Không trình đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những dự án chưa bảo đảm chất lượng

Quốc Huy| 21/07/2021 20:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay 21/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Trình bày Tờ trình về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, UBTVQH đề nghị việc lập chương trình từ năm 2022 trở đi cần bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

hoang-tung.jpg
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Bên cạnh đó, việc đưa các dự án vào chương trình phải tính đến đặc thù hoạt động của Quốc hội, quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội và khả năng của các cơ quan có liên quan. Không giao quá 3 dự án cho một cơ quan chủ trì hoặc cơ quan thẩm tra trong 1 kỳ họp Quốc hội; đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, cần chú trọng tính gối đầu của chương trình để sắp xếp số lượng luật cho phù hợp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cũng nêu rõ: Không bổ sung dự án luật vào chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội; không trình Quốc hội, UBTVQH đưa vào chương trình những dự án chưa bảo đảm chất lượng, không bảo đảm hồ sơ theo quy định; không lạm dụng hình thức văn bản nghị quyết để sửa luật. Việc đề xuất xây dựng một luật sửa nhiều luật phải được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập để thúc đẩy sự phát triển nhưng không tạo ra những khó khăn phức tạp mới trong quá trình thực hiện.

Qua công tác lập, triển khai thực hiện chương trình trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, UBTVQH nhận thấy, việc đề nghị dự kiến Chương trình năm 2022 của Chính phủ so với các năm trước còn ít dự án, nhất là các dự án luật để gối tiếp sang năm 2023. Trong khi đó, qua rà soát cho thấy, còn rất nhiều dự án cần được đưa vào chương trình để kịp thời thể chế hoá các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết Trung ương.

Bên cạnh đó, một số dự án đã quá thời hạn nhưng đến nay chưa được Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm đề nghị đưa vào chương trình, cụ thể như: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự để thực hiện Hiệp định CPTPPvà một số dự án luật khác.

Ngoài các nội dung nêu trên, Tờ trình cũng kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ… một số giải pháp cần quan tâm thực hiện để khắc phục các hạn chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác lập và triển khai thực hiện chương trình trong thời gian tới, bảo đảm chất lượng, khả thi, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được nhiều đại biểu Quốc hội và nhân dân quan tâm.

Theo Tờ trình vừa được Chính phủ gửi UBTVQH, dự án luật Đất đai sửa đổi vào chương trình xây dựng luật năm 2022 có 11 nhóm chính sách cần sửa đổi gồm: Làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai; phân cấp phân quyền và cải cách thủ tục hành chính; Phân loại đất theo mục đích sử dụng, theo không gian và chức năng sử dụng đất; Nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo, nâng cao chất lượng đất đai; Thu hồi đất để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đây là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng.

Do đó, UBTVQH dự kiến đưa dự án luật này vào Chương trình trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) để thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) theo quy trình tại 3 kỳ họp.

Cho ý kiến về nội dung trên, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám cho rằng, dự án Luật Đất đai sửa là một trong những nội dung trọng tâm của nhiệm kỳ, là quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả và hợp lý đất đai. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng đất đai thời gian qua cho thấy đất đai chưa trở thành nguồn lực lớn, chưa được sử dụng tốt để phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều vi phạm vẫn xảy ra trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai ở nhiều địa phương thông qua việc giao đất, thu hồi đất.

to-van-tam.jpg
Đại biểu Tô Văn Tám, tỉnh Kon Tum phát biểu thảo luận tạ hội trường.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), việc sửa đổi Luật Đất đai là hết sức cần thiết để giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan đến đất đai, đảm bảo quyền sở hữu tài sản của công dân. Vì thế, Luật Đất đai sửa đổi được đưa vào chương trình dự kiến và thông qua tại kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023) theo quy trình tại 3 kỳ họp. Riêng trong năm 2022, dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được lấy ý kiến 2 lần tại kỳ họp thứ hai và thứ ba là cần thiết.

Đại biểu cho rằng, thống nhất với phương án là sẽ xem xét thông qua tại 3 kỳ họp, nhưng đề nghị nên đưa dự án này vào kỳ họp cuối của năm 2021, để tiến độ hoàn thành sửa đổi luật hoàn thành sớm hơn.

Khẳng định việc Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua Luật Đất đai sửa đổi qua tại 3 kỳ họp là nội dung rất quan trọng, song Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Lê Xuân Thân cũng lưu ý rằng đây cũng là một trong những vấn đề mà Quốc hội khóa XIV đã bàn.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cũng cho rằng, việc lấy ý kiến, thông qua Luật Đất đai sửa đổi là nhiệm vụ rất quan trọng, bởi đây là bộ luật có tác động rất lớn tới rất nhiều lĩnh vực.

Đơn cử như thị trường bất động sản hiện giờ giá tăng mạnh, thậm chí có thể dẫn tới bị “khủng hoảng”. Hiện nay tất cả các địa phương và các công trình của các doanh nghiệp đã giải tỏa đền bù rồi, nhưng chưa triển khai được do đang vướng về Luật Đất đai và Luật Đấu thầu.

Đây cũng là vướng mắc chung ở hầu hết các địa phương. Nếu kéo dài tới kỳ họp thứ tư mới đưa dự án Luật Đất đai sửa đổi ra để xem xét thông qua thì hàng trăm trăm nghìn tỷ sẽ ứ đọng và hàng trăm doanh nghiệp sẽ gặp tình trạng khó khăn, rất nguy hiểm. Vì vậy cần sớm sửa đổi luật hoặc ban hành nghị quyết nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không trình đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những dự án chưa bảo đảm chất lượng