Doanh nghiệp - Doanh nhân

Kịch bản tăng trưởng GDP quý cuối năm

Trang Nhi 02/10/2023 08:26

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng GDP cho quý IV cũng như cả năm 2023.

Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội, với tăng trưởng GDP quý III ước đạt 5,33%; 9 tháng ước đạt 4,24%. Trên cơ sở kết quả 9 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023.

gdp.jpg
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng GDP cho quý IV cũng như cả năm 2023

Cụ thể, có 3 kịch bản được đưa ra, trong đó cao nhất là 6%. Với kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5%, quý IV cần tăng 7% (quý 4/2022 tăng 5,92%). Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%. Kịch bản 3, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.

Tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngoài ra, còn phụ thuộc sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024.

Đánh giá về cơ hội của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian tới, Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng qua thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch; gia tăng đóng góp của số hóa, công nghệ cao vào tăng trưởng, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài..

Cũng tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ KH&ĐT đã tham mưu, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm.

Trong đó, tập trung tổ chức, thực thi một cách quyết liệt, tổng thể và đồng bộ từ tất cả các cấp, ngành, địa phương các giải pháp, chính sách đã ban hành để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là các chính sách về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư.

Tập trung thúc đẩy thị trường trong nước; tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển.

Song song với các giải pháp trên, Bộ KH&ĐT cho rằng cần đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, tranh thủ các cơ hội mới từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ để thu hút các tập đoàn đa quốc gia: đầu tư, hợp tác hình thành hệ sinh thái chíp, bán dẫn, sản xuất linh kiện, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực công nghệ cao; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, bảo đảm đời sống người dân.

Tiếp tục chú trọng phát triển toàn diện văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế...; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính sách, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân vào sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế; sự lãnh đạo, quyết sách của Đảng, Quốc hội, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương... để phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý IV, đặc biệt là tạo đà cho năm 2024 và các năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kịch bản tăng trưởng GDP quý cuối năm