Hôm nay 20/9, UBTVQH cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2021 của TANDTC, VKSNDTC; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.
Trước khi thảo luận, UBTVQH nghe đại diện các cơ quan trình bày các báo cáo trên và Ủy ban Tư pháp Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra.
Tòa án giải quyết trên 363.527 vụ việc các loại
Tại phiên họp này, TANDTC cũng đã báo cáo UBTVQH về công tác ngành Tòa án năm 2021 (từ 1/10/2020 đến 31/7/2021).
Theo báo cáo của TANDTC, năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó có các hoạt động xét xử của các Tòa án. Tình hình tội phạm và các vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp; các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn xảy ra nhiều, gay gắt và phức tạp về tính chất. Số lượng các loại vụ án, vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Tòa án các cấp đã tổ chức triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; đổi mới hoạt động trên các mặt công tác; nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Về cơ bản, các Tòa án đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhất là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án.
Theo đó, năm 2021, các Tòa án đã thụ lý 510.928 vụ việc, đã giải quyết 363.527 vụ việc (đạt 71,15% trong tổng số vụ án đã thụ lý); so với cùng kỳ năm trước, thụ lý giảm 39.902 vụ việc, giải quyết giảm 45.381 vụ việc. Trong đó, về hình sự, các Tòa án đã thụ lý 77.446 vụ, với 141.101 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được đạt 81,41% về số vụ và 77,47% về số bị cáo.
Các Tòa án đã thụ lý 362 vụ, với 1.039 bị cáo phạm tội tham nhũng; đã xét xử 186 vụ, với 440 bị cáo. Trong kỳ báo cáo mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19, song các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được các Tòa án giải quyết trong hạn luật định; xử phạt nghiêm khắc đối với những người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản lớn của nhà nước; chú trọng áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và vận động người phạm tội tự nguyện nộp tài sản đã chiếm đoạt.
Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, các Tòa án đã xét xử sơ thẩm 25 vụ, phúc thẩm 09 vụ, giám đốc thẩm 02 vụ án. Các Tòa án đã chú trọng giải quyết các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự; tịch thu công cụ, phương tiện phạm tội hoặc những tài sản do phạm tội mà có. Về cơ bản, việc xét xử các vụ án này bảo đảm chất lượng, đúng thời hạn theo Kế hoạch của Ban chỉ đạo đề ra; không có trường hợp nào bị hủy để điều tra hoặc xét xử lại về phần trách nhiệm hình sự. Đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, gây ra hậu quả đặc biệt lớn, được dư luận xã hội quan tâm. Các Tòa án đã đưa ra xét xử kịp thời, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người phạm tội liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh.
Hòa giải thành trong lĩnh vực dân sự đạt tỷ lệ cao
Trước khi trình UBTVQH cho ý kiến, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã có phiên họp thẩm tra Báo cáo của TANDTC.
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cũng đã có báo cáo thẩm tra và đánh giá: Công tác xét xử án hình sự năm 2021 của TAND đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận như báo cáo đã nêu trên. Đáng chú ý là chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Chất lượng xét xử tiếp tục được nâng lên; tỉ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với năm trước và đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.
Về giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, các Tòa án đã thụ lý 399.047 vụ việc dân sự; đã giải quyết, xét xử đạt 68,27% (so với cùng kỳ năm trước, số thụ lý giảm 39.467 vụ việc; giải quyết, xét xử giảm 41.796 vụ việc).
Nhóm nghiên cứu nhận thấy: Các Tòa án đã có nhiều đổi mới, thực hiện nhiều giải pháp, chú trọng công tác hòa giải, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh, giãn cách xã hội tại nhiều địa phương nhưng đã nỗ lực giải quyết các vụ, việc dân sự, đạt tỷ lệ 68,27%.
Số vụ, việc dân sự đã hòa giải thành 146.651 vụ, chiếm 55,4% trong tổng số các vụ, việc dân sự mà Tòa án đã giải quyết (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước). Đã hạn chế đến mức thấp việc để án quá thời hạn xét xử theo luật định hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án không có căn cứ pháp luật.
Cùng với đó, chất lượng xét xử tiếp tục được nâng lên, tỉ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với năm trước và đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Tòa án các cấp cũng đã tổ chức được 2.532 phiên tòa rút kinh nghiệm , góp phần nâng cao kỹ năng của Hội đồng xét xử trong điều hành, tổ chức phiên tòa; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa và kỹ năng tiến hành tố tụng cho các Thẩm phán, Kiểm sát viên…
Về giải quyết các vụ án hành chính: Các Tòa án đã thụ lý 10.492 vụ; đã giải quyết, xét xử 4.726 vụ, đạt tỷ lệ 45% (so với cùng kỳ năm trước, thụ lý giảm 1.394 vụ, xét xử giảm 1.333 vụ).
Tính đến thời điểm báo cáo, không có vụ án nào để quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan. Việc tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện được các Tòa án chú trọng, thí điểm đối thoại bằng hình thức trực tuyến. Chưa có bản án, quyết định hành chính nào phải giải thích hoặc kháng nghị do tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án.
Chất lượng xét xử các vụ án hành chính được nâng lên, tỉ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với cùng kỳ năm trước và đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội, trong đó: Tỉ lệ án bị hủy 1,62%. Các Tòa án đã ban hành 96 quyết định buộc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Đây là cố gắng đáng ghi nhận của ngành tòa án (UBTP giám sát trong giai đoạn 4 năm: 2014-2017, các Tòa án chỉ ban hành 22 Quyết định buộc phải thi hành án), nhóm nghiên cứu đánh giá.
Công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, TANDTC và các TAND cấp cao đã có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm với tổng số đơn/vụ là 13.912 đơn, đã giải quyết 5.950 đơn (đạt 42,8%). Trong đó, TANDTC giải quyết 1.717/3.087 đơn, bằng 55,62%; các TAND cấp cao giải quyết được 4.233/10.825 đơn, bằng 39%.
Về các giải pháp, kiến nghị trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu cũng đề nghị TANDTC đẩy mạnh công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 41/2017/QH14 của Quốc hội;
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa công tác Tòa án; tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc để Tòa án hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó có nhiệm vụ xét xử trực tuyến các loại vụ án trong tình hình hiện nay.