Văn hóa - Du lịch

Không gian giao thoa văn hóa giữa phố cổ

Dương Dũng 28/01/2025 - 07:26

Ngôi nhà 22 Hàng Buồm, xưa là “Hội quán Quảng Đông” của người Hoa sinh sống ở Việt Nam. Ngôi nhà này có phong cách kiến trúc kết hợp cả Hoa - Việt - Pháp.

Ký ức Hà Nội trong lòng phố cổ

Trung tâm Văn hóa Nghệ Thuật số 22 Hàng Buồm giữa lòng Hà Nội đang trở thành một trung tâm triển lãm đầy ấn tượng, một điểm hẹn của những người đam mê nghệ thuật lấy cảm hứng sáng tạo từ văn hóa truyền thống, thu hút người dân Thủ đô.

Nơi đây trước kia được hình thành bởi cộng đồng người Quảng Đông (Trung Quốc) định cư tại phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương (nay là phố Hàng Ngang, Hàng Buồm, Lãn Ông) khoảng 400 năm trước.

z6267758128133_cbe5c81448377a41bb3052dedbdf3a85(1).jpg
Đây cũng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và cộng đồng cho người gốc Hoa, và là điểm giao dịch, thỏa thuận buôn bán và phân xử tranh chấp thương mại. Hội quán Quảng Đông cũng lưu giữ ký ức của con phố Hàng Buồm.

Tại đây, lãnh tụ của cách mạng Tân Hợi là Tôn Trung Sơn đã từng tá túc. Hiện nay trên tường ngôi nhà vẫn còn tấm biển đá đã bị sứt một góc. Trên tấm biển đá có mấy dòng chữ tiếng Việt và tiếng Hoa, nội dung như sau: “Cụ Tôn Trung Sơn - người đi trước trong cuộc cách mạng dân chủ vĩ đại của Trung Quốc, năm 1904 đã từng ở đây".

Sau năm 1978, ngôi nhà này trở thành Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ của quận Hoàn Kiếm. Hơn 40 năm Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ tọa lạc ở đây, đến cuối năm 2019, chính quyền thành phố Hà Nội chuyển Trường Tuổi Thơ sang địa điểm khác và thu hồi ngôi nhà này.

Qua hơn 2 năm tu bổ phục hồi, đến cuối năm 2021, nhà 22 Hàng Buồm trở thành trung tâm triển lãm, nghệ thuật với tên gọi chính thức Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm.

z6267757994383_a4a270db49920b40cbef125d53f270e5(1).jpg
Địa điểm này gây ấn tượng mạnh mẽ ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi không gian rộng lớn, thoáng đãng và sự hòa quyện giữa các yếu tố kiến trúc cổ kính.

Hội quán còn giữ được cơ bản kiến trúc đặc trưng với mặt bằng hình chữ “Quốc” gồm: nhà tiền đường, phương đình, trung đường, sân thiên tỉnh, hậu cung cùng lối dạo hai bên hành lang tả - hữu và các bức phù điêu gốm Hoa Mai đắp nổi...

Ngoài không gian xây dựng phục vụ cho những sinh hoạt cộng đồng, hội quán còn có hai gian thờ Quan Công và Thiên Hậu Thánh Mẫu.

Các nét đặc trưng trong kiến trúc, thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa Việt - Hoa - Pháp, vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, tạo nên một không gian đậm chất lịch sử và văn hóa.

z6267758060776_47a2b4fc46fb0967fc05fc9f27e51d84.jpg
Khi bước vào, du khách sẽ cảm nhận được sự tinh tế trong cách bố trí không gian, với nhiều tầng lớp, các gian khác nhau, mang đến cảm giác như lạc vào một Hội quán Quảng Đông cổ xưa.
z6267758104185_6afd3466d329dee3bca34954313aa853.jpg
Mỗi khu vực trong không gian này được thiết kế tỉ mỉ, phản ánh rõ nét sự kết hợp hài hòa giữa các nền văn hóa khác nhau.

Từng chi tiết, từ các họa tiết trang trí cho đến cách sắp xếp nội thất, đều toát lên vẻ đẹp cổ kính, thanh thoát, khiến nơi đây trở thành một điểm đến lý tưởng để khám phá và tìm hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa của vùng đất này.

Điểm hẹn của những người yêu nghệ thuật

Giữa lòng con phố thương mại sầm uất, nơi buôn bán tấp nập và du khách đông đúc, địa điểm này vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính đầy quyến rũ, với sự hòa quyện hoàn hảo giữa các nền văn hóa Hoa - Việt - Pháp.

Kiến trúc của nơi đây mang đậm dấu ấn lịch sử, thể hiện qua bốn dãy nhà có kết cấu hợp thành chữ "Khẩu", một thiết kế đặc biệt giúp kết nối các không gian lại với nhau một cách liền mạch. Giữa các dãy nhà, sân thiên tỉnh (giếng trời) được bố trí tinh tế, tạo nên một khoảng không gian mở để lưu thông không khí và ánh sáng, mang lại cảm giác thoáng đãng và dễ chịu cho toàn bộ khu vực.

Không gian được phân chia thành nhiều tầng, lớp, mỗi khu vực được bài trí với các gian riêng biệt, vừa tạo sự ngăn nắp, vừa phản ánh sự tinh tế trong thiết kế.

Những bức phù điêu khắc nổi, với từng chi tiết tỉ mỉ, cầu kỳ, không chỉ là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc mà còn là minh chứng sống động cho những thăng trầm của thời gian.

Dù đã trải qua bao biến cố lịch sử, những dấu ấn nơi này vẫn vẹn nguyên, phản chiếu sự trường tồn của văn hóa và con người nơi đây, tạo nên một không gian vừa cổ kính, vừa hiện đại, đầy cuốn hút với bất kỳ ai ghé thăm.

z6267758084827_932e211c4425087496e6ae44de528aa9(1).jpg
Nơi đây không chỉ là một không gian văn hóa đặc sắc mà còn là địa điểm lý tưởng cho các sự kiện độc đáo.

Với diện tích rộng rãi, thoáng mát và kiến trúc ấn tượng, địa điểm này đã trở thành "điểm hẹn" không thể thiếu của những người yêu nghệ thuật, nơi mà những sáng tạo nghệ thuật được thể hiện một cách trọn vẹn.

z6267758004798_6ed91196bebbfe2ad7bc5144aef5eb97(1).jpg
Không gian của di tích đặc biệt thu hút giới trẻ.

Các sự kiện diễn ra tại đây luôn thu hút sự chú ý của công chúng và giới chuyên môn, nhờ vào không gian tinh tế và độc đáo, giúp tạo nên một bầu không khí sang trọng, đầy cảm hứng.

z6267758119577_52d250a078752f5fe970ff13ee2f49e2(1).jpg
Hoà với không khí vui tươi của mùa xuân mới các bạn trẻ đổ về địa điểm rất đông.

"Không gian nơi đây rất cổ kính và đặc biệt. Đây thật sự là một điểm check-in đẹp phù hợp cho giới trẻ những ngày Tết này", bạn Thanh Hoài (Cư trú phố Bà Triệu) chia sẻ.

Mải mê tìm kiếm các góc chụp ảnh đẹp nhất, bạn Thu Mai (Sinh viên năm thứ nhất) cho biết đã chuẩn bị tới bốn bộ áo dài để tìm tới các điểm di tích trên địa bàn Thủ đô chụp ảnh những ngày sát Tết này. Địa điểm này là một trong những lựa chọn đầu tiên của nhóm bạn của Mai.

z6267758084068_71c5500b68921a4a84c5190c5c39cb46(1).jpg
Những không gian văn hoá nghệ thuật đa dạng.

Tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội), đang diễn ra triển lãm độc đáo mang tên “Mưỡu”. Triển lãm "Mưỡu" mở cửa đón khách tham quan đến hết ngày 10/2.

z6267758069833_c53576d07d4ad95a8698560d0eac46f0(1).jpg
Các bạn trẻ check in tại địa điểm 22 Hàng Buồm.

Mới đây, theo thông báo của Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, hai điểm di tích Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây và Di tích 22 Hàng Buồm sẽ mở cửa tham quan miễn phí từ 14h00 ngày 29/01/2025 đến hết 16h00 ngày 30/01/2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không gian giao thoa văn hóa giữa phố cổ