Vấn đề quan tâm

Kiên Giang: Hàng loạt căn nhà không phép đua nhau lấn biển

Thái Đoàn 10/09/2024 17:59

Hàng trăm ngôi nhà không phép, xây lấn biển tại xã đảo Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang). Thực trạng này không những ảnh hưởng mỹ quan mà còn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển.

Hòn Nghệ là một hòn đảo thơ mộng được thiên nhiên ban tặng với những núi đá vôi với cảnh đẹp say đắm lòng người. Những bãi tắm nước trong xanh nằm khu Bãi Chướng ở trên đảo với làn nước trong xanh và bờ cát mịn màng.

4-hn.jpg
Khu vực bãi cát mịn màng, dòng nước xanh trong ngay cạnh Miếu Bà Chúa Xứ ấp Bãi Chướng

Đảo Hòn Nghệ sở hữu khí hậu trong lành, mát mẻ và có vị trí nằm khuất bên trong Vịnh Hà Tiên nên ít bị ảnh hưởng bởi gió bão. Người dân sống trên hoàn đảo này sống nhờ thu nhập từ biển với nghề đánh bắt thủy hải sản và nuôi thủy sản trên bè. Nhờ được thiên nhiên đãi ngộ và mưa thuận gió hòa, nên bình quân thu nhập đầu người trên đảo khá cao.

Thế nhưng, thực trạng xây nhà trái phép, không phép đã đang biến hòn đảo trù phú và thơ mộng này ngày càng mất đi cảnh đẹp thiên nhiên cũng như mất dần đi “chén cơm” của người dân nơi đây vì không biết nắm bắt giữ những ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng.

Theo số liệu UBND xã Hòn Nghệ cung cấp, hiện trên địa bàn xã Hòn Nghệ có 626 hộ dân với hơn 2.300 nhân khẩu sinh sống. Thực địa tai địa phương, phóng viên ghi nhận có rất ít ngôi nhà kiên cố được xây dựng trên mặt đất mà chủ yếu xây dựng dọc theo bờ biển của hòn đảo này.

8hn.jpg
Nhà người dân đồng loạt lấn ra biển tại khu vực ấp Bãi Nam

Tại ấp Bãi Nam từ cổng chùa Linh Tôn Cổ Tự chạy xuống con đường dài khoảng 3km bờ biển đều được người dân "vô tư" xây hàng trăm ngôi nhà trên biển.

6hn.jpg
Nhiều ngôi nhà mới xây lấn biển tại ấp Bãi Chướng

Tựơng tự khu vực ấp Bãi Chướng đoạn trước UBND xã Hòn Nghệ đến Miếu Bà Chúa Xứ có chiều dài khoảng hơn 1km nhưng có tới hàng trăm căn nhà được đóng trụ bê tông xây dựng trên biển. Thậm chí có những ngôi nhà nằm gọn trên biển.

Nhiều người dân nơi đây cho biết, việc xây dựng nhà trên biển hoặc lấn một phần trên biển đều do chính quyền tạo điều kiện cho xây dựng vì diện tích đất nhỏ hoặc không có đất. Bởi phần lớn diện tích trên đảo Hòn Nghệ đều là rừng nên không thể phá rừng để làm nhà được.

1.hnjpg.jpg
Ống dẫn nước sinh hoạt người dân được thải trực tiếp ra biển

Do các hộ dân xây nhà trên biển, khi sử dụng các nguồn nước sinh hoạt đều đổ thẳng ra biển, không qua hệ thống xử lý. Thực tế này gây ô nhiễm môi trường biển dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng như: gây hại đến sức khỏe con người, tàn phá môi trường, đe dọa đến hệ sinh thái biển, nguồn lợi hải sản.

2hn.jpg
Chợ Hòn Nghệ được xây dựng trên biển

Không chỉ người dân xây nhà trên biển mà UBND xã Hòn Nghệ cũng đã bỏ ra gần 5 tỷ đồng xây cầu cảng và chợ Hòn Nghệ với diện tích cả ngàn mét vuông nằm đối diện với UBND xã. Mặc dù chợ đã đi vào hoạt động hơn một năm nay nhưng không nhận được sự quan tâm của nhiều tiểu thương.

3-hn.jpg
Không có tiểu thương buôn bán, chính quyền xã Hòn Nghệ cho người dân bán cà phê, ăn sáng và đồ nhậu

Những người dân xã đảo Hòn Nghệ cho biết, họ không đến kinh doanh tại chợ vì đã quen với cảnh mua bán “di động” hàng ngày. Chỉ cần gọi điện là có thực phẩm cần mua ngay trước cửa nhà. Chính vì chợ Hòn Nghệ không có tiểu thương nên chính quyền xã Hòn Nghệ đã cho một người dân thuê lại bán cà phê, ăn sáng và đồ nhậu.

5hn.jpg
Xây dựng nhà trên biển không những làm mất mỹ quan mà còn gây ô nhiễm môi trường biển

Trao đổi với chúng tôi về tình hình xây dựng nhà trên biển, một cán bộ xã Hòn Nghệ (Kiên Lương, Kiên Giang) thừa nhận: Hầu hết nhà dân xây dựng đều không có giấy phép xây dựng, thậm chí nhà không có GCNQSDĐ vì không có đất mà cấp giấy. Chính vì vậy chính quyền mới tạo điều kiện cho người dân xây dựng nhà để ở.

Đến nay xã Hòn Nghệ hiện chưa đủ tiêu chí công nhận đảo du lịch nên du khách quốc tế chưa đến hòn đảo này khám phá. Nhưng về sau này, khi có nhiều du khách đến tham quan thì mức độ ô nhiễm sẽ có nguy cơ trầm trọng hơn.

Với cung cách quản lý và tầm nhìn có phần hạn hẹp của địa phương khiến nhiều người lo ngại về những hệ lụy về hệ sinh thái biển, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy hải sản và phá vỡ môi trường thiên nhiên nơi đây.

Báo Công lý tiếp tục thông tin.

Ngày 1/7/2022, UBND huyện Kiên Lương đã ban hành, về việc tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-UBND và ngày 24/8/2021 Chỉ thị số 06/CT-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Trong chỉ thị này nêu: Cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, môi trường, tài nguyên nước, tài nguyên môi trường biển và hải đảo trên địa bàn huyện Kiên Lương. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án đầu tư có thu hồi đất trên địa bàn huyện, đặc biệt là những dự án trọng điểm có ảnh hưởng đến sự phát triến kinh tế - xã hội của huyện.

Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước và môi trường trên địa bàn huyện, qua đó tham mưu kiên quyết xử lý hoặc đề xuất xử lý đối với các trường hợp cho thuê, cho mượn trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích, không đúng đối tượng, không thực hiện đăng ký đất đai, lấn chiếm đất công ích; phối hợp xử lý nghiêm đối với các trường hợp hoạt động khoáng sản như: Thăm dò, khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản… trái phép, các hành vi gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện…

Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện về quản lý đất đai, khoáng sản và môi trường trên địa bàn. UBND huyện kiên quyết xử lý nghiêm đối với các địa phương buông lỏng quản lý, để phát sinh tình trạng vi phạm kéo dài và để các phương tiện truyền thông phản ánh, gây mất an ninh trật tự mà không có biện pháp bảo vệ, đấu tranh, xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Hàng loạt căn nhà không phép đua nhau lấn biển