Kiên quyết chuyển xử lý hình sự các vụ việc có dấu hiệu rõ ràng, đồng thời thanh tra đến cùng vụ việc, kiên quyết thu hồi tài sản do phạm tội mà có”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh công tác thanh tra liên quan đến các vụ tiêu cực, tham nhũng.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị
Ngày 11/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra năm 2017 của Thanh tra Chính phủ.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ: Năm 2016, toàn ngành thanh tra đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao, trên tất cả các mặt công tác đều có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém mà ngành cần khắc phục. Việc xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra còn chậm, chưa sát thực tế; chất lượng kết luận một số cuộc thanh tra chưa cao, chưa huy động được ý kiến phản biện, góp ý chuyên sâu của các chuyên gia; trong giải quyết khiếu nại tố cáo chưa gắn việc tiếp công dân với đối thoại nên kết quả còn hạn chế, việc giải quyết còn chậm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Tình hình tham nhũng đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi; việc phát hiện và xử lý tham nhũng qua thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn hạn chế; một số hạn chế trong công tác xây dựng ngành đã tồn tại từ nhiều năm trước nhưng đến nay chưa khắc phục triệt để…
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh một số nội dung chính mà ngành cần nỗ lực thực hiện trong năm 2017.
Đó là, tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Thông báo kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị toàn quốc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2016.
Thực hiện các cuộc thanh tra khoa học, bảo đảm yêu cầu và nội dung định hướng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung thanh tra chuyên đề một số lĩnh vực như quản lý sử dụng đất đai, tập trung vào việc chuyển đổi sử dụng nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích sử dụng khác; công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật về quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường tại một số khu công nghiệp và khu đô thị mới, nhất là thanh tra một số tổ chức tài chính, ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao, có nguy cơ mất vốn, tài sản; công tác quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo.
Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu, tổ chức quán triệt và triển khai các chủ trương, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là tăng cường công tác phát hiện, phối hợp xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.
Nhấn mạnh đến đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu ngành thanh tra cần tăng cương kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, tăng cường phối hợp công tác với các bộ, ngành, địa phương.
“Chỉ đạo cơ quan thanh tra thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, gắn với thanh tra đột xuất để làm rõ các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Kiên quyết chuyển xử lý hình sự các vụ việc có dấu hiệu rõ ràng, đồng thời thanh tra đến cùng vụ việc, kiên quyết thu hồi tài sản do phạm tội mà có”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Đặc biệt, cần làm rõ nguyên nhân khiếu nại tố cáo đông người, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra giải pháp có hiệu quả, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thực tiễn từ công tác giải quyết khiếu nại tố cáo cho thấy, để xảy ra tình trạng này có nguyên nhân của công tác quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương chưa công khai, minh bạch, việc áp giá đền bù có nhiều sai sót so với quy định của Nhà nước. Việc giải quyết hài hoà lợi ích của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư chưa thoả đáng, thiếu công bằng, có dấu hiệu liên quan đến lợi ích nhóm, có nơi nhà đầu tư được hưởng lợi nhiều hơn còn người dân bị thu hồi đất đai thì chưa được đền bù thoả đáng.
Năm 2017, ngành thanh tra cần quán triệt thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại Hội nghị, năm 2016, toàn ngành đã triển khai 6.586 cuộc thanh tra hành chính và 252.592 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 59.403 tỷ đồng, 4.000 ha đất, đã kiến nghị thu hồi 37.957 tỷ đồng, 1.267 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 21.446 tỷ đồng, 2.735 ha đất; ban hành 162.894 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5.403 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.763 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 90 vụ việc, 138 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực. Toàn ngành đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.388 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác 10.508/14.909 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 70,5% (tăng 12,2% so với năm 2015), 488/567 ha đất, đạt tỷ lệ 86% (tăng 15% so với năm 2015), đôn đốc xử lý 850 tập thể, 2.030 cá nhân, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 18 vụ, 23 đối tượng. Về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 23.397/27.164 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 86,1% (tăng 2,1% so với năm 2015). Về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 30 vụ, 60 người có hành vi liên quan đến tham nhũng.Giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 16 vụ, 20 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan, tổ chức đã phát hiện 5 vụ, 5 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. |