Không tăng khai thác tài nguyên, khoáng sản nhằm cân đối ngân sách

Mai Thoa| 24/10/2017 21:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 24/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017.

Bên cạnh đó, Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.

Cần lưu ý đến khả năng cạnh tranh của DN Việt

Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp…trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng chúng ta đã thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đạt kết quả tốt. 9 tháng đầu năm chúng ta đã đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm cũng không được chủ quan. Trong diễn biến tăng trưởng mạnh quý 3 vừa qua có một số yếu tố đột biến mới có thể đạt được 6,7%, như điện tử tăng 45%, do Công ty Sam Sung có sản phẩm mới S8. Công nghiệp chế biến chế tạo tăng mạnh chủ yếu rơi vào ngành điện tử. Dầu thô có giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, trong điều kiện giá dầu không tăng thì chúng ta không nên quá tập trung khai thác để bán rẻ tài nguyên. Chúng ta cũng không nhất định phải tăng khai thác tài nguyên, khoáng sản trong tình trạng giá thấp để cân đối ngân sách. Nếu trong tình trạng khai thác phải tính đến hiệu quả, giá thấp mà vẫn khai thác thì có thể gây lỗ như mỏ khai thác phí cao, khó khăn thì có khi khai thác không bảo đảm bù đắp giá thành.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh): Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua, hoàn thành được tất cả các chỉ tiêu Quốc hội thông qua, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 8 chỉ tiêu đạt. đây là sự nỗ lực rất quyết tâm của Chính phủ, các thành viên Chính phủ và cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, năm 2017 đã hoàn thành “mục tiêu kép”, với mục tiêu đa dạng, đa mục tiêu là: kiểm soát được lạm phát 4%, kiểm soát được bội chi ngân sách, nợ công. Với việc ổn định kinh tế vĩ mô lại kiểm soát được lạm phát,  lãi suất kéo giảm, tỷ giá được chọn là đồng tiền ổn định nhất trong thời gian qua nhờ thặng dư được cán cân thương mại và cán cân thanh toán vãng lai.

Không tăng khai thác tài nguyên, khoáng sản nhằm cân đối ngân sách

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Nhấn mạnh việc cần phải đánh giá đúng mực sự nỗ lực của Chính phủ, nhưng ông cũng lưu ý Chính phủ cần chú ý đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt. Trong yếu tố tăng trưởng, nhờ thu hút được đầu tư nước ngoài và giải ngân cao, đóng góp vào tổng vốn đầu tư xã hội tăng lên. Vốn vẫn là yếu tố then chốt góp phần vào yếu tố tăng trưởng mặc dù yếu tố Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 40%- 44%. Tuy nhiên vốn FDI và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam tăng lên sẽ tạo sự cạnh tranh nhưng trong đó doanh nghiệp Việt, các doanh nghiệp trong nước cần có sự hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước.

Do đó, Chính phủ cần chú ý đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt khi mà đầu tư nước ngoài tăng lên cả về số lượng doanh nghiệp và nguồn vốn. Các doanh nghiệp trong nước cần có sự hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, các chính sách hiện chưa rõ nét trong việc làm thế nào để tiếp sức, thực hiện được Nghị quyết Trung ương 5 lấy kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để cho nền kinh tế phát triển. Theo đại biểu, vẫn ít các giải pháp để thúc đẩy doanh nghiệp Việt phát triển.

Chính phủ cần kiểm soát một số rủi ro về tài chính. Nếu có bất ổn về kinh tế thế giới sẽ tác động tới Việt Nam như hệ số vốn hóa thị trường chứng khoán đã lên đến 93% GDP, trong đó có vốn hóa thị trường cổ phiếu và vốn hóa của thị trường trái phiếu cộng lại. Yếu tố này cho thấy trong đó có vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Vốn này khi được giá là sẽ chốt, rút vốn, tạo bất ổn về vấn đề thị trường ngoại hối, cần có sự giám sát và chuẩn bị để đảm bảo cân đối này. Một điểm nữa là độ sâu tài chính, cụ thể dư nợ tín dụng/GDP, cho thấy sự nở phồng của tài chính phải kiểm soát rủi ro.

Không tăng trưởng dựa vào dầu thô

Đại biểu Trần Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: sức cầu thị trường bán lẻ của Việt Nam chưa phát triển, trong khi đó, các nhà bán lẻ nước ngoài xâm nhập vào thị trường Việt Nam rất lớn, kéo theo đó là hàng hóa nước ngoài vào theo, điều này có thể dẫn tới sự phát triển kém của doanh nghiệp nội trong tương lai.

Trong khi đó xuất khẩu tăng cao nhưng phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như Samsung, Formosa có đóng góp cho xuất khẩu rất cao nhưng phân tích kỹ thì các doanh nghiệp này chủ yếu nhập nguyên vật liệu. Trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia vào chuỗi giá trị FDI của Samsung, Formosa nhiều vì tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm này thấp, nên giá trị gia tăng để lại cho Việt Nam rất thấp. “FDI xuất khẩu và nhập khẩu nhiều nhưng là đóng góp cho nền kinh tế khác”, đại biểu Tuấn nói.

Còn nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đi vay,  phải trả lãi trong khi đó chưa bố trí kịp thời luồng vốn này cho đầu tư phát triển, vừa gánh nặng trong việc trả nợ, vừa không đem lại sự lan tỏa trong đầu tư phát triển. Nhưng một số dự án trọng điểm lớn của các địa phương đang thiếu vốn nhưng nhiều dự án lại chưa kịp giải ngân, giải ngân chưa hết, chưa có sự linh hoạt trong điều hành về phân bổ vốn đầu tư phát triển, dẫn tới chỗ thiếu vốn, chỗ thừa vốn, ảnh hưởng tới sự lan tỏa chung.

Cũng đến từ TP Hồ Chí Minh, đại biểu Phạm Phú Quốc lo ngại về mức độ thâm dụng vốn của doanh nghiệp nhiều hơn trong khi năng suất sử dụng vốn chỉ tương đương hoặc thấp hơn các nước. “Doanh nghiệp Việt Nam thâm dụng vốn hơn là sử dụng vốn hiệu quả”, ĐB nói.

Ông cũng bày tỏ quan ngại các doanh nghiệp mới thành lập còn nhỏ lẻ, manh mún chưa phải là ngành hàng sản xuất mục tiêu chiến lược cung ứng vào, đổ tín dụng vào, tiêu dùng tăng,… Chính phủ ra Nghị quyết về xử lý nợ xấu mới có hiệu lực nhưng xử lý rất tốt, nhưng cần tính toán tín dụng sự hấp thụ của doanh nghiệp mới liệu có phát sinh nợ xấu không hay không?

Không tăng khai thác tài nguyên, khoáng sản nhằm cân đối ngân sách

Các đại biểu thảo luận tại tổ sáng nay (24/10).

Trước những băn khoăn lo ngại về tăng trưởng của nền kinh tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định không có việc tăng trưởng dựa vào dầu thô. Theo đó, năm 2016 và 2017, công nghiệp khai khoáng liên tục giảm và giảm rất sâu, đầu tiên là dầu thô, tiếp đó là than đá. Dầu thô năm 2017 kế hoạch đạt được chỉ 13,28 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với năm 2016. Tính toán cứ mỗi 1 triệu tấn dầu thô giảm đi thì GDP giảm 0,25%, như vậy giảm 3 triệu tấn, làm giảm GDP 0,75%. Muốn khai thác thêm để tăng trưởng cũng không được vì khai thác dầu hiện phải đi vào vùng biển xa, trữ lượng dầu thô giảm.

Dự báo 3 tháng cuối năm tăng thêm 9% tín dụng nhưng không đáng lo ngại vì đây chỉ là chỉ tiêu định hướng. Điều hành tín dụng còn phụ thuộc khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Tổng mức tín dụng không quan trọng bằng chất lượng tín dụng. Chính phủ đã có cuộc họp quan trọng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước báo cáo các khoản nợ trên 5.000 tỷ đồng. Chủ yếu tín dụng chảy vào công nghiệp chế tạo, nông nghiệp nên tăng trưởng giảm bớt đầu tư vốn, tín dụng, điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật. Công nghiệp chế tạo dự kiến đạt tăng 13,5%, cao nhất từ năm 2010 trở lại đây, không chỉ bù đắp cho công nghiệp khai khoáng mà còn là động lực để tăng trưởng.

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: trong năm 2017, với tinh thần vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của các ngành, các cấp, địa phương, doanh nghiệp, toàn quân và toàn dân, nền kinh tế đã vượt qua khó khăn, thách thức và đã thu được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,79%, ước cả năm khoảng 4%, lạm phát cơ bản khoảng 1,6%. Đã thực hiện lộ trình giá thị trường đối với dịch vụ y tế tại tất cả các địa phương. Tín dụng 9 tháng tăng 12%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên; thanh khoản, an toàn hệ thống được bảo đảm.

Qua thực tiễn chỉ đạo điều hành 9 tháng đầu năm cho thấy, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí. Chất lượng tăng trưởng có bước chuyển biến, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) năm 2017 ước đạt 44,1%, cao hơn năm 2016 (40,7%) và giai đoạn 2011 - 2015 (33,6%). Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9/2017 đạt 53,3 điểm, cao nhất trong ASEAN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không tăng khai thác tài nguyên, khoáng sản nhằm cân đối ngân sách