Trận mưa kéo dài từ ngày 9-10/6 đã khiến một số khu vực trên địa bàn TP. Hà Giang bị ngập sâu trong nước. Để tìm hiểu rõ nguyên nhân, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn và các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang đã đi kiểm tra thực tế tình hình hoạt động của một số nhà máy thủy điện trên sông Miện và kiểm tra hiện trạng dòng chảy một số đoạn dọc theo sông Lô.
Theo đó, đoàn đã kiểm tra cụ thể số liệu thông số thủy văn cập nhật trên hệ thống của các nhà máy thủy điện sông Miện 5, sông Miện 5A, sông Miện 6; hiện trạng dòng chảy sông Lô đoạn từ Cầu Mè xuống khu vực cổng chào thành phố Hà Giang.
Qua kiểm tra cho thấy, trong ngày 10/6, lưu lượng nước dồn về nhà máy thủy điện sông Miện 5 và sông Miện 5A trung bình gần 700m3/giây; khoảng từ 4 giờ đến 7 giờ sáng, lưu lượng nước dồn về khoảng 1.000m3/giây.
Đối với nhà máy thủy điện sông Miện 6, lưu lượng nước dồn về trung bình khoảng 750m3 /giây, khoảng từ 4 giờ đến 7 giờ sáng 10/6, lưu lượng nước dồn về đỉnh điểm khoảng 1.800m3 /giây.
Các nhà máy thủy điện đã vận hành đúng quy trình; thực hiện công tác phối hợp nên phía hạ lưu của các nhà máy không bị ảnh hưởng. Thực tế diện tích hoa màu nằm sát bờ sông ngay dưới hạ lưu nhà máy sông Miện 5 không bị ảnh hưởng.
Qua đối chiếu số liệu giữa lưu lượng nước vào và lưu lượng xả lũ, các nhà máy thủy điện trên sông Miện vận hành đúng quy trình, không tích nước trong lòng hồ.
Nguyên nhân gây ngập úng được xác định do lượng mưa lớn gây ra lũ cục bộ, lượng nước từ khu vực suối thuộc các xã Minh Tân, Thuận Hòa, Tùng Bá (Vị Xuyên) dồn về quá lớn khiến nước không thể thoát kịp nên đã gây ra ngập úng.
Qua tính toán, lượng nước từ các xã này dồn về cục bộ tương đương với lượng nước dồn về nhà máy thủy điện sông Miện 5A. Về dòng chảy một số đoạn trên sông Lô bị quanh co, thu hẹp so với trước đây nên việc tiêu thoát nước lũ bị chậm.
Qua kiểm tra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đánh giá, nguyên nhân gây ra ngập úng không phải do các nhà máy thủy điện mà do lượng nước lũ dồn về cục bộ nên nước không thoát kịp.
Tình hình thời tiết dự báo còn diễn biến phức tạp, trong khi đó tỉnh có địa hình phức tạp, độ dốc cao; vì vậy, các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công điện của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Thực thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; nắm bắt tình hình dự báo thời tiết để chủ động phương án phòng, chống thiên tai hiệu quả; bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Rà soát để có phương án di dời các hộ ở nơi nguy cơ sạt lở cao về nơi an toàn; bố trí tái định cư xen ghép để giúp người dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.
Các nhà máy thủy điện cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy trình xả lũ; thực hiện tốt quy chế phối hợp để không gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Đối với khu vực dọc bờ sông Lô từ cầu Mè đến khu vực cổng chào thành phố, các ngành chức năng cần tính toán, mời đơn vị tư vấn, khảo sát để xem xét việc xây dựng kè dọc bờ sông nhằm mở rộng dòng chảy, tăng khả năng thoát lũ; rà soát lại toàn bộ diện tích đất dọc theo bờ sông để có biện pháp quản lý hiệu quả.