Kết thúc phiên đấu giá quyền khai thác cát tại điểm mỏ ĐB2B (xã Điện Thọ - TX Điện Bàn - Quảng Nam) có kết quả lên tới 370 tỉ đồng, ở mức tăng hơn 1.534,6% so với giá khởi điểm (1,2 tỉ đồng) đã khiến mọi người hoài nghi về bài toán lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vì vậy, có nhiều ý kiến đề nghị, đã đến lúc cần xem xét lại quá trình đánh giá hồ sơ năng lực của các đơn vị tham gia đấu giá.
Trao đổi với PV Báo Công Lý, một lãnh đạo UBND TX Điện Bàn cho biết, với số tiền 370,5 tỷ so với trữ lượng dự tính 159.000m3 thì trung bình một mét khối cát sau khi đấu là hơn 2,3 triệu đồng (chưa kể chi phí khai thác, vận chuyển...). Mức giá này là quá cao so với thực tế, nếu tính các khoản thuế, phí các loại thì một mét khối cát sẽ có giá gần 3 triệu đồng. Đây là mức giá phi thực tế so với thị trường cát hiện nay.
Theo một doanh nghiệp chuyên mua bán cát trên địa bàn Quảng Nam, hiện nay giá cát mà UBND tỉnh này niêm yết là 150.000 đồng/m3. Sau khi cộng thêm chi phí phát sinh, giá dao động xuất bán tại bến sẽ khoảng 180.000 – 200.000 đồng/m3. Nếu tính cả chi phí vận chuyển thì giá cát tăng thêm khoảng 5.000 đồng/m3/km.
Như vậy, nếu 1m3 cát được vận chuyển từ bến cát đến điểm tiêu thụ xa nhất tại Quảng Nam cũng chỉ dao động khoảng 400.000 đồng/m3.
Từ thực tế trên, dư luận tại Quảng Nam cũng đặt dấu hỏi về mức giá khởi điểm tại buổi đấu giá mỏ cát này. Cụ thể, tại Quyết định số 7640/ QĐ-UBND do UBND TX Điện Bàn ban hành ngày 11/9/2024, về việc Phê duyệt bước giá và tiền đặt cọc trước trong phiên đấu giá mỏ cát ĐB2B, đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Kế hoạch đấu giá và giá khởi điểm tại Quyết định số 647/QĐ-UBND ngày 22/3/2024, cụ thể giá khởi điểm là 5%, tiền cấp quyền KTKS tạm tính theo giá khởi điểm là 1.214.240.625 đồng.
Dư luận tại Quảng Nam đang đặt câu hỏi, với bước giá khởi điểm này so với trữ lượng 159.000m3 thì liệu rằng có quá thấp, khi giá trị trung bình của một khối cát tại thời điểm đấu giá chỉ dao động chưa đến 8.000 đồng/m3?
Bên cạnh đó, đại diện một doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản cho biết thêm, trữ lượng dự kiến của điểm mỏ ĐB2B thực tế khi đưa vào khai thác có thể biến động tăng hoặc giảm. Con số này có thể dao động từ 20 – 30%, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc giá cát sẽ giảm.
Dẫn chứng về điều này, doanh nghiệp cho ví dụ, nếu sau khi đánh giá trữ lượng thực tế cát tại mỏ ĐB2B tăng lên 200.000m3, thì doanh nghiệp trúng đấu giá vẫn phải nhân với đơn giá 2,3 triệu đồng/m3, lúc này thì số tiền mà doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan Nhà nước không còn là 370 tỷ đồng nữa, mà phải hơn 460 tỷ, đồng nghĩa với việc một khối cát ra thị trường nếu doanh nghiệp có lãi hoặc hòa vốn phải ở mức giá gần 3 triệu đồng.
Được biết, tại thời điểm Quảng Nam khủng hoảng thiếu cát xây dựng, thì giá cát tại thời điểm cao nhất cũng chỉ dao động khoảng 600.000 đồng/m3.
“Nếu doanh nghiệp trúng mỏ cát ở Điện Bàn không bỏ cọc mà hoàn tất các thủ tục thì với biểu giá tạm tính trên, không thể tìm kiếm được thị trường tiêu thụ, không thể đưa cát ra thị trường”, vị này nói thêm.
Chính vấn đề này đã dấy lên nghi vấn về mục đích của 6 doanh nghiệp liên tục bỏ giá cao tại buổi đấu giá kéo dài 20 tiếng đồng hồ hôm 18/10 vừa qua. Đến giờ này, dư luận đang rất quan tâm mục đích, toan tính của các đơn vị này như thế nào, nhưng vẫn chưa có câu trả lời từ “chính chủ”.
Liên quan đến vấn đề trên, Công an Quảng Nam đang xác minh, làm rõ động cơ, mục đích của Công ty CP MT Quảng Đà và các công ty có liên quan. Nếu phát hiện vụ đấu giá sai phạm thì xử lý theo đúng quy định pháp luật, sẽ rà soát xem xét năng lực tài chính, hồ sơ năng lực khi tham gia đấu giá...
Chia sẻ vấn đề này, một chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật cho biết, thời gian qua, trên cả nước liên tục xảy ra tình trạng đấu giá khoáng sản cao bất thường rồi sau đó bỏ cọc. Việc làm này có khả năng gây ảnh hưởng đến việc tổ chức cuộc đấu giá, chi phí tổ chức, uy tín của cơ quan Nhà nước. Ngoài ra, cũng gây thiệt hại cho các công ty tham gia đấu giá có nhu cầu thực sự khi phải bỏ tiền làm hồ sơ tham dự, nhưng vì lý do này họ không trúng giá.
“Đã đến lúc các cơ quan chức năng đánh giá lại những cuộc đấu giá như thế này, không cho làm cái kiểu kích giá vô tội vạ. Cần phải có sự kiểm soát, đồng thời phải xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm trong đấu giá, thổi giá gây nhiễu loạn thị trường. Cần xem lại các quy định, hành lang pháp lý để quy định rõ những đối tượng được quyền khai thác mỏ cát để tránh tình trạng trục lợi trong đấu giá, khai thác khoáng sản”, vị này nói thêm.
Được biết, theo Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định về tổ chức, cá nhân được tham gia phiên đấu giá khoáng sản khi đủ các điều kiện sau: Có văn bản, tài liệu hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định; Đáp ứng các quy định của tổ chức, cá nhân về thăm dò khoáng sản hoặc khai thác khoáng sản; Có cam kết về thiết bị, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản và phương án tiêu thụ sản phẩm phù hợp với quy định trong hồ sơ mời đấu giá… Tuy nhiên, quá trình thẩm định hồ sơ năng lực tham gia đấu giá đối với doanh nghiệp hiện nay lại rất lỏng lẻo, chưa có quy định chặt chẽ.