Không sòng phẳng

congly.com.vn| 13/04/2012 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lâu nay, khi làm ăn có lãi, các DNNN luôn cho đó là sự thành công của mình, nhưng khi thua lỗ, họ lại có hàng tá lý do để “đổ thừa” như phải gánh vác những trách nhiệm xã hội mà Nhà nước giao cho, và yêu cầu “giải cứu”.


Nói như ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), sở dĩ có chuyện nêu trên là do thông tin về hoạt động của khối DNNN còn khá mập mờ. Nếu thực hiện được việc công khai thông tin ở khối DN này, đó sẽ là “cú nhảy vọt” cho sự phát triển của DNNN.

Cần tạo áp lực cạnh tranh và bình đẳng giữa DNNN với các thành phần DN khác. Ảnh minh họa

Ông Cung cho rằng: Như thế là không sòng phẳng. Cần đặt các DN này vào áp lực cạnh tranh và bình đẳng với các thành phần DN khác. Và đó cũng là cách để các DNNN này phát triển tốt hơn.


Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ, bản thân các DN này có muốn “phơi bày gan ruột” hay không? Các DN cổ phần muốn lên sàn thì phải có cáo bạch về tài chính, còn các “ông lớn” Nhà nước thì chưa có “lý do” để công khai, và có lẽ họ cũng chẳng muốn tìm lý do nếu chưa bị áp lực nào từ người dân và cơ quan quản lý.


Lý giải về điều này, ông Cung cho rằng: Không có công khai, minh bạch thì hoạt động của DNNN có thể sẽ vẫn còn tồn tại những hành vi mua bán dự án, tìm kiếm mối quan hệ, đầu cơ... Nhà nước cũng không nên tiếp tục giao trách nhiệm xã hội cho DNNN như trách nhiệm điều tiết thị trường, điều tiết vĩ mô..., bởi như thế là trái với quy luật thị trường.


DN, theo đúng nghĩa, thì sinh ra là để kinh doanh chứ không phải để thực hiện chính sách xã hội. Việc điều tiết, quản lý thị trường nên thực hiện bằng luật pháp, chứ không phải chỉ là giao trách nhiệm riêng cho khối DNNN.


Tại một hội thảo về việc quản lý DNNN do Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần mạnh dạn giao cho tư nhân những mảng mà DNNN làm không hiệu quả. Quốc hội cần nghiên cứu quy chế để dân bầu lãnh đạo DNNN.


Các chuyên gia đề xuất, trong một lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Nhà nước cần trao cơ hội như nhau cho nhiều DN cùng tham gia. Khi đó, sẽ không còn chuyện DN độc quyền “làm mưa làm gió” trên thị trường, và bản thân các DNNN cũng không còn lý do để “kêu cứu” mỗi khi thua lỗ.


Trung Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không sòng phẳng