Chiến tranh đã lùi xa, những vết thương trên da thịt và cả trên hình hài đất nước đã lành, dân tộc chuyển mình phát triển kỳ vĩ; ký ức về một thời vệ quốc hào hùng sẽ mãi mãi được lưu danh...
Hang Co Phương, nơi những nữ dân công hy sinh anh dũng
Tôi cúi mình, rưng rưng, thành kính thắp cho các bậc tiền nhân, những người không ai nhớ mặt nhớ tên một nén nhang. Chẳng xúc động sao được khi đây là mồ chung của những cô gái tuổi độ đôi mươi bị chôn vùi sau đợt mưa bom, bão đạn.
Bản Sại (xá Phú Lệ, Quan Hóa) cách TP Thanh Hóa khoảng 160 km. Nơi đây từng bị đánh phá ác liệt trong 2 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Tại đây có khu núi đá Pố Há có chiều dài 60m, rộng khoảng 40m, gồm các phiến đá lớn chồng xếp lên nhau, xung quanh núi là đồi đất. Hang có diện tích khoảng 20m2 , nơi cao nhất của hang khoảng 4m, hang có 2 cửa đi vào, càng đi sâu vào bên trong lòng hang càng hẹp.
Cụ Vi Văn Tơm kể về những ngày tháng mưa bom, bão đạn tại bản Sại
Theo tài liệu, đầu năm 1950, lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới, Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn dân chuyển bị đầy đủ mọi điều kiện để chuyển sang tổng phản công. Nhân dân Thanh Hóa hòa cùng đồng bào cả nước chuẩn bị sức người, sức của để phục vụ kháng chiến. Bản Sại, trong đó có hang Co Phương vừa là kho, trạm quân lương, cũng là nơi trú quân của bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến. Lương thực, thực phẩm, vũ khí ngoài việc chuyển bộ bằng xe đạp thồ còn được vận chuyển bằng thuyền ngược sông Mã.
Tới khu vực Phú Lệ dòng sông cạn, thuyền bè đi lại khó khăn lại phải chuyển bằng đường bộ. Đường 15A đoạn qua xã Phú Lệ có 2 cây cầu huyết mạch luôn bị máy bay giặc ném bom, bắn phá. Để đảm bảo giao thông, đoạn đường này luôn cần có lực lượng lớn TNXP, dân công hỏa tuyến. Chính nơi đây đã ghi lại dấu ấn và thể hiện ý chí quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh quên mình để chi viện cho chiến trường của quân và dân ta, với quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược.
Sau khi nhận nhiệm vụ được giao, ngày 6/3/1953, huyện Thiệu Hóa đã tổ chức 3 trung đội dân công, mỗi trung đội có 45 người lên Quan Hóa làm đường và cầu Phú Lệ. Từ 17-30/3, đoàn dân công Thiệu Hóa đan sọt, gánh đá làm đường Vạn Mai (Hòa Bình). Ngày 31/3 đơn vị được điều về làm cầu Phú Lệ.
Theo lời cụ Vi Văn Tơm, hơn 80 tuổi, nhân chứng sống tại bản Sại: “Máy bay Pháp bay dọc bờ sông Mã, chúng bay rất thấp, tới bản Sại thì trút mưa bom xuống. Tiếng bom nổ rung trời. Cảnh tượng thật hãi hùng. Cây rừng đổ ngổn ngang, xác người vương vãi khắp nơi.”. Vào khoảng 3 giờ chiều ngày 2/4/1953, máy bay Pháp đã bất ngờ thay nhau quần đảo, thả bom tàn sát khu vực bản Sại, làm nhiều TNXP, dân công hỏa tuyến đang ở độ tuổi thanh xuân đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, mở đường phục vụ các chiến dịch, trong đó có chiến dịch Thượng Lào.
Ở dốc Phú Lệ, một số người làm đường trúng bom. Đặc biệt, tại địa điểm hang Co Phương bị đánh sập và chặn cửa hang làm thiệt hại nặng nề. Tiểu đội dân công 13 người xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang trú ẩn trong hang bị bom đánh sập làm 11 người hy sinh, một người bị thương nặng khi chuyển tới bệnh viện Hồi Xuân để cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng đã hy sinh. Một người đã ra khỏi hang trước khi bom rơi nên còn sống sót.
Hang Co Phương nơi những người dân công hỏa tuyến hy sinh
Cho đến nay vẫn chưa xác định được số người còn nằm lại trong hang. Trong số những người hy sinh tại hang Co Phương chủ yếu là dân công hỏa tuyến huyện Thiệu Hóa, TNXP và bộ đội. Trận bom giặc Pháp ném xuống bản Sại ngày 2/4/1953, huyện Thiệu Hóa có 24 người hy sinh. Theo hồ sơ lưu trữ tại Sở LĐTB&XH có 27 trường hợp dân công hỏa tuyến huyện Thiệu Hóa hy sinh tại xã Phú Lệ, trong đó 24 trường hợp hy sinh ngày 2/4/1953 và 3 trường hợp hy sinh ngày 13/2/1952.
Những người hy sinh đa số đều đang độ tuổi thanh xuân, một số mới lập gia đình, có con nhỏ. Vì tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc họ đã lên đường làm nhiệm vụ phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến. Huyện Thiệu Hóa là địa phương có số người hy sinh nhiều nhất tại hang Co Phương đã họp bàn tìm hài cốt liệt sỹ tại đây. Nhiều người đã tính đến phương án đi dời tảng đá lớn ở cửa hang để quy tập hài cốt các liệt sỹ. Tuy nhiên, việc tìm và xác định danh tính sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Sau đó những thân nhân liệt sỹ và chính quyền đã đi đến thống nhất giữ nguyên vị trí những người đã yên nghỉ trong lòng hang.
Phía trong gần cửa hang hiện có một mộ chung tượng trưng được xây bằng xi măng, trên đặt bát hương để mọi người đến viếng thăm và dâng hương tưởng niệm. Ở cửa hang rộng nhất gần với bia liệt sỹ hiện nay còn 1 phiến đá to, bên cạnh là một nấm mồ đất. Người dân địa phương cho biết, sau khi bom nổ, phiến đá to rơi xuống đè một người dân công. Do phiến đá quá to, nặng nên không lấy thi hài ra được. Nhân dân ở đây mai táng bằng cách đắp đất lên tảng đá đè lên thi hài tạo thành nấm mồ ở cửa hang. 3 hố bom lớn xung quanh hang đã được người dân san lấp để cấy lúa và làm nhà ở xung quanh.
Năm 1999, UBND tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà bia tưởng niệm tại Hang Co Phương. Đến năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2012), UBND tỉnh Thanh Hóa đã lập quy hoạch, tôn tạo khu di tích lịch sử cách mạng hang Co Phương. Vì vậy, hang Co Phương đã trở thành một địa điểm lịch sử cách mạng, kháng chiến thiêng liêng, được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng “Di tích lịch sử cách mạng” vào năm 2012.
Hàng năm vào ngày 2/4 (ngày giỗ chung), ngày rằm, mùng Một hàng tháng, ngày lễ, tết, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, huyện, xã, thân nhân liệt sỹ, nhân dân địa phương đều đến thăm viếng và dâng hương tưởng nhớ các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là sự tri ân của các thế hệ hiện nay đối với các bậc tiền bối đã chiến đấu và hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
1 trong những quả bom giặc Pháp ném xuống bản Sại
Cần đầu tư để cho di tích hang Co Phương xứng tầm
Di tích hang Co Phương đã bị ảnh hưởng và tàn phá của thời gian. Mặc dù đã được tỉnh Thanh Hóa quan tâm, chỉ đạo xây dựng thành di tích cấp tỉnh nhưng tầm vóc của sự kiện bi tráng ấy chưa tương xứng với những người đã ngã xuống và mong mỏi tha thiết của người dân.
Câu chuyện những người hy sinh tại Phú Lệ và bỏ xác lại trong hang Co Phương cũng tương tự như câu chuyện của 10 cô gái Đồng Lộc và "hang Tám Cô". Họ là những người có công với cách mạng, sẵn sàng xả thân vì cách mạng nên cần được tôn vinh. Sự kiện lịch sử nêu trên có gắn liền với con đường 15A huyền thoại, song dường như, con đường đó giờ đây cũng đang bị quên lãng.
Trong cuộc kháng chiến chống lại thực dân Pháp xâm lược nước ta, đường 15A là huyết mạch giao thông đặc biệt quan trọng đối với việc vận chuyển quân, lương phục vụ cho Điện Biên Phủ và chiến dịch Thượng Lào. Tầm quan trọng của đường 15A không khác gì đường QL1A hay đường mòn Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ. Từng đoàn dân công đi theo con đường này, người gánh bồ, người thồ xe đạp những vật dụng cần thiết phục vụ cho chiến trường. Để đảm bảo một gánh gạo, một xe lương thực đưa đến Điện Biên Phủ còn nguyên vẹn, dân công đi từ 30-50km thì có tiền trạm. Bà con phục vụ dân công ăn uống rồi đùm thêm cơm nắm cho họ mang đi dùng dọc đường. Vai trò của đường 15A gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp và cho đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng con đường này. Do vậy, ngoài hang Co Phương, Nhà nước cần quan tâm đầu tư, đường 15A xứng đáng được vinh danh.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết: Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, địa bàn xã Phú Lệ là điểm giáp ranh giữa Thanh Hóa, Hòa Bình và nước bạn Lào nên bị ném bom, đánh phá rất ác liệt. Rất nhiều người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Việc Pháp rải bom xuống bản Sài, xã Phú Lệ được sử sách ghi lại. Đây là sự kiện rất bi tráng, cho tới nay cũng chưa xác định hết được số người đã hy sinh ở nơi này. Năm 1999, UBND tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà bia tưởng niệm tại hang Co Phương. Đến năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sỹ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã lập quy hoạch, tôn tạo khu di tích lịch sử cách mạng hang Co Phương. Vì vậy, hang Co Phương là nơi đã trở thành một địa điểm lịch sử cách mạng, kháng chiến thiêng liêng, được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng “Di tích lịch sử cách mạng”. Nhưng với tầm vóc và giá trị lịch sử lớn, chúng tôi đang giao cho Trung tâm bảo tồn di sản và UBND huyện Quan Hóa lập hồ sơ, trình Bộ xét duyệt di tích này là di tích cấp quốc gia. Sau đó, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh về lập quy hoạch, đầu tư xây dựng để gắn với du lịch truyền thống, du lịch cộng đồng.
Ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thanh Hóa cho hay: Chúng tôi đã gấp rút hoàn thiện hồ sơ hang Co Phương để gửi ra Hội đồng xét duyệt di tích của Bộ. Từ khi Luật Di sản được triển khai, quy định về xét duyệt di tích cấp quốc gia rất nhiều thủ tục. Sự kiện máy bay Pháp quần đảo, thả bom tàn sát khu vực Bản Sại, làm nhiều TNXP, dân công hỏa tuyến đang ở độ tuổi thanh xuân đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, mở đường phục vụ các chiến dịch, trong đó có chiến dịch Thượng Lào được ghi chép khá đầy đủ. Địa điểm hang Co Phương bị đánh sập và chặn cửa hang làm thiệt hại nặng nề. Tiểu đội dân công 11 người xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa hy sinh. Giá trị lịch sử của di tích này cần được đầu tư, xây dựng, quy hoạch và phát huy để tôn vinh và giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ mai sau.
Hơn 64 năm qua đi, hang Co Phương vẫn còn đó, trầm mặc tựa mình vào dòng sông Mã hùng vĩ. Cửa hang chỉ là một hốc đá nhỏ nhưng bị bịt kín bởi những tảng đá lớn, nơi đây đã chôn vùi thân xác của những dân công hỏa tuyến tuổi thanh xuân. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, di tích hang Co Phương cần sớm được xem xét xếp hạng là di tích cấp quốc gia nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống yêu nước cách mạng của dân tộc, tránh tình trạng di tích bị xâm hại, lãng quên.