Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp 8, chiều 5/11, các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.
Vừa làm, vừa chuẩn bị xin gia hạn
Theo Đại biểu Đỗ Thị Lan- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, dự thảo luật quy định thời hạn khai thác bao gồm thời gian xây dựng cơ bản, thời gian khai thác được xác định theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần.
Trong khi đó, Luật Đầu tư quy định, các dự án trong khu vực công nghiệp khai thác không quá 70 năm và ngoài khu vực công nghiệp thì không quá 50 năm. Tuy nhiên, thời gian xây dựng cơ bản của dự án cũng đã mất từ 8-10 năm.
"Trên thực tế thì nhiều dự án khai thác than đã và đang thực hiện, thời gian trên cả đời của dự án vào khoảng trên 40 năm, rất nhiều dự án là 43-45 năm, bao gồm cả thời gian để cấp phép và thời gian gia hạn. Mỗi lần gia hạn chỉ được 2-3 năm. Như vậy, xảy ra tình trạng vừa làm, vừa chuẩn bị xin giấy phép gia hạn. Quy định về gia hạn thời gian khai thác nhiều lần rất bất cập”- đại biểu Đỗ Thị Lan nêu bất cập.
Từ thực tế này, Đại biểu kiến nghị quy định thời gian cấp phép khai thác khoáng sản là không quá 50 năm và thời gian gia hạn không quá 15 năm.
Đề xuất đấu giá quyền khai thác khoáng sản với trường hợp mất quyền ưu tiên
Tại khoản 2 Điều 50 về quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản, dự thảo Luật quy định: “Hết thời hạn ưu tiên quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức, cá nhân đã thăm dò không gửi đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với khu vực đã thăm dò thì mất quyền ưu tiên đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của Chính phủ. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật này thì tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác phải hoàn trả chi phí thăm dò khoáng sản cho tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản theo quy định của Luật này.”
Để bảo đảm minh bạch trong triển khai thực hiện, Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương- Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật, hoặc giao Chính phủ, hoặc Bộ, ngành chức năng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết việc cấp phép khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp mất quyền ưu tiên.
"Đồng thời, rà soát, nghiên cứu quy định về việc thông báo công khai để lựa chọn tổ chức, cá nhân cấp phép hay thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản nếu đưa khu vực lựa chọn ra khỏi khu vực không đấu giá"- Đại biểu Hương đề xuất.