Đó là nhận định của Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên khi nói về những kết quả đạt được sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2012 – 2015.
Một số chỉ tiêu chưa đạt được
Thực hiện Nghị quyết 34/2009/NQ-QH12, Luật An toàn thực phẩm (2010) Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) giai đoạn 2012 - 2015. Sau 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được những thành tựu nhất định: Kiểm soát tốt ATTP; bảo đảm ATTP là một giải pháp cụ thể và quan trọng nâng cao sức khỏe, phát triển giống nòi cả về thể chất và trí tuệ; góp phần phòng chống bệnh tật, làm giảm gánh nặng cho bệnh viện và có giá trị trong việc làm tăng GDP của cả nước. Chương trình đã làm tăng nhận thức, thực hành đáng kể của các nhóm đối tượng: Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, lãnh đạo. Điều này đóng góp rất lớn, tạo ra nhận thức xã hội và trách nhiệm xã hội của các đối tượng. Vai trò của các cấp chính quyền được đề cao và sự phối hợp liên ngành được tăng cường ngày càng có hiệu quả. Phòng chống ngộ độc thực phẩm đã trở thành một trong những nhiệm vụ thường trực của các cấp chính quyền trong cả nước. Chương trình đã góp phần giảm tỷ lệ mắc và chết do ngộ độc thực phẩm, giảm chi phí xã hội đáng kể do ngộ độc thực phẩm.
Tuy nhiên, với điều kiện kinh phí còn khó khăn, eo hẹp và vấn đề ATTP ngày càng phức tạp vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, năm 2015 các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia VSATTP đã phải điều chỉnh giảm mục tiêu sát với tình hình thực tế; Do vậy dự kiến đến cuối năm 2015, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch được phê duyệt theo Quyết định 1228.
Nguyên nhân khiến Chương trình mục tiêu quốc gia VSATTP giai đoạn 2012 - 2015 không đạt mục tiêu ban đầu đề ra là do việc huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn kinh phí thực hiện Chương trình. Đây là một trong những hạn chế lớn nhất của chương trình. Ngoài ngân sách Trung ương cấp hằng năm thì việc huy động ngân sách từ các nguồn khác như địa phương, nước ngoài… còn rất hạn hẹp; từ năm 2011 - 2015 nguồn vốn huy động cho chương trình mới chỉ đạt 29,6% so với kế hoạch phê duyệt.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên cho biết: kinh phí đầu tư cho công tác VSATTP còn rất hạn chế. Tại Quyết định 1228, Chính phủ phê duyệt tổng mức vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia là 4.139 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 1.949 tỷ đồng, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác là 1.760 tỷ đồng, còn lại là viện trợ quốc tế. Tuy nhiên, tính đến nay, khi Chương trình sắp kết thúc, cả nước mới huy động được tổng nguồn vốn 1.224,8 tỷ đồng, chiếm 29,6% so với dự toán ban đầu. Đây là khó khăn chung của ngân sách, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khác của đời sống chứ không riêng gì vấn đề VSATTP. Thêm vào đó, VSATTP là vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành rất lớn. Song, trên thực tế, sự phối hợp này đang rất khó khăn. Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có sự vênh nhau trong cách nhìn nhận về chất tạo nạc trong chăn nuôi đã phần nào cho thấy điều đó. Mặc dù thời gian qua, Quốc hội đã có sự quan tâm tới vấn đề VSATTP, Chính phủ đã triển khai nhiều hoạt động bảo đảm thực hiện công tác này hiệu quả song dường như vẫn thiếu sức bật do chưa đủ sự quyết liệt trong cả hệ thống chính trị - xã hội.
Cơ quan chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm
Bên cạnh đó, nhân lực cho công tác VSATTP nói chung và nhân lực thực hiện Chương trình còn thiếu, còn hạn chế về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác. Tính bền vững của Chương trình còn chưa được bảo đảm do phần lớn hoạt động phải dựa vào ngân sách cấp từ Trung ương.
Đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012-2015 sắp kết thúc mà vấn đề VSATTP vẫn gây nhức nhối trong xã hội. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng “không thể nói Chương trình thất bại. Bởi ngay với chương trình tiêm chủng, chúng ta đã thực hiện 30 năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa thể chấm dứt vì đó là phần việc cần làm dài hơi”. Do đó, Chương trình mục tiêu quốc gia VSATTP cần tiếp tục được triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
Nên tiếp tục thực hiện Chương trình
Nghị quyết 34/2009/NQ-QH12 về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP, trong đó nêu rõ tăng cường đầu tư cho công tác bảo đảm ATTP; Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030 và Chỉ thị 23/CT-TTg về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 cũng đã đề ra rất nhiều chỉ tiêu cần đạt được về VSATTP.
Theo tờ trình của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia VSATTP sẽ rút thành Chương trình mục tiêu. Ông Tiên cho rằng điều này sẽ gây khó khăn trong việc bảo đảm VSATTP, bởi dù cùng phụ thuộc vào ngân sách để cấp vốn đầu tư thực hiện, song nếu như Chương trình mục tiêu quốc gia do Quốc hội phê chuẩn sẽ được bảo đảm một nguồn vốn nhất định thì với Chương trình mục tiêu, nguồn vốn này không cố định, tùy vào tình hình ngân sách lo được đến đâu hay đến đó. Việc rút xuống Chương trình mục tiêu sẽ khiến quốc tế đánh giá Việt Nam đang coi nhẹ việc bảo đảm VSATTP khi hạ thấp quyết tâm chính trị. Như vậy, có thể ảnh hưởng đến việc huy động các nguồn hỗ trợ ODA từ các nước.
Phó chủ nhiệm Nguyễn Văn Tiên đề nghị, ngoài các Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, giảm nghèo, Quốc hội nên tiếp tục triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, trong đó có VSATTP. “Tiền ít hay nhiều không phải là vấn đề quan trọng. Không nên đổ hết lỗi cho thiếu tiền nên công tác bảo đảm VSATTP kém hiệu quả. Quan trọng là phải có cơ chế, chính sách, có quyết tâm chính trị thì mới mong giải quyết được vấn đề, khi đó các tổ chức quốc tế sẽ hỗ trợ chúng ta”, ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để bảo đảm VSATTP, bên cạnh quyết tâm chính trị, phân bổ ngân sách hợp lý trong triển khai thực hiện, đòi hỏi các bộ, ngành cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp liên ngành. Sự phối hợp này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, có sự chỉ đạo quyết liệt, tránh tình trạng cùng một vấn đề liên quan VSATTP nhưng các bộ, ngành “đổ lỗi” cho nhau như thời gian qua. Đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về VSATTP cần được triển khai sâu rộng, thực chất tới từng người dân; các hành vi vi phạm VSATTP phải được xử lý nghiêm minh.
Sắp tới, Bộ Y tế sẽ có đề xuất và kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội tiếp tục cho triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia VSATTP giai đoạn 2016 - 2020, nhằm phát huy hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia VSATTP thời gian qua; Đồng thời nâng cấp độ, tiêu chuẩn bảo đảm ATTP lên mức cao hơn với mục tiêu là: Kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Năm 2011 - 2015, số vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc giảm so với năm 2010: Năm 2011 giảm 16 vụ (33,3%), năm 2012 giảm 9 vụ (18,8%), năm 2013 giảm 7 vụ (14,6%), năm 2014 giảm 8 vụ (16,7%) và không ghi nhận trường hợp tử vong. |