáo của Chính phủ về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan đã nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).

Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Nên cấm vì biến tướng gây nhiều hệ quả xấu cho xã hội

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày  Báo cáo của UBTVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) 

Cụ thể, đã chỉnh lý, sửa đổi đối với áp dụng Luật Đầu tư và các luật có liên quan (Điều 4); chính sách về đầu tư kinh doanh (Điều 5); ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6); cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ; bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (Điều 9); hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư (Điều 15); thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (Điều 26); lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án (Điều 29).

Về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ (Điều 6) do còn nhiều ý kiến khác nhau, trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình 2 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định:

Phương án 1, giữ quy định như dự án Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Vì thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.

Phương án 2, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành. Vì việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị cần bổ sung quy định điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ để bảo đảm quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến về vấn đề này. Thống nhất với phương án 2 là không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành; đồng thời đổi tên gọi là kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu quan điểm, việc thực hiện theo phương án 1 chưa thỏa đáng vì không thể ngành nào Nhà nước quản lý khó là cấm kinh doanh mà nên tạo điều kiện cho người dân kinh doanh nhưng Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật sẽ dễ dàng hơn.

Theo đại biểu Hòa, thực tế cho thấy, ngành nghề nào bị cấm nhưng xã hội có nhu cầu rất cần thì lại tồn tại và hiện nay có những trường hợp ngành nghề trá hình nên Nhà nước rất khó quản lý.

Tuy nhiên, đại biểu Hòa cho rằng, Quốc hội cần quy định các điều kiện chặt chẽ, ràng buộc hơn; quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân có liên quan nếu thu hồi nợ theo kiểu xã hội đen vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm minh. Có như vậy mới hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phức tạp đối với việc thu hồi nợ theo kiểu xã hội đen như hiện nay.

Không đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) chọn phương án 1 về cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Theo đại biểu trong thời gian qua, hoạt động này đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, do quy định của Luật Đầu tư hiện hành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh đầu tư có điều kiện đang hoạt động. Đến nay, nếu như Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) xóa bỏ danh mục trên sẽ tác động không nhỏ tới loại doanh nghiệp này. Do đó, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị trong dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) cần phải có sự đánh giá tác động của việc xử lý loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ; nghiên cứu chính sách bù đắp, hỗ trợ cho loại hình doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi chấm dứt hoạt động.

Đồng quan điểm với đại biểu Tiến, đại biểu Phạm Như Hiệp (đoàn Thừa Thiên-Huế) cho rằng, cần cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ  vì quan hệ giữa bên vay và cho vay trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là quan hệ dân sự, đã có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan quản lý để bảo đảm thi hành và bảo vệ quyền, nghĩa vụ của hai bên. Với nhà nước pháp quyền, các vấn đề xã hội phải được điều chỉnh bằng pháp luật. Do đó, trong trường hợp tranh chấp về nợ không thể hoàn trả, thương lượng thì các bên có thể khởi kiện, nhờ người có hiểu biết chuyên môn pháp luật và thông qua cơ quan thi hành án thực thi việc trả nợ.

Một lý do nữa được đại biểu Hiệp đưa ra là, những đóng góp của ngành nghề này không tương xứng với tác động tiêu cực mà nó gây ra đối với xã hội. Dù hiện nay đã có quy định về dịch vụ kinh doanh đòi nợ nhưng nhiều cá nhân lợi dụng thành lập các băng nhóm, gây biến tướng trong xã hội, thực hiện các hành vi tội phạm nhằm chiếm đoạt tài sản, gây mất trật tự an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu, thậm chí đe dọa đến tính mạng con người, phát sinh tiêu cực, bảo kê lợi ích nhóm.

"Việc Quốc hội cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ là hoàn toàn hợp lý", đại biểu Phạm Như Hiệp khẳng định.

Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Nên cấm vì biến tướng gây nhiều hệ quả xấu cho xã hội

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ

Liên quan vấn đề này, trong phần phát biểu giải trình thêm sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Ban soạn thảo cũng đồng tình với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý tại phiên họp. Cụ thể là giữ quy định như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Vì thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về nội dung này, Chính phủ đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, tổ chức hội thảo, hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học nhiều lần, và chuẩn bị rất thận trọng khi đề xuất ủng hộ phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này cũng đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước qua hoạt động đầu tư, tránh tình trạng đầu tư núp bóng, đầu tư chui của doanh nghiệp nước ngoài tại các vùng nhạy cảm về quốc phòng, an ninh.

Phát biểu kết luận về phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, có 19 ý kiến đại biểu phát biểu ý kiến đóng góp, 4 đại biểu tham gia tranh luận và 18 ý kiến đăng ký thảo luận nhưng chưa được phát biểu cho dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Với những đại biểu chưa được phát biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu các đại biểu gửi nội dung ý kiến về Ban Thư ký.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đóng góp, đề xuất ý kiến đối với các vấn đề: chính sách về đầu tư kinh doanh, ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện... Đa số các đại biểu thống nhất với phương án cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được ghi âm đầy đủ. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, đề nghị Ủy ban Kinh tế yêu cầu cơ quan soạn thảo xem xét kỹ lưỡng lại Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội thông qua.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Nên cấm vì biến tướng gây nhiều hệ quả xấu cho xã hội