Khung hình phạt nào cho nhóm đối tượng tống tiền 2 vị Phó Chủ tịch TX Nghi Sơn?

Thanh Phương| 28/07/2020 21:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhóm đối tượng bàn bạc, thống nhất với nhau tống tiền 2 vị Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) với cái giá giật mình 25 tỷ đồng để mua sự im lặng. Khung hình phạt cao nhất cho các đối tượng này lên tới 20 năm tù giam.

Theo kết quả điều tra của cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa, giữa tháng 5/2020, giả mạo là giám đốc một doanh nghiệp ở TP Thanh Hóa, Nguyễn Quốc Hưng, sinh năm 1979, trú tại thành phố Hà Nội lấy lý do gặp gỡ, trao đổi công việc để tiếp cận với 2 đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tại phòng làm việc của 2 vị lãnh đạo này, Hưng cố tình tặng quà, tiền và lén quay video lại. Đoạn clip này nhanh chóng trở thành công cụ để Hưng cùng đồng bọn uy hiếp, yêu cầu các bị hại phải bỏ ra khoản tiền 25 tỷ đồng để mua lại sự im lặng. Đoạn clip còn được tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín của 2 đồng chí lãnh đạo này.

Khung hình phạt nào cho nhóm đối tượng tống tiền 2 vị Phó Chủ tịch TX Nghi Sơn?

Hai Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn bị nhóm đối tượng tống tiền khủng

Ngay sau khi nhận được báo cáo của cấp ủy, chính quyền và bản thân 2 đồng chí lãnh đạo UBND thị xã Nghi Sơn, Giám đốc và Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã chỉ đạo phòng Cảnh sát hình sự lập án đấu tranh, điều tra, làm rõ.

Trong quá trình đấu tranh, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa đã xác định: Chủ mưu trong vụ việc này là đối tượng Lê Xuân Hoàng, sinh năm 1978, trú tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Căn cứ trên những tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 đối tượng liên quan gồm: Lê Xuân Hoàng, Nguyễn Quốc Hưng, Lê Trần Sính, Lê Trần Tiến Đạt, Phạm Văn Ân và Lê Doãn Tài về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.

Trung tá Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đây là vụ việc hết sức phức tạp. Cầm đầu ổ nhóm tội phạm này là đối tượng Lê Xuân Hoàng - Một đối tượng đã từng có thời gian làm việc trong một cơ quan bảo vệ pháp luật tại TP Hà Nội. Bị kỷ luật, buộc thôi việc, Hoàng đã cầm đầu một ổ nhóm chuyên đi cưỡng đoạt tài sản.

Khung hình phạt nào cho nhóm đối tượng tống tiền 2 vị Phó Chủ tịch TX Nghi Sơn?

Lê Xuân Hoàng tại cơ quan điều tra

Với thủ đoạn hết sức tinh vi, Hoàng đã lên kịch bản chi tiết, phân vai cho từng đối tượng, trong đó 2 đối tượng Phạm Văn Ân và Lê Doãn Tài là các phóng viên của tạp chí. Các đối tượng trong ổ nhóm này không biết nhau, nhiệm vụ được Hoàng phân công đến đâu, giai đoạn nào là dừng ở đó nên quá trình điều tra, đấu tranh hết sức khó khăn.

Trao đổi với PV, Luật sư Lê Thị Hoài Tấn, Trưởng Văn phòng luật sư Tấn Phương phân tích: Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội có hành vi uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản bằng những thủ đoạn đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác làm cho người có trách nhiệm về tài sản lo sợ mà phải giao tài sản. Hành vi đe dọa có thể là lời nói hoặc hành động.

Thông thường, thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần mà người phạm tội thường sử dụng như: Doạ sẽ tố cáo việc phạm tội hoặc việc làm sai trái của người có tài sản hoặc người có tránh nhiệm về tài sản.v.v... Tội cưỡng đoạt tài sản cùng lúc xâm hại đến hai khách thể (quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân), nhưng chủ yếu là quan hệ sở hữu. Trong đó, việc xâm hại đến quan hệ nhân thân không phải mục đích của tội phạm mà chỉ đe dọa tinh thần bị hại phải giao tài sản.

Tội cưỡng đoạt tài sản là tội có cấu thành hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi phân tích ở trên chứ không phụ thuộc vào việc có chiếm đoạt được tài sản hay không.

Tội cưỡng đoạt tài sản được quy định rõ tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau:

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Các đối tượng Lê Xuân Hoàng, Nguyễn Quốc Hưng, Lê Trần Sính, Lê Trần Tiến Đạt, Phạm Văn Ân và Lê Doãn Tài có hành vi dùng các thủ đoạn gây áp lực rất lớn về tinh thần với ông T. để buộc ông này phải giao tài sản theo đòi hỏi mà các đối tượng đưa ra. Ngoài ra, các đối tượng đã có sự bàn bạc, tính toán kỹ lưỡng, lên kế hoạch từ trước, thể hiện tính có tổ chức và có tính chất chuyên nghiệp (trước đó đã thực hiện hành vi tương tự với 1 vị Phó Chủ tịch khác) và có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị lên tới 25 tỷ đồng. Hành vi trên có thỏa mãn các dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản thuộc khoản 4 Điều 170BLHS, khung hình phạt là phạt từ 12 năm đến 20 năm tù và còn có thể bị phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khung hình phạt nào cho nhóm đối tượng tống tiền 2 vị Phó Chủ tịch TX Nghi Sơn?