Càng cận ngày Trung thu, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện ngày càng nhiều các loại bánh, cả truyền thống và các đơn vị cung ứng có thương hiệu. Trên các tuyến đường phố, nhiều gian hàng lưu động được lắp đặt để bày bán sản phẩm bánh Trung thu. Cơ quan chức năng đã thành lập đoàn kiểm tra chất lượng, tránh rủi ro đáng tiếc.
Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 300 cơ sở sản xuất bánh trung thu, hơn 2.000 siêu thị, cửa hàng và địa điểm kinh doanh bánh trung thu và các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu, tập trung trong thời gian cao điểm từ rằm tháng 7 đến rằm tháng 8.
Những năm gần đây, nhiều cơ sở sản xuất đã tiếp cận với công nghệ làm bánh tân tiến, đáp ứng nhu cầu thị trường. Toàn bộ công đoạn chế biến, sản xuất đều được sử dụng bằng máy móc công nghệ cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh các loại bánh trung thu có thương hiệu, uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, vẫn có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm là hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng.
Điều này ảnh hưởng tới các cơ sở có uy tín, thương hiệu, “con sâu làm rầu nồi canh”. Để sản xuất ra những chiếc bánh thơm, ngon, chất lượng, cơ sở đã đầu tư một số trang thiết bị hiện đại, đặc biệt chú trọng đến khâu lựa chọn nguyên liệu, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, rõ ràng.
Cứ mỗi dịp Trung thu, các cơ sở chế biến bánh gia truyền chủ động đưa ra thị trường nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú. Ngoài bánh nướng, bánh dẻo, nhiều đơn vị đã đưa ra nhiều loại sản phẩm với nhiều hương vị khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Các cơ sở sản xuất đã đầu tư nhiều hơn về mẫu mã sản phẩm.
Trên mỗi bao bì đều ghi rõ thông tin nhà sản xuất, thành phần, định lượng và hạn sử dụng. Nhằm đưa bánh đến tay người tiêu dùng, ngoài phương thức bán hàng truyền thống, các cơ sở sản xuất đã giới thiệu sản phẩm bánh qua zalo, Facebook, website… để người tiêu dùng lựa chọn và đánh giá sản phẩm một cách công khai, công tâm.
Đến thời điểm hiện tại, thị trường bánh năm nay có phần ảm đạm, sức mua giảm. Các nhà cung ứng phải điều chỉnh giá mỗi chiếc bánh Trung thu cũng ở mức vừa phải trung bình từ 30 – 70.000 đồng/chiếc. Các sản phẩm đồ ngọt nói chung đang rơi vào tình trạng bảo hòa, kén người dùng, hầu như chỉ là mua tặng hay làm quà.
Ngày 21/8, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Phủ Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng đã ký quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2024.
Đoàn kiểm tra số 1 gồm các ông Nguyễn Đức Toàn, Chánh Thanh tra Sở Công Thương làm Trưởng đoàn; đoàn kiểm tra số 2 do ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế làm Trưởng đoàn; đoàn số 3 do bà Lê Thị Huyền Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn.
Nhiệm vụ của các đoàn liên ngành là kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống; kiểm tra đột xuất các cơ sở thực phẩm theo đề nghị của chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có cơ sở được kiểm tra hoặc ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh.
Thời gian kiểm tra từ ngày 23/8/2024 đến ngày 17/9/2024. Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 sẽ kiểm tra 35 đơn vị; đoàn kiểm tra số 2 kiểm tra 34 đơn vị; đoàn kiểm tra số 3 sẽ kiểm tra 33 đơn vị.
Sau khi kiểm tra, các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm sẽ xử lý hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; tổng hợp, báo cáo cho Chủ tịch UBND tỉnh kết quả kiểm tra theo quy định.